Bộ thích, trường ngại
> Sẽ không cấm thí sinh mang bút gắn linh kiện điện tử
> Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo dục phổ thông yếu kém
Học sinh Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) chuẩn bị vào phòng thi tốt nghiệp năm học 2012. Ảnh: Giang Huy. |
Năm 2012, sau vụ việc học sinh quay được clip ghi lại tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đã cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không truyền tin vào phòng thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Khi đó, việc này đã khiến các trường khá lúng túng trong việc tập huấn cho giám thị cách nhận biết thiết bị nào được phép, thiết bị nào không.
Sau một kỳ “thử nghiệm”, năm nay, Bộ GDĐT dự định đưa vào quy chế tuyển sinh - chính thức hóa việc thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Tuy nhiên, đa phần lãnh đạo các trường lại có ý kiến không nên duy trì quy định này. Lý do không chỉ vì khó kiểm soát, mà vấn đề còn nằm ở chỗ cần tôn trọng quyền được đi thi một cách chính đáng của đa số TS.
TS đi thi chứ không phải đi xem xét, tìm hiểu những vấn tiêu cực trong thi cử. Để thực hiện chức trách này còn rất nhiều kênh thông tin khác chứ không nên quá chú trọng vào “thí sinh”.
Cho thí sinh mang thiết bị sẽ có tính tích cực trong công tác giám sát phòng thi, đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Trước kia, tâm lý xã hội nghĩ rằng đằng sau cánh cổng trường thi là xã hội không biết chuyện gì đang xảy ra, thì nay cả xã hội sẽ cùng giám sát kỳ thi để đảm bảo sự công bằng, trong sáng của ngành |
Phó Trưởng ban ĐH và Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) - ông Nguyễn Quốc Chính - cũng cho rằng: “Không nên cho TS mang các thiết bị vào phòng thi để tôn trọng quyền đi thi của TS chứ không phải là giám sát giám thị”.
Ông Nguyễn Đình Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ - cho rằng, việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi có cả mặt lợi và hại, vì vậy bộ nên có quy định linh hoạt, cho các trường căn cứ vào điều kiện của mình mà để thí sinh được mang hay không.
Ông Hòa cũng “nhanh nhẹn” đề nghị trường mình được phép “cấm” thí sinh, vì “cán bộ của trường tôi không đủ khả năng phân biệt thiết bị đó có thu-phát được hay không”.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Đây không phải là sáng kiến của bộ mà là vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
“Chúng ta có cấm thí sinh vẫn cứ mang vào, như “bài học Đồi Ngô” cho thấy. Chúng ta không bắt buộc học sinh phải mua thiết bị mang vào nên phần lớn học sinh sẽ không mang gì, nhưng nếu có học sinh không bằng lòng với tiêu cực thì có thể chung tay chống tiêu cực, vì đây là một chủ thể trong nhà trường. Quy định này như một tấm lưới giăng lên đầu chúng ta như có một sự kiểm soát vô hình để có một kỳ thi nghiêm túc” - bộ trưởng nói.
Cũng liên quan tới thiết bị hiện đại trong kỳ thi, Bộ GDĐT dự kiến sẽ bổ sung quy định: “Trong quá trình tổ chức chấm thi các môn thi năng khiếu, các trường phải bố trí các thiết bị ghi âm, ghi hình... để làm tài liệu minh chứng cho việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan”.
Với thực tiễn từ nhà trường, ông Nguyễn Đình Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ - cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh: “Nếu chỉ có giám khảo các em sẽ thi bình thường. Nhưng nếu đặt máy quay, máy ghi âm, các em chắc chắn sẽ bị tâm lý, ảnh hưởng tới chất lượng thực hiện bài thi”.
Tuy nhiên, ông Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - lại khẳng định: Việc ghi hình rất tốt cho thi năng khiếu, tiện cho việc thanh tra, phúc khảo sau này vì các em chỉ biểu diễn một lần.
Theo Lao Động