Nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu ở Mỹ
> Nếp nhà GS Ngô Bảo Châu
> Mẹ GS Ngô Bảo Châu nói về người thầy
> GS Ngô Bảo Châu: "Học cũng như đi bộ"
GS Ngô Bảo Châu và mẹ chụp tại Chicago, Hoa Kỳ. |
Một căn phòng rộng chừng 20 mét vuông được bài trí rất đơn giản. Vật dụng nhiều nhất trong căn phòng là sách và sách. Trên chiếc bàn làm việc chỉ có chiếc máy tính Apple màn hình lớn – niềm mong ước của chúng tôi, có lẽ cũng của nhiều người khác và cuốn sổ tay ghi chép.
Dường như với anh, các con số, phương trình, lý thuyết toán học, các bổ đề đã và đang được chứng minh… đều nằm trong đầu và trong ổ nhớ của chiếc máy tính này.
Một số người có dịp tới thăm phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu có thể đã ngỡ ngàng về một cơ sở làm việc giản đơn của một trong những GS danh tiếng của trường ĐH Chicago, hay phải nghĩ lại về điều mà một nhà khoa học chân chính thường sắp đặt cho cuộc sống của mình cả trong khoa học và đời thường.
Gs Ngô Bảo Châu tại phòng làm việc ở ĐH Chicago, Hoa Kỳ . |
Trên tường phía sau bàn làm việc treo một bức tranh khổ khá lớn màu vàng, đậm màu triết lý của tác giả khi phác họa chân dung Ngô Bảo Châu. Anh nói, đây là bức tranh của một họa sĩ có tên tuổi, lại là bạn anh vẽ tặng.
Trên bức tường đối diện có 1 chiếc bảng xóa cũng khá lớn để anh viết ra những gì mình đang suy nghĩ hay những gì cần trao đổi, tranh luận với các đồng nghiệp hay nghiên cứu sinh.
Trong phòng làm việc của anh cũng không thấy những tấm huy chương, những kỷ vật được trao từ những giải thưởng lớn về toán học hay những bức hình chụp cùng các nguyên thủ của Việt Nam, Pháp hay Ấn Độ mặc dù ai được may mắn đến thăm nơi làm việc của anh đều muốn được nhìn thấy tận nơi những vật kỷ niệm cao quý đó.
PGS. Trần Lưu Vân Hiền, mẹ GS Ngô Bảo Châu tại phòng làm việc của con trai. |
Sự giản dị cũng toát ra từ chính con người và tính cách của vị GS trẻ này, từ trang phục, từ cách giao tiếp đến những cử chỉ thân thiện và chan hòa với tất cả mọi người. Thấy có khách tới thăm, Ngô Bảo Châu tự mình đi lấy nước, ấm chén pha trà mời và niềm nở trò chuyện.
Không chỉ riêng Ngô Bảo Châu, tất cả các Giáo sư khác trong trường ĐH Chicaco cũng đều đang làm việc trong những căn phòng tương tự. Thế mới biết, những đồ vật sang trọng, tiện nghi đắt tiền không làm nên trí tuệ con người!
GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời làm giáo sư tại khoa Toán trường ĐH Chicaco từ ngày 1-9-2010. Các trường đại học ở Mỹ xem việc mời được các nhà khoa học từng được giải Nobel hay Fields là những thành công của họ.
Trước GS Ngô Bảo Châu, khoa Toán của trường đã mời được một tác giả của giải thưởng Fields từ Nga, nghe nói cũng không dễ dàng gì khi thỏa mãn mọi yêu cầu của nhà toán học này, kể cả việc không chấp nhận tham gia giảng cho sinh viên.
Khi mời GS Ngô Bảo Châu, nhà trường đã đưa ra hàng loạt các đề xuất thuận lợi nhất cho anh kể cả việc không có một yêu cầu tối thiểu nào về giảng dạy.
Những người như các GS nhận giải Fields, việc nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu được ưu tiên trên hết. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu yêu thích giảng dạy, anh vẫn nhận dạy một học kỳ cho sinh viên sau đại học. Hiện anh làm việc với 4-5 nghiên cứu sinh. Anh đặc biệt vui thích và hài lòng khi nay đang làm việc với một nhà toán học trẻ tuổi của Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu và gia đình chụp tại Chicago tháng 1-2013. |
Công việc giảng dạy, nghiên cứu chiếm nhiều thời gian nên anh nói cũng khó khăn lắm khi sắp xếp thuyết trình tại nhiều nước khác nhau.
GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc Điều hành của Viện toán Cao cấp, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, các đồng nghiệp Hàn Quốc nhiều lần nhờ mời giúp GS Ngô Bảo Châu sang nước này vì họ đã nhiều lần mời mà chưa được. Vậy mà chưa bao giờ GS Ngô Bảo Châu từ chối những dịp về với cộng đồng Toán học Việt Nam và dành cả mấy tháng hè của mình về làm việc tại Hà Nội.
Thật có lý để GS Lê Tuấn Hoa nói rằng, chỉ có thể với tinh thần hiệp sĩ toán học, nhà toán học với giải thưởng Fields danh giá đó mới về với Việt Nam và chưa nản chí với vô vàn khó khăn khi thực hiện tinh thần hiệp sĩ đó vì nền toán học Việt Nam, vì thế hệ trẻ Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu từng được trao nhiều giải thưởng Toán học uy tín thế giới như: - Năm 2004: Giải thưởng Clay. -Năm 2007: giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ Châu Âu. -Năm 2008: giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. -Năm 2009: công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands” của GS Ngô Bảo Châu đã được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm. -Năm 2010: GS Ngô Bảo Châu nhận Fields Medal |
ĐH Chicago nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà được xem là một trong các trường đại học hàng đầu thế giới. Đây là một trường ĐH tư nằm ở khu phố Hyde Park Chicago, Illinois. Trường do Hội Giáo dục Baptist Mỹ và nhà tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller thành lập năm 1890.
ĐH Chicago có mô hình đào tạo đa dạng, trong đó, được đánh giá xuất sắc trong các lĩnh vực về khoa học xã hội, nghiên cứu và kinh tế.
Ngôi trường này nổi tiếng với các phong trào học thuật có sức ảnh hưởng lớn và tạo ra "trào lưu" trong giới khoa học trên thế giới như trường phái Kinh tế học Chicago, trường phái xã hội học, trường phái phê bình văn học Chicago và phong trào luật và kinh tế học trong phân tích pháp lý. ĐH Chicago cũng là nơi thực hiện phản ứng hạt nhân tạo tự lực đầu tiên của thế giới là trường đại học có nhà xuất bản riêng lớn nhất Hoa Kỳ.
Đến nay, trường đã có 85 người nhận giải Nobel. Khoa Toán của trường hiện có 3 GS đã nhận giải Fields – giải thưởng cao nhất của thế giới về Toán học.
Một điều rất vui là với kết quả học tập tốt, con gái lớn của GS Ngô Bảo Châu – Ngô Thanh Hiên vừa được trường ĐH Chicago tiếp nhận. Mùa thu tới, Hiên sẽ là sinh viên năm thứ nhất của trường.
Tiếp sau GS Ngô Bảo Châu, GS Vật lý Lý thuyết Đàm Thanh Sơn của Việt Nam cũng được mời về làm việc tại ngôi trường danh tiếng này.
Đầu năm mới 2013, đã có người bạn chúc GS Ngô Bảo Châu thế này: Thế giới hiện còn 5 bài toán thế kỷ. Chúc Châu sẽ giải được một trong những bài toán thế kỷ đó!
Sinh năm 1972 tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu từng là học sinh khối phổ thông chuyên toán tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi đang học lớp 11, Ngô Bảo Châu đoạt giải nhất với số điểm tối đa 42/42 tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 1988 tại Australia. Năm sau (1989), lại đoạt giải nhất (40/42 điểm) tại Olympic Toán quốc tế tại CHLB Đức. Năm 1989, Ngô Bảo Châu được chọn sang học tại ĐH Tổng hợp Paris 6 (Pháp). Năm sau, Ngô Bảo Châu giành điểm cao nhất khi đỗ vào trường Ecole Normal Superier. Anh tốt nghiệp đại học chỉ sau 2 năm thay vì hoàn thành bậc đại học ở Pháp là 4 năm. Năm 1997, anh bảo vệ xong luận án Tiến sĩ ở tuổi 25. Năm 2003, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở tuổi 31. Tháng 6-2004, Ngô Bảo Châu được nhận làm Giáo sư tại ĐH Paris 11 khi mới 32 tuổi. Năm 2005, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị Giáo sư trẻ nhất nước khi mới 33 tuổi. Ngô Bảo Châu cũng là thành viên của Viện Nghiên cứu Khoa học tiên tiến Princeton, Hoa Kỳ - nơi quy tụ nhiều nhà toán học và vật lý hàng đầu thế giới. GS Ngô Bảo Châu hiện đang giữ chức vụ GĐ Khoa học, Viện toán Cao cấp Việt Nam. |
Theo Trần Lưu – Vũ Bích Ngọc
VOV