Lên núi nghe chuyện sẻ áo nhường cơm

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thượng Nông quyên góp gạo giúp đỡ các bạn nghèo
Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thượng Nông quyên góp gạo giúp đỡ các bạn nghèo
TP - Đã vài năm nay, giáo viên, học sinh nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở vùng cao Na Hang (Tuyên Quang) duy trì đều đặn phong trào “Hũ gạo tình thương”, quyên góp gạo, ngô, ủng hộ các bạn nghèo vào những dịp giáp hạt, mất mùa.

> Cận cảnh học trò vùng cao săn chuột để thoả cơn thèm thịt
> Sao cứ toàn mì tôm thế?

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nông nằm cách trung tâm thị trấn Na Hang hơn 60km là điển hình của phong trào “Hũ gạo tình thương” dù hầu hết các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số.

Khi chúng tôi tìm đến đây, trường vừa tan học, em chạy đi tìm rau, em chạy đi kiếm củi để nấu bữa trưa. Thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Chiến giới thiệu: “Trường mới được chuyển đổi thành mô hình bán trú mấy năm nay, các em học sinh ở xa quá, không tiện đi về hằng ngày”.

Theo thầy Chiến, có em nhà cách xa hơn 20km, để đến trường phải vượt qua ba bốn ngọn núi, mấy cánh rừng, vài con suối. “Nhiều em ở xa được tặng xe đạp theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ, nhưng đường núi dốc quá, các em không đi được nên hầu như phải dắt bộ”, thầy Chiến nói thêm.

Trong một xã mà hộ nghèo chiếm hơn một nửa, thì số học sinh có điều kiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Trường có 255 học sinh thì có đến gần 200 em ở bán trú.

Đầu tuần, các em về nhà gùi gạo, muối, củi, dầu…lên trường học tập. Thứ bảy, các em lại vượt qua quãng đường ấy, trở về nhà lo gạo, muối, củi, dầu … cho tuần học tiếp theo.

“Học được con chữ gian nan lắm”, thầy Chiến nói. “Có em gùi gạo qua suối, chẳng may bị ngã đổ hết, dù đã đi được nửa đường rồi nhưng lại quay về lấy ngô, sắn mang lên trường. Đến nơi thì lớp đã học hết buổi. Nhiều em do nhà nghèo và xa quá, đành đi người không lên trường. Nhiều bạn thấy thế lại cùng giúp đỡ cho em ấy ăn uống cùng một tuần”, thầy Phan Văn Dũng, Phó hiệu trưởng, chia sẻ.

Cũng vì thấy nhiều em còn nghèo khó nên ban giám hiệu, liên Đội nhà trường phát động phong trào “Hũ gạo tình thương”, kêu gọi các em học sinh, thầy cô giáo ủng hộ gạo giúp học sinh nghèo.

“Một năm hai đợt, chúng tôi phát động mỗi em học sinh có mức sống trung bình trở lên góp 2 bát gạo, mỗi thầy cô giáo 3 bát, nhưng hầu như ai cũng quyên góp hơn chỉ tiêu”, thầy Quỳnh, Tổng phụ trách Đội chia sẻ.

Đến nay, đã ba năm phát động, nhà trường đều thu được số lượng gạo đáng kể để chia cho các em học sinh nghèo khó trong trường. “Năm 2011 được hơn hai tạ gạo.

Tháng 11 vừa rồi, trường lại phát động quyên góp và thu được 1,8 tạ gạo, hơn 1,7 triệu đồng tiền mặt. Ngày kỷ niệm 20 - 11, trường trao cho 24 em học sinh thuộc diện nghèo khó nhất trường”, thầy Quỳnh cho biết.

Em Đặng Thị Viện, học sinh lớp 8, ủng hộ “Hũ gạo tình thương” suốt ba năm qua. Nhà cách trường bảy cây số, Viện ở bán trú, hằng tuần chỉ về nhà một lần. Bố mẹ làm ruộng, nhưng đến kỳ giáp hạt nhà Viện cũng đói, phải ăn cơm độn với ngô, sắn.

“Mỗi lần em lấy gạo mang đi quyên góp, bố em đều bảo phải mang phần gạo trắng, không được lấy phần gạo độn ngô”, Viện kể. Bố mẹ Viện dặn, góp một phần nhỏ cho các bạn nghèo ở trường là rất tốt, vì vậy, mỗi lần trường phát động, Viện gùi lên trường 10 bát, đóng góp 3 bát cho “Hũ gạo tình thương”.

Tính đến nay, sau ba năm ủng hộ quyên góp, Viện đã chia sẻ 18 bát gạo cho các bạn nghèo khó trong trường có bữa ăn, tiếp tục đến trường theo học con chữ. Trong những học sinh nhận gạo có Bàn Thị Mến, học sinh lớp 9 người dân tộc Dao.

