Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên

Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên
Một hiện tượng xảy ra phổ biến hiện nay là học sinh (HS) trường chuyên, năng khiếu cũng đi học thêm tất bật. Hoàn toàn lãng phí khi hàng ngàn học sinh ở các trường năng khiếu được đào tạo đặc biệt chỉ với mục đích quan trọng nhất là vào đại học (ĐH).

Để trúng tuyển ĐH

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ hơn 10 HS trường chuyên, năng khiếu tại TP.HCM. Tất cả các em này đều cho biết học thêm từ 1-4 môn. Đáng nói, lịch học thêm của nhiều em dày suốt cả tuần.

Bà Phạm Thị Mộng Thu, phụ huynh HS lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Các ngày thứ hai, tư, sáu, con tôi học thêm 2 môn toán, sinh từ 17 giờ 30 - 21 giờ 20. Tối thứ ba, năm học môn lý từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30. Còn thứ bảy và chủ nhật, học thêm môn hóa từ 12 giờ 30 - 17 giờ”. Lý giải nguyên nhân cho con mình học thêm, bà Thu nói: “Mục đích là muốn con thi đậu ĐH. Khi con học thêm bên ngoài, mình cũng yên tâm hơn”.

Không riêng gì lớp 12, HS các khối lớp 10, 11 trường chuyên, năng khiếu đều khẳng định có học thêm, ít nhất là ở… môn chuyên. Minh Tuấn, lớp 10 chuyên toán Trường Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết: “Một tuần em học 8 tiết toán ở trường nhưng vẫn đi học thêm bên ngoài nhằm ôn chắc lại kiến thức”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), HS ở trường chuyên, năng khiếu chỉ cần học tại trường là đủ kiến thức để thi đậu ĐH. Tuy nhiên, phía phụ huynh thường không an tâm và tìm mọi cách cho con em họ học thêm.

Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nhận định: “Do tâm lý phụ huynh không tin tưởng vào việc giảng dạy ở trường chuyên mà đúng hơn là không tin tưởng và khả năng học tập của con em mình nên mới dẫn đến tình trạng HS chuyên phải đi học thêm”.

Trong khi đó, theo ông Thái, thời lượng học ở các lớp chuyên gấp 1,5 lần bình thường. Như ở môn toán, văn, Anh văn mỗi tuần có 6 tiết, cùng với 2 buổi chuyên đề nhằm bồi dưỡng chuyên sâu. Chưa hết, HS các lớp chuyên cũng được luyện các môn lý, hóa, sinh nên hoàn toàn đủ kiến thức để thi đậu ĐH.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM cho biết, tuy không có thống kê cụ thể nhưng thực chất, phần đông HS chuyên, năng khiếu sau giờ tan trường thường phải đi học thêm bên ngoài chỉ với mục đích luyện thi để đậu vào ĐH.

Trong khi đó, tỷ lệ HS chuyên, năng khiếu hằng năm trúng tuyển ĐH rất cao. Chẳng hạn Trường Trung học Thực hành là 89,9%, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa 100%...

Lãng phí tài năng

Mỗi năm tổ chức kỳ thi đầu vào hết sức căng thẳng, tuyển được những HS thật sự tài năng vào bồi dưỡng để cuối cùng mục đích cao nhất là trúng tuyển ĐH thì quả hết sức lãng phí!

Giáo viên và những người làm công tác quản lý ở các trường THPT chuyên đều thừa nhận HS chuyên có tố chất đặc biệt, thông minh hơn các HS thường. Vì vậy, nếu có hướng đi đúng, chính sách hợp lý thì đây sẽ là những nhân tố nổi trội góp phần vào sự phát triển của quốc gia.

