Giải quyết bài toán chất lượng

Giải quyết bài toán chất lượng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết nhiều giải pháp sẽ được thực hiện từ năm 2013 nhằm chấn chỉnh giáo dục.

> Nhiều điểm mới trong đào tạo tài năng
> Sẽ kiểm định chất lượng giáo dục năm năm một lần

Công khai thông tin tiêu cực

Thưa Bộ trưởng, năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tuy nhiên vẫn bắt nhịp được với quốc tế. Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để khắc phục tình trạng này?

Để đạt chất lượng, trước tiên cần phải chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục. Cần nâng cao ý thức pháp luật của các trường.

Năm 2013 cũng là năm mà luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành. Các trường muốn tự do, tự chủ thì phải thực hiện đúng khuôn khổ của pháp luật.

Về phía Bộ, sẽ rà soát lại các văn bản đã ban hành, cái nào lạc hậu thì cần phải thay đổi, cái nào còn thiếu thì sẽ bổ sung, hoàn thiện. Các văn bản này sẽ là những hành lang pháp lý đầy đủ để các trường thực hiện và phải chấp hành.

Giải pháp thứ hai là sẽ thay đổi nhận thức về giáo dục đại học. Không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được như: số lượng, quy mô của giáo dục đại học, nhưng dựa trên kết quả đó, cần phải giải quyết bài toán chất lượng. Chúng tôi sẽ phải củng cố, chấn chỉnh, đổi mới để tất cả số lượng đã có trở thành chất lượng...

Bộ trưởng suy nghĩ gì trước những bất cập của giáo dục phổ thông như: biên soạn chương trình giáo dục thiếu một “tổng chỉ huy”, nặng về bệnh thành tích, dạy thêm học thêm vẫn tràn lan…

Đối với giáo dục phổ thông, hiện nay Bộ đang xúc tiến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Trong lần đổi mới này, Bộ đang triển khai nghiên cứu của các nước trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những nền giáo dục gần với chúng ta như: Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc. Từ đó sẽ thấy cái gì nên theo, cái gì nên tránh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đúc rút kinh nghiệm của quá khứ. Cái hay, tốt thì tiếp tục, cái chưa tốt thì sẽ phải khắc phục. Tôi cho rằng việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa thiếu một tổng chủ biên do không phải không có mà là làm chưa hết trách nhiệm, thiếu sự cương quyết.

Về tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục là chuyện vẫn còn tồn tại dai dẳng. Năm 2012, trước việc những vụ tiêu cực được phát hiện, chúng tôi xử lý nghiêm túc, kể cả cá nhân và tập thể.

Trước đây, việc xử lý còn e dè nhưng bây giờ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, chúng tôi xử lý kiên quyết hơn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Ở vụ Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) có gian lận trong thi cử, chúng tôi đã xử lý cả hiệu trưởng.

Trong năm qua, lần đầu tiên, chúng tôi đã cho chấm thanh tra 17.000 bài thi tốt nghiệp THPT của thí sinh ở 17 tỉnh có kết quả tăng đột biến.

Sau khi chấm lại, chúng tôi đã gửi kết quả này cho bí thư, chủ tịch UBND tỉnh và gửi kèm theo công văn trong đó chỉ ra việc coi thi chưa tốt, chấm không nghiêm túc, công tác chỉ đạo quản lý chưa sâu sát.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng năm nay, Bộ chỉ gửi các địa phương theo đường công văn mật, năm sau thông tin này sẽ được công bố công khai.

Kiến nghị nhà giáo được hưởng bậc thang lương cao nhất

Nhiều ý kiến cho rằng muốn đổi mới giáo dục thì yếu tố đầu tiên là phải quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Tới đây, Bộ trưởng có những ưu tiên gì đối với họ?

Tôi cũng cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Đối với giáo dục thì lại càng quan trọng. Trong năm 2013, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ cũng sẽ cùng hai trường ĐH Sư phạm trọng điểm rà soát chương trình đào tạo để sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.

Về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, hiện nay còn có bất cập đặc biệt là việc phụ cấp thu hút đối với nhà giáo lên vùng sâu, vùng xa làm việc.

Theo quy định, chỉ có phụ cấp hết 5 năm vì vậy sau thời gian này nếu các nhà giáo vẫn tiếp tục ở lại thì không còn phụ cấp nữa.

Như vậy sẽ thiệt thòi cho những nhà giáo gắn bó với vùng khó khăn, và làm cho giáo dục ở vùng đó vì không có những giáo viên giàu kinh nghiệm. Quan điểm của Bộ là cân nhắc có phụ cấp cho những người tiếp tục ở lại công tác.

Điều được nhiều người quan tâm là chế độ tiền lương cho nhà giáo. Hiện chúng tôi đã có kiến nghị với Chính phủ cho thực hiện quy định nhà giáo được hưởng bậc thang lương cao nhất trong thang bậc tiền lương.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cũng phải cân nhắc theo tình hình chung. Hy vọng tới đây việc cải cách đề án tiền lương sẽ có những điều chỉnh nhất định.

Cần thay đổi để giải quyết triệt để dạy thêm, học thêm

Về việc dạy thêm, học thêm, tôi cho rằng những văn bản gần đây của Bộ có nhiều tiến bộ và đã đi vào cuộc sống. Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và lạm thu đầu năm học đã được triển khai tích cực ở nhiều địa phương. Đặc biệt, chính quyền các địa phương đã vào cuộc và đã có kết quả ban đầu, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự chuyển biến trong nhận thức của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh.

Theo Vũ Thơ
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
TPO - Khu đô thị lấn biển bỏ hoang 'mọc' hàng loạt nhà trái phép; Chuyển cơ quan điều tra dự án hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm khu công nghiệp 3.550 tỷ đồng; Cảnh hoang tàn khu nhà ở Đại Nam trên ‘đất vàng’;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/1.