Hơn 20 năm nay, lớp học tại gia của thầy giáo Nguyễn Trai trở thành nơi xóa mù chữ cho trẻ em nghèo. Lớp học tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng hằng ngày tiếng nói cười vẫn đều đều vang khắp cả vùng quê. |
Lớp học cho trẻ nghèo ấy là của thầy Nguyễn Trai (sinh năm 1964). Khi chào đời, Trai cũng như bao đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh khác. Năm lên 9 tuổi, một cơn bạo bệnh đã khiến đôi chân của Nguyễn Trai bị liệt. Cũng từ đó đến nay, cuộc sống của thầy Trai luôn gắn liền với đôi nạng.
Năm 1987, nhìn thấy nhiều em nhỏ trong làng bỏ học vì không có tiền đến trường, thầy quyết định mở lớp học xóa mù chữ miễn phí ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều em trong làng, trong xã được cha mẹ đưa tới xin thầy học chữ.
Ai hỏi học phí thế nào thì thầy lắc đầu và nói: “Lớp học mình mở ra để mong sao các em nhỏ trong thôn có chỗ mà học, mà chơi chứ không phải vì cuộc sống của mình”.
Nhưng các bậc phụ huynh ái ngại khi nhìn gia cảnh khó khăn của thầy. Và thế là thay cho học phí là những món quà quê, lúc vài cân gạo mới, khi con gà, con vịt...
“Mấy đứa con của tui đều đến tuổi đến trường nhưng vì nhà nghèo lại đông con, không có tiền đóng học phí. Biết ở đây có lớp học miễn phí của thầy Trai nên đem các con đến nhờ cậy thầy, nhờ vậy tụi nó biết chữ...” - ông Nguyễn Hàng, người có đến sáu đứa con theo học, tâm sự.
Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời thầy Trai là có được người bạn đời đảm đang, tảo tần và chia sẻ với những việc làm của chồng. Hằng ngày cô Đặng Thị Ánh - vợ thầy - đi làm thuê kiếm tiền lo trang trải cuộc sống, thầy Trai ở nhà chăm sóc gia đình và dạy học.
Ông Lê Đầu - chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa - cho biết: “Thầy Trai là tấm gương sáng ở địa phương. Mặc dù bị tật nguyền nhưng thầy đã vượt qua tất cả, làm được điều mà người khác khó có thể làm được. Thầy đã giúp nhiều em nhỏ trong địa phương thoát khỏi cảnh mù chữ”.
Tận tình chỉ bảo các em từng con số, từng nét chữ. |
Được dạy học cho các em là niềm vui mỗi ngày của thầy Trai. |
Bàn tay nắm lấy bàn tay, gò từng con chữ. |
Thầy trò quây quần bên nhau mỗi khi nghỉ giải lao. |
Để có tiền trang trải cuộc sống và duy trì lớp học, ngoài giờ lên lớp, thầy Trai cặm cụi chăm sóc từ con heo đến đàn gà. |
Một niềm vui lớn khác của thầy Trai: Hiền, con gái 13 tuổi, đã biết giúp đỡ ba. |
Một thầy giáo giàu nghị lực luôn mỉm cười trước khó khăn. |
Theo Văn Thông
Tuổi Trẻ