Ngoài những HS xuất sắc đoạt giải quốc gia, quốc tế được hưởng các chế độ ưu tiên; HS chuyên, nếu thỏa một số điều kiện nhất định, cũng cần có chính sách thỏa đáng để toàn tâm toàn ý vào chương trình học phát triển tài năng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng dẫn chứng: “Ở các nước tiên tiến, các trường phổ thông đào tạo HS chuyên, năng khiếu thường tuyển thẳng vào ĐH. Các em chỉ cần mất 1-2 năm nữa để có thể lấy bằng ĐH. Vì có một số chuyên đề ở trường THPT chuyên được lấy từ chương trình của ĐH để dạy chuyên sâu. Nếu được tuyển thẳng vào ngành phù hợp, các em có thể bỏ qua những phần đã học, rút ngắn được thời gian học ĐH và dành thời gian đó vào nghiên cứu hoặc học lên cao”.

Trong khi đó, mục tiêu đào tạo năng khiếu ở nước ta vẫn còn hết sức chung chung. Theo quy chế trường chuyên hiện hành, một trong những mục tiêu là phát hiện những HS có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của HS về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện.

Về quyền lợi, HS chuyên đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp địa phương, quốc gia, quốc tế được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập và chế độ khen thưởng theo quy định. Trong 5 chương, 32 điều của quy chế tuyển sinh không một ý nào nói đến chuyện đặc cách cho HS chuyên vào ĐH mà không qua con đường thi cử.

Quy định tuyển thẳng vào ĐH

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành quy định 8 đối tượng được xét tuyển thẳng. Trong đó có các đối tượng liên quan đến HS giỏi, năng khiếu: Thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học; thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐ của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường; TS đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn đã đoạt giải.

Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn HS giỏi cấp quốc gia. Nếu quy định hiện hành chỉ ưu tiên cho HS tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được tuyển thẳng vào trường ĐH thì dự thảo mở rộng thêm đối tượng là HS tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ tổ chức.

Theo Minh Luân
Thanh Niên

Đào tạo học sinh năng khiếu ở một số nước trong khu vực

Philippines: Từ lớp 7 trở lên, HS giỏi có 2 hướng lựa chọn: Nộp đơn vào các trường năng khiếu về khoa học và nghệ thuật hoặc học ở những trường phổ thông bình thường nhưng có các chương trình học đặc biệt như khối ngành nghệ thuật, thể thao, báo chí, ngoại ngữ, khoa học - công nghệ và kỹ thuật, nghề nghiệp.

HS tham gia các chương trình đặc biệt này sẽ tăng thêm 2 giờ học mỗi ngày. Các chương trình đào tạo đặc biệt nhằm mục tiêu phát triển trọn vẹn tiềm năng, phát huy sở trường của HS, định hướng HS lựa chọn hướng đi nghề nghiệp trong tương lai.

Singapore: Hệ thống giáo dục của Singapore gồm 6 năm tiểu học, 4 - 6 năm bậc trung học. Ở bậc trung học, HS có nhiều lựa chọn. Nếu theo chương trình chính thống, HS sẽ học 4 - 5 năm THPT, trải qua một kỳ thi để vào chương trình chuẩn bị ĐH khoảng 2 - 3 năm, sau đó học tiếp 3 - 4 năm lấy bằng ĐH. Nếu theo chương trình chuyên, HS chỉ cần 6 năm để học phổ thông và chương trình dự bị ĐH.

Theo nhiều hướng khác nhau, ở những nước này, việc đào tạo HS năng khiếu nhằm phát huy tối đa tài năng của HS, định hướng HS phát huy sở trường để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Nói như ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Giáo dục Singapore giai đoạn 2003 - 2008, mỗi HS có năng khiếu đều phải được phát hiện, nuôi dưỡng và bồi đắp. Chúng ta phải tìm ra nhiều cách để phát hiện và chăm sóc các tài năng.

(Dựa theo tài liệu hội nghị lãnh đạo giáo dục các nước Đông Nam Á với chủ đề “Nurturing the development of gifted education in ASEAN countries” diễn ra tại Nha Trang cuối tháng 10 vừa qua)

Theo T.Ng
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG