Trò hiếu học, thầy có tấm lòng, trường huyện nổi danh

Cô giáo Lan Oanh cùng ba học trò thủ khoa
Cô giáo Lan Oanh cùng ba học trò thủ khoa
TP - Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, liên tục 7 năm liền, có đến hơn 15 học sinh đỗ thủ khoa kỳ thi đầu vào các trường ĐH.

> Bài 1: Trường có hơn mười thủ khoa, á khoa

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011, trường có bốn thủ khoa, năm nay, trường có ba thủ khoa. Số học sinh của trường thi đỗ ĐH rất cao. Tuy nhiên, ở vùng quê thuần nông Vĩnh Bảo, đường đến giảng đường của nhiều em gặp nhiều cản trở, thách thức bởi gia cảnh rất nghèo...

Lớp có ba thủ khoa.

Lớp 12A1 có 3 học sinh đỗ thủ khoa, cô Nguyễn Thị Lan Oanh làm chủ nhiệm. Nguyễn Thành Trung học lớp này đỗ thủ khoa ĐH Dân lập Hải Phòng.

Em Nguyễn Huy Hoàng đỗ thủ khoa khối B, ĐH Lâm nghiệp. Em Đoàn Anh Thế đỗ thủ khoa ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Cả ba tân thủ khoa này đều đỗ liền hai trường ĐH với số điểm rất cao. Toàn bộ học sinh hai lớp 12A1 và 12A2 của trường đều đỗ ĐH.

Gặp ba thủ khoa tại sân trường, các em vẫn mặc đồng phục giản dị đã ngả màu, đậm dấu ấn của học sinh miền quê thuần nông còn nghèo. Bàn tay của các em khô gầy, in hằn nỗi vất vả của những ngày giúp gia đình việc đồng áng...

Với Trung, em vừa là tấm gương trong học tập và làm việc. Bố của Trung là thương binh, ở nhà làm nông nghiệp, còn mẹ làm giáo viên. Hằng ngày, sau giờ học, Trung lại lao vào làm việc nhà, phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.

“Chúng em chỉ học ở trường và ở nhà cho tốt chứ không có điều kiện học thêm. Em sẽ theo học ngành Kinh tế Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, mơ ước sau này làm kinh tế giỏi giúp được nhiều người khó khăn hơn mình...”, Trung nói.

Tân thủ khoa Nguyễn Thành Trung còn là một Bí thư Chi Đoàn năng nổ, nhiệt tình của trường THPT Vĩnh Bảo.

Bố mẹ của Hoàng đều làm nông nghiệp. Nhà nghèo, Hoàng phụ giúp bố mẹ cấy thêm mấy sào lúa của người họ hàng đi làm ăn xa cho mượn. Hoàng nói: “Em sẽ theo học Khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội. Em muốn sau này trở thành lập trình viên...”.

Tân thủ khoa Đoàn Anh Thế không chọn trường em đỗ thủ khoa mà chọn học tại ĐH Dược Hà Nội.

Thế đỗ ĐH Dược Hà Nội với 28 điểm. Gia đình Thế cũng làm nông nghiệp nên Thế phụ giúp bố mẹ việc đồng áng đắc lực mỗi khi vào vụ mùa... Để nuôi hai anh em Thế theo học ĐH, bố mẹ Thế phải lao động vất vả, quần quật cả ngày.

“Học sinh trường tôi thi đầu vào điểm khá thấp, kém hơn hẳn các trường ở nội thành. Cơ sở vật chất lại càng kém xa. Các thầy cô giáo trường này không hơn các thầy cô ở nội thành ở một số mặt. Phụ huynh thì hầu hết làm nông nghiệp không có tiền đầu tư cho việc học như ở nội thành đâu. Kết quả, các em đạt được là do truyền thống hiếu học của chính các em. Các thầy cô ở đây dạy, chăm sóc học sinh với trách nhiệm cao và bằng tấm lòng. Bên cạnh đó, trường luôn tạo môi trường học tập sôi nổi, các em hăng hái học, tự nhiên, thầy cô phát huy hết năng lực. Chúng tôi không đặt ra điều kiện hay ép các em học để cố đoạt giải quốc tế, quốc gia...”, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Kiên nói.