Mến kể, bố mẹ cũng làm ruộng, nhưng nhà nghèo khó, vào những dịp giáp hạt, có khi hàng tuần liền nhà em phải ăn cơm độn ngô, độn sắn. “Vừa rồi, em nhận được gạo do thầy cô và các bạn trong trường quyên góp, đủ ăn một tuần”, Mến nói.

Tết này sẽ có… gạo

Nằm ở nơi sầm uất nhất huyện Na Hang nhưng Trường Tiểu học, THCS thị trấn Na Hang vẫn còn nhiều học sinh thuộc diện nghèo. Để những học sinh này có cái Tết ấm no hơn, bốn năm nay, cứ mỗi dịp giáp Tết, thầy cô và học sinh nhà trường lại phát động và hưởng ứng phong trào “Hũ gạo tình thương”.

Đang là tháng một năm 2013, cô Trần Thị Lệ Mỹ, Tổng phụ trách Đội trường THCS thị trấn Na Hang vừa mới hoàn thành kế hoạch phát động “Hũ gạo tình thương” Tết Nguyên đán 2013.

“Ít ngày nữa, mỗi học sinh đến trường sẽ mang theo một túi gạo để ủng hộ cho hơn 30 bạn học sinh đặc biệt nghèo khó của nhà trường”, cô Mỹ nói.

Phúc Thị Thương, học sinh lớp 9B kể khi cô giáo chủ nhiệm phát động phong trào quyên góp gạo cho bạn nghèo, các bạn trong lớp hưởng ứng rất nhiệt tình dù trong lớp không có bạn nào nghèo khó”.

Thương về nhà, truyền đạt lại lời cô giáo, và được bố mẹ ủng hộ. “Mình nên giúp đỡ các bạn nghèo hơn. Sau này, nếu chẳng may mình có khó khăn thì rất cần sự giúp đỡ của các bạn ấy”, Thương nhắc lại lời bố. Ba năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết, Thương lại lấy hơn ba bát gạo, cẩn thận bọc vào túi nilong cho vào cặp sách mang đến trường.

Cũng giống như Phúc Thị Thương, Mai Cẩm Ly, học sinh lớp 7A, trường THCS thị trấn Na Hang rất tích cực tham gia phong trào “Hũ gạo tình thương” dù gia cảnh nhà em không mấy khá giả (bố làm nghề chài lưới trên sông, mẹ chạy chợ).

Ly kể : “Lớp em có ba bạn học sinh đặc biệt khó khăn là Triệu Thị Quyên, Triệu Thị Tâm và Đặng Thị Oanh. Năm 2011, khi được nhận gạo hỗ trợ, các bạn ấy mừng đến rơm rớm nước mắt. Em và các bạn trong lớp thì thấy vui lắm vì giúp đỡ được những bạn ngồi cùng bàn, học cùng lớp với mình”.

Nằm trên cùng mảnh đất với trường THCS, phong trào “Hũ gạo tình thương” cũng lan sang Trường Tiểu học thị trấn Na Hang. Cô Tạ Thị Tân, hiệu trưởng nhà trường cho biết trong số 477 học sinh của nhà trường có tới 290 học sinh là người dân tộc Tày, Mường, Nùng, Hoa, Dao, H’mông.

Hầu hết gia đình những học sinh này đều làm ruộng, mỗi vụ giáp hạt lại bữa đói, bữa no. Năm 2011, thầy cô và học sinh nhà trường quyên góp được 145kg gạo, năm 2012 quyên góp được 170kg, mỗi em học sinh nghèo được nhận 5-6kg mỗi dịp Tết.

Cô Tân chia sẻ thêm phong trào “Hũ gạo tình thương” nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất nhiều của phụ huynh các em học sinh.

“Chúng tôi chỉ phát động mỗi em mang một bát gạo nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều cho con mang nhiều hơn. Có phụ huynh cho con mang đến hai lần, mỗi lần ba bát gạo”.

Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang đến gần, thầy và trò các trường THCS và Tiểu học thị trấn Na Hang lại đang rậm rịch chuẩn bị cho một “Hũ gạo tình thương” để Tết này, những học sinh nghèo khó trên địa bàn thị trấn có gạo để đón Tết no hơn.

Không chỉ thế, theo các thầy cô giáo nhà trường việc phát động học sinh khuyên góp “Hũ gạo tình thương” còn là cách giáo dục tình thương yêu, sự sẻ chia với đồng bào, đồng loại một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

Nhìn những bức ảnh ghi lại ngày quyên góp “Hũ gạo tình thương”, chắc nhiều người sẽ xúc động. Hàng chục học sinh THCS chân dép lê, quần áo xộc xệch, nhàu nhĩ đua nhau đổ gạo vào “Hũ gạo tình thương”. “Chúng tôi đi kiểm tra phòng ở của các học sinh, tình cờ thấy có các túi gạo treo ở đầu giường, hỏi ra mới biết, mỗi bữa nấu cơm, các em thường bỏ ra một nắm, dành dụm lại chờ đến đợt quyên góp, ủng hộ các bạn trong lớp, trong trường”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.