Cần thì lấy, mất thì không phải đền
Ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), tất cả giá sách luôn đầy ăm ắp và luôn phong phú sách mới. Mọi học sinh đều được tự do vào thư viện lấy sách để đọc và học tập, không cần kê khai, không cần viết phiếu yêu cầu. Thích cuốn nào, học sinh tự lấy và ghi vào sổ. Đọc xong, các em tự mang trả.
“Không trả cũng không sao. Nếu cuốn sách đó quá cần cho trò, hay vì sơ suất mà làm mất, các con cũng không phải đền. Tôi chưa bao giờ mắng một học sinh, chưa bao giờ báo cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cho phụ huynh về một học trò chậm muộn hoặc không trả sách” - cô Nguyễn Thị Hường, phụ trách thư viện ở đây cho biết.
Điều may mắn là học sinh trong trường xuống thư viện rất có ý thức. Cô Hường hầu như không phải lo lắng, và không dò xét các trò.
Sách có được từ công tác xã hội hóa tự nguyện, từ nguồn đầu tư của nhà trường, từ đóng góp của học sinh và phụ huynh hằng năm. Nguồn về dồi dào và nhiệt tình nên nếu có một số học trò “tham” sách cũng không hề gì.
Tất cả đều thoải mái và tự giác. Các lớp thích góp bao nhiêu thì tự đăng ký từ đầu năm, rồi mang “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” .
Mỗi học kỳ, nhà trường có quầy sách tặng tự chọn. Học sinh được lấy cuốn nào tùy thích. Có học trò muốn tặng sách cho chúng bạn cũng tự sẻ chia qua hoạt động này. Riêng sách giáo khoa đương nhiên là nhiều nhất, được học sinh hăng hái đóng góp khi học xong từng khóa, hoặc khi tốt nghiệp.
Học kỳ vừa qua, ban giám hiệu trường chi tới hơn trăm triệu đồng, để thường xuyên đưa về kho sách những cuốn sách “hot” nhất, mới nhất và có giá trị nhất.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp- hiệu trưởng trường Phan Huy Chú - một nhà giáo trẻ năng động và quyết tâm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh nói: “Văn hóa đọc không phải là phong trào hay mang tính hình thức mà phải tạo thành nhu cầu tự thân của học sinh. Và nhu cầu đẹp này cần được đáp ứng không mệt mỏi. Quan điểm của chúng tôi là giáo dục văn hóa đọc cũng chính là giáo dục văn hóa sống cho học sinh”.
Năm nào nhà trường cũng chở cả xe ô tô sách đi tặng học sinh cấp THPT tại các trường ở địa bàn khó khăn hơn của Hà Nội. Học sinh trong trường biết sách mình đang dùng sẽ được tặng cho bạn nghèo nên càng gìn giữ sách.
Tiết học về văn hóa đọc
“Tiết học thư viện” là tiết học về văn hóa đọc, có tiêu đề “45 phút và cả thế giới”. 100% học sinh đã trải qua tiết học này. Những câu hỏi khuyến khích đọc được nêu ra sâu sắc: “Chúng ta có mấy cuộc đời để sống? Làm thế nào để sống nhiều hơn thế, làm thế nào để không bị bối rối trước những cảnh huống cuộc đời?”
Tiết học thư viện. |
Học trò trả lời được là nhờ đọc sách. Sách đem đến những chọn lựa hay vì ta đã sống những lần qua đó cùng tâm trạng, cảnh huống của nhân vật. Ta không thể dùng đời mình làm nháp nên trang sách đã làm “phép thử” hộ ta. Ta có nghị lực vượt lên nỗi khổ và biết cách sống sâu hơn trong những niềm vui. Sách cần thiết và linh diệu cũng nhờ vậy.
Tại trường Phan Huy Chú, học sinh quên và mất sách giáo khoa chỉ việc vào thư viện tự lấy sách, mượn để học. Mọi yêu cầu về sách đều được đáp ứng. Học sinh và giáo viên đề xuất sách nào là cán bộ thư viện đi mua ngay. |
Truyền bá văn hóa đọc đến giới trẻ có cái khó vì giới trẻ rất thích thể hiện trong đám đông, thích chung vui và rộn ràng.
Việc đọc sách lại rất âm thầm, rất “một mình” và khó cuốn hút việc đồng tham gia, thế nên muốn “kích cầu” đọc sách, trường này đã tổ chức cho các nhóm học sinh thi giới thiệu sách. Các em giới thiệu sách trong “Diễn đàn Sách và sống đẹp” bằng tiểu phẩm, bằng kể chuyện, bằng đố vui từ cuốn sách.
Kết thúc, bao giờ cũng là hình ảnh cuốn sách được phóng to lồng khung kính cùng với số hiệu của nó trong thư viện nhà trường. Và những phần giới thiệu hấp dẫn đến mức nhiều học trò bị cuốn vào thư viện để đọc và mượn về.
Ngày 20 – 12 - 2012, một đoàn cán bộ thư viện gồm 150 người từ các thư viện trường học, thư viện văn hóa đã về tập huấn nghiệp vụ và tham quan mô hình ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội).
Tại trường, học trò đã giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng như “Thép đã tôi thế đấy”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và cuốn cẩm nang sống “Hãy yêu cuộc sống bạn chọn”.
Một góc thư viện gợi ý về tủ sách gia đình cho học sinh. |
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp không ngại ngần chia sẻ lý do thư viện trường đạt danh hiệu Thư viện trường học xuất sắc của Sở GD&ĐT trong nhiều năm liền: “Trong trường chúng tôi, không có việc gì là của riêng ai, mà là việc chung của mọi người. Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh đã cùng làm công tác thư viện”.
Theo cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn của trường, một học sinh thích đọc sẽ ảnh hưởng tích cực tới gia đình của em ấy, đặc biệt là gia đình tương lai.
“Nếu nhân lên ở quy mô đó, chúng ta sẽ có rất nhiều gia đình quý sách. Khi có đọc, có học thì văn hóa và chất lượng cuộc sống sẽ được tăng lên rất nhiều” – cô Hạnh nói.
Các cô dạy văn ở trường này khiêm nhường cho biết: Những người hàng ngày đứng lớp chỉ là dẫn đường cho trò. Còn các cán bộ thư viện chính là người mở con đường tri thức vô hạn cho các em. Xét kỹ, người mở đường quan trọng hơn người dẫn đường.