Tiếp tục ra đề thi theo hướng mở, thời sự

Thí sinh Đà Nẵng kết thúc thi đợt 2 Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh Đà Nẵng kết thúc thi đợt 2 Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khi trả lời các câu hỏi của báo Tiền Phong khi đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học kết thúc cuối buổi sáng 10-7-2012.

> Phổ điểm thi đại học sẽ 'đẹp'

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Trường Sa, Hoàng Sa và những vấn đề xã hội hiện đại đã được đưa vào đề thi... Xin ông lý giải xu hướng ra đề thi mới trong thời gian gần đây?

Trước hết phải nói rằng, cách ra đề năm nay sát tình hình thực tiễn, có những vấn đề mang tính thời sự, có vấn đề mang tính giáo dục thế hệ trẻ, các vấn đề mang tính xã hội phù hợp suy nghĩ của giới trẻ.

Kiểu ra đề này khuyến khích học sinh học tập năng động và có suy luận, tổng hợp, có ý kiến riêng của mình khi nhìn nhận vấn đề. Đề thi như thế phù hợp sự phát triển của GD hiện đại, khơi dậy kỹ năng, tính sáng tạo của từng người, tạo ra những con người có quan điểm riêng, không rập khuôn trong những vấn đề về chính trị, lịch sử, tự nhiên, xã hội…

Thi như thế sẽ đòi hỏi thay đổi cách học thuộc lòng sách giáo khoa trước đây.

Đó có phải là xu hướng ra đề thi của tương lai và sẽ được duy trì những năm sau hay không?

Nếu được xã hội ủng hộ và đánh giá cao thì rõ ràng đây là một cách mới thay đổi cách học, cách tư duy của học sinh. Và nếu như vậy, cách dạy ở phổ thông cũng sẽ phải thay đổi theo một chiều hướng tích cực hơn. Và, cách ra đề thi này sẽ được khuyến khích.

Thí sinh Đà Nẵng kết thúc thi đợt 2 Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh Đà Nẵng kết thúc thi đợt 2 Ảnh: Nguyễn Huy.

Bất khả thi, khó thực hiện, rắc rối… là ý kiến của các trường về quy chế bổ sung, quy định thêm những thiết bị được mang vào phòng thi năm 2012. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

Tác dụng của điều khoản bổ sung rất rõ rệt. Thông qua báo cáo của các hội đồng thi, năm nay, giám thị làm việc nghiêm túc hơn mọi năm, ngồi đúng vị trí, quan sát kỹ.

Điều này cũng tác động lớn đến xã hội. Trước đây xã hội nghĩ rằng bên trong cổng trường thi, hội đồng thi, các thí sinh làm gì, ở ngoài không được biết có nghiêm túc hay không, có gian lận, tiêu cực hay không...

Nay, chủ trương này còn là sự công khai, minh bạch hóa thi cử. Nếu có tiêu cực sẵn sàng để đưa ra ngoài và nếu có tiêu cực thì thí sinh, cha mẹ, và cả xã hội cùng chung tay giải quyết. Như vậy, vấn đề không còn nằm ở câu hỏi: Thiết bị hay không thiết bị.

Ban đầu rõ ràng có khó khăn do không thể liệt kê hết những thứ có thể mang vào và những thứ không thể mang vào vì các loại thiết bị quá đa dạng nên Bộ chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc chung.

Đề thi mở thì đáp án cũng mở

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT. Theo ông Nghĩa, thí sinh trình bày khác đáp án nhưng đúng, vẫn được cho điểm. Khuyến khích những bài viết sáng tạo, có thể không đúng đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng.

Thực tế, hiện tượng mê muội thần tượng là một vấn đề của xã hội, chưa phải là vấn đề gì đặc biệt lắm. Tuy nhiên đây là đề thi mở ra hai chiều để thí sinh có thể bình luận, lập luận ngược lại.

Về đề tài biển đảo trong đề thi, ông Nghĩa nói, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tổ làm đề thi bốc thăm đề để lựa chọn và Bộ GD&ĐT không có định hướng gì trong việc này.

Các hội đồng thi, cán bộ tổ chức thi và các giám thị tùy tình hình xử lý. Bộ không thể cầm tay chỉ việc hết mọi thứ. Đặc biệt, sắp tới, các trường được tăng quyền tự chủ hơn theo Luật Giáo dục đaị học.

Bộ chỉ đưa ra chủ trương, thông tư, quy định, các trường triển khai có hiệu quả hay không là phụ thuộc vào trình độ quản lý, vào năng lực từng đơn vị.

Như vậy, các kỳ tuyển sinh tới, Bộ GD&ĐT vẫn giữ điều khoản bổ sung này?

Nếu góp ý đúng thì Bộ tiếp thu, nhưng tất cả các góp ý của các trường chỉ cho là khó xác định đâu là thiết bị được đem vào, đâu là thiết bị cấm. Đó không thuộc về chủ trương mà là những tác nghiệp cụ thể của cơ sở, không có ai phản đối chủ trương. Vì vậy sẽ tiếp tục thực hiện.

Dư luận đề Toán ra khỏi phòng thi trước giờ quy định vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng?

Hiện cơ quan công an vẫn đang vào cuộc để xác minh vụ việc và chưa có kết luận chính thức.

Khi nào có điểm sàn để công bố điểm chuẩn chung trên cả nước?

Theo kế hoạch ngày 10- 8 sẽ công bố điểm sàn. Chậm nhất cuối tháng 7 các trường công bố điểm trên trang web của mình và sau khi có điểm sàn, các trường sẽ công bố điểm chuẩn.

Việc xét tuyển năm nay sẽ... ảo không giới hạn, bởi lẽ mỗi thí sinh được phát 2 Giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ và Bộ GD&ĐT quy định thí sinh có thể dùng cả bản phô-tô của văn bản này để nộp xét tuyển vào các trường. Các trường sẽ dài cổ chờ họ đến. Ngành GD&ĐT có giải pháp nào không?

Các trường muốn không ảo, muốