> Đà Nẵng “nuôi” sinh viên y khoa
Cán bộ “thu hút nhân tài” làm việc 1 năm được thi biên chế
Chiều 19-9, tại Văn phòng Thành ủy, hàng trăm học viên diện thu hút nhân tài (theo đề án 992) của Đà Nẵng có buổi đối thoại trực tiếp với ông Nguyễn Bá Thanh sau thực tiễn quá trình công tác.
Nhiều ý kiến tập trung việc thi biên chế, xét nâng lương, các chính sách hỗ trợ đối tượng thu hút bị chậm… được các học viên trao đổi.
Một học viên công tác tại quận Sơn Trà, kiến nghị: Ba năm về công tác tại UBND quận, qua 3 đợt thi tuyển công chức nhưng vẫn chưa được quận xét tuyển, cử đi vì phải nhường chỗ cho những người “công tác lâu năm”.
Ông Thanh nói ngay: Sở Nội vụ, Ban tổ chức Thành ủy cần thay đổi cách thi biên chế hiện nay, không thể tổ chức các đợt thi tuyển chung giữa cán bộ nhân viên diện tuyển dụng và diện thu hút nhân tài.
Từ giờ đến cuối năm, cần tổ chức đợt thi biên chế riêng cho các học viên đề án. Theo đó, học viên sau 1 năm công tác được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đủ điều kiện dự thi biên chế. Sở Nội vụ trực tiếp gửi giấy báo triệu tập học viên dự thi biên chế.
Các học viên đạt biên chế tiếp tục trở lại đơn vị cũ công tác. Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, ghi nhận: Sau đợt thi tuyển công chức chung vào tháng 11 tới, trong tháng 12-2012, thành phố sẽ tổ chức đợt thi tuyển biên chế riêng cho các học viên đề án.
Ông Thanh chỉ đạo: Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần chuyển phí sinh hoạt trực tiếp vào tài khoản học viên đề án ở nước ngoài thay vì chuyển tài khoản về phía gia đình bên Việt Nam như trước đây, khẩn trương tiến hành nâng bậc lương nếu học viên thay đổi bằng cấp tốt nghiệp của mình; kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ học viên thu hút nhân tài cho các trường hợp bị chậm trễ…
Chất lượng mới xoá được phân biệt trường công, trường tư
Buổi sáng cùng ngày, nói chuyện với trên 600 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Duy Tân, ông Nguyễn Bá Thanh, nhấn mạnh: Mối quan tâm lớn nhất của thành phố bây giờ là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt là xây dựng từ ban lãnh đạo thành phố trong tương lai cho đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý sở, ban ngành phải đủ tầm và tâm. Về ĐH Duy Tân, ông Thanh cho rằng, sau 18 năm hình thành và phát triển, đến nay Duy Tân đã khẳng định được thương hiệu.
Tuy nhiên, trường “không được ham số lượng, mà phải đặc biệt chú trọng vào chất lượng đào tạo. Chỉ có chất lượng thực sự mới xoá được sự phân biệt của xã hội về trường công, trường tư. Muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi. Bởi vậy trường phải chiêu hiền đãi sĩ để mời bằng được những người thầy giỏi”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu nhà trường phải biết xã hội và địa phương cần gì để rà soát lại loại hình và mục tiêu đào tạo, không đào tạo chung chung, thứ gì cũng có như kiểu “bách hóa tổng hợp”. Đà Nẵng hiện nay đang chú trọng vào hai lĩnh vực CNTT và du lịch, đây cũng là thế mạnh của trường.
“Nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho dịch vụ du lịch của thành phố đang thiếu trầm trọng. Có mấy người giỏi thì nhảy hết chỗ này sang chỗ khác lương cao hơn. Trường có thể liên kết với nước ngoài để đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp đội ngũ này không ?. Như đào tạo đầu bếp chẳng hạn”.
Ông Thanh đơn cử: Có một đầu bếp nổi tiếng người Pháp sắp sang Đà Nẵng. Muốn thưởng thức món của ông này nấu phải đặt trước vài tháng. Trường có tổ chức liên kết với các nước nổi tiếng về nghề này để đào tạo những đầu bếp có đẳng cấp được không ?