Chính từ tình yêu thầy trò chân thành và phương pháp dạy không gây áp lực đó mà các em đạt được nhiều thành tích, ngôi trường cấp huyện này cũng có nhiều thành tích. Mấy năm học gần đây, học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo luôn đỗ tốt nghiệp 100%, số học sinh giỏi đứng thứ 3, thứ 4 thành phố đất Cảng.

Gian nan đường đến giảng đường

Trong ngôi trường ở Vĩnh Bảo này, nhiều em đỗ đại học nhưng gặp nhiều khó khăn đến mức khó có thể đến trường.

“Em Trương Thị Phương Diệu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của mọi người để giấc mơ vào giảng đường ĐH trở thành hiện thực. Diệu là học sinh lớp 12A4, ba năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, là bí thư chi đoàn năng nổ. Diệu vừa thi đỗ Học viện Chính sách và Phát triển...”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Kiên nói.

Khi Diệu mới lên ba, bố của Diệu là lao động chính trong gia đình không may qua đời. Mẹ của Diệu dù sức khỏe yếu vẫn cố vắt sức lao động, chắt chiu từng đồng nuôi mấy anh chị em Diệu đến trường, để có cái chữ sau này đỡ khổ như bố mẹ.

Rồi tai họa lại giáng xuống nhà Diệu khi mẹ Diệu bị tai nạn. Sau lần tai nạn đó, mẹ của Diệu cố gắng lắm để nuôi con nhưng cuối cùng bà cũng lại bị tai biến, nằm bất động đến giờ. Ngoài giờ đến trường, anh chị em Diệu phải bám vào mấy sào ruộng cùng sự giúp đỡ của họ hàng sống qua ngày. Từ việc đồng áng, chăm sóc, thuốc thang cho mẹ, Diệu đều cáng đáng...

Nói về các học trò lớp 12A2 của mình, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thu Hiền ca ngợi: “Các em rất chịu khó học và tất cả đều đỗ ĐH 100%”.

Cô kể về trường hợp em Đoàn Thế Khiêm: “Khiêm có hoàn cảnh khá éo le. Khiêm sinh ra không biết mặt bố. Mẹ làm nông nghiệp nhưng sức khỏe yếu, ốm đau liên miên. Vì thế nhà Khiêm rất nghèo. Em Khiêm vừa thi đỗ ĐH Xây dựng Hà Nội. Sắp đến ngày tựu trường, không biết Khiêm có tiền đi học không...”.

Hoàn cảnh của em Ngô Kiên Đức cũng tương tự. Đức vừa thi đỗ hai trường ĐH là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Nông nghiệp. Cũng như Khiêm, Đức sinh đã không biết mặt bố. Gia cảnh nghèo khó, mẹ của Đức đi làm xa và bặt tin đã khá lâu.

Đức phải ở với bà ngoại đã già trong căn lều siêu vẹo bên bờ ao. Bà ngoại của Đức hay đau ốm. Hai bà cháu sống dựa vào nhau qua ngày. Ngày ngày, sau giờ học ở trường, Đức lại chăm chỉ việc đồng áng, chăm sóc bà ngoại.

Lớp 12A2 còn có nhiều em đỗ liền hai trường ĐH nhưng hoàn cảnh gia đình rất nghèo, éo le nên các em đối mặt khó khăn rất lớn như em Vũ Mạnh Toàn, em Vũ Văn Hùng...

“Trường còn rất nhiều em học giỏi, đỗ ĐH và gia cảnh rất khó khăn. Tết năm 2012, chúng tôi trao quà Tết cho 139 em có gia cảnh nghèo để đón Tết. Năm học 2011-2012, chúng tôi trao học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi với số tiền hơn 150 triệu đồng...”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Kiên nói.

Thương học trò quê nghèo khó, thầy Kiên đang chạy vạy, vận động, xin tiền các nhà tài trợ, hảo tâm để giúp cho các học trò nghèo hiếu học có cơ hội đến trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
Mỗi kỳ kê khai, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin của hàng triệu giao dịch, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh. Từ khối dữ liệu khổng lồ này, cán bộ thuế phải phân tích, đưa ra mã số thuế của cá nhân, doanh nghiệp, chuyển tới cục thuế địa phương tìm hiểu, kiểm tra, yêu cầu nộp thuế. Quá trình phân tích dữ liệu được ví như “đãi cát tìm vàng” để chống thất thu thuế TMĐT.