Yêu cầu "lạ" trong tuyển dụng

Yêu cầu "lạ" trong tuyển dụng
Nhiều sinh viên mới ra trường khi đi phỏng vấn xin việc hết sức bất ngờ với những yêu cầu tuyển dụng “lạ đời”. Thực tế này khiến sinh viên băn khoăn: bỏ cuộc hay tìm cách đáp ứng yêu cầu?

> Hấp dẫn nghề nhân sự
> Bí quyết để SV chọn việc làm thêm phù hợp

Biết uống rượu, bia, ca hát…

Hoàng Bảo Linh, cô gái tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa có một thời gian dài tìm việc, cho biết: “Một số công ty tuyển các vị trí như bán hàng, tiếp thị, PR có một yêu cầu bất thành văn là biết uống chút chút bia, rượu để có thể giao lưu với khách những lúc cần. Tất nhiên chi tiết này không đời nào họ công khai trên các thông tin tuyển dụng, chỉ khi nào bạn được gọi đi phỏng vấn, họ mới khai thác hàng loạt thông tin về bạn, không chỉ là kiến thức mà còn là những vấn đề tưởng như không ăn nhập gì tới chuyên môn”.

Linh cho biết, có nhà tuyển dụng hỏi: “Thời gian rảnh em thường làm gì? Các hoạt động mà em thường tham gia trong trường ĐH? Em có hay đi karraoke với bạn bè không? Em có biết uống bia không? Nếu cần phải đi ăn uống với khách hàng để bàn về chuyện hợp đồng, em có thể… cụng ly với họ?”…

Ông Đào Trọng Nhân, Giám đốc Công ty truyền thông và giải trí Sao Thủy, nhận định: “Trên thực tế việc này có diễn ra, tuy nhiên tùy vị trí, tùy công ty nhưng đây cũng không phải là yếu tố tiên quyết. Vì sao họ lại có yêu cầu lạ đời như vậy. Điều này cũng dễ dàng lý giải, ở những vị trí như bán hàng, kinh doanh, tiếp thị thường xuyên phải đi gặp khách hàng để thương thuyết hợp đồng. Cái gọi là “biết uống rượu, bia” thực ra không có gì ghê gớm lắm, đó cũng chỉ là một kỹ năng để bạn có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn, thân tình hơn, giúp công việc thêm thuận lợi”.

Linh cũng cho rằng: “Nếu sếp đi tiếp khách mà có thêm một nhân viên xinh xắn đi cùng, lại có thể uống chút chút đỡ cho sếp, chỉ cần vậy thôi cũng đủ để việc ký hợp đồng có khả năng sẽ dễ dàng hơn”.

Ngoài ra, một số công ty lại thích tuyển dụng những ứng viên biết hát hò, biết khuấy động, đẩy mạnh phong trào cho công ty.

Như giám đốc của một công ty dầu khí nọ rất thích tuyển diễn viên, ca sĩ; sẵn sàng đầu tư cho nhân viên tham gia các cuộc thi ca hát, kịch nghệ mà không cần phải làm việc gì nhiều.

Tất nhiên, đó cũng là cách để quảng bá tên tuổi công ty một cách hiệu quả. Nếu nhân viên đoạt giải thì công ty cũng nhờ thế nổi tiếng hơn.

Các công ty về mỹ phẩm thì yêu cầu ứng viên phải có… làn da đẹp. Một số ngân hàng lại yêu cầu nữ ứng viên phải cao 1,60 m và nam là 1,65 m trở lên.

Cần bản lĩnh

Khi được hỏi nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn phải biết uống bia, rượu thì bạn sẽ phản ứng như thế nào, Nguyễn Thị Trang, sinh viên năm 3 ngành kế toán kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Nếu công việc đó thực sự tốt và em thực sự thích, thì em sẽ về... tập uống. Quan trọng là mình phải có bản lĩnh nếu rơi vào trường hợp bị “chuốc” uống nhiều. Bạn hoàn toàn có thể tìm lý do để từ chối như đang phải uống thuốc, phải chạy xe một mình… Nếu kiên quyết và ứng xử khéo léo thì không ai ép mình được, và cũng không ai trách được”.

Cao Thị Giang, sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng: “Tôi không nghĩ những yêu cầu đó là xấu, mà thậm chí nó làm cho công việc của bạn tốt hơn đấy chứ nếu bạn biết làm chủ chính mình, nên đây sẽ là điểm cộng cho ứng viên trong thời buổi kiếm việc khó khăn này”.

Giang nhận định nhiều doanh nghiệp lớn còn hay tổ chức tiệc sinh nhật hoặc những hoạt động dã ngoại hằng tháng nhằm tăng tính đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên, cho nên việc nhân viên hòa đồng, biết hát hò, biết khuấy động không khí, có khả năng quản trò… thì sẽ giúp mọi người vui hơn, mà vui hơn thì làm việc cũng hiệu quả hơn.

PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, lưu ý: “Giữa lúc đa số doanh nghiệp đều giảm nhân sự, thì sinh viên nào giỏi chuyên môn và biết nhiều kỹ năng, thậm chí có ngoại hình hay năng khiếu riêng nào đó, thì cơ hội được tuyển dụng sẽ cao hơn hẳn. Do đó, khi đang học, sinh viên cần phải năng động, thực sự hòa nhập vào cuộc sống, tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội, tích cực giao lưu học hỏi… thì sẽ có nhiều lợi thế khi đi xin việc và làm việc”.

Tiến sĩ Lê Anh Duy, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, đưa ra lời khuyên: “Ở một vị trí cần phải tiếp xúc nhiều với khách hàng thì giao tiếp là một công việc hết sức quan trọng. Chúng tôi không khuyến khích các em phải biết uống rượu, bia và coi đó là công cụ để đạt được mục đích của mình. Nhưng nếu biết uống một chút để giao tiếp, tạo mối quan hệ thì cũng được. Quan trọng là các em phải biết làm chủ được bản thân, nhất là các em nữ, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Còn những yêu cầu khác như biết đàn hát, hoạt náo... thì nếu có, cũng là một thế mạnh, không có cũng không sao vì giỏi chuyên môn vẫn là yếu tố quan trọng nhất ”.

Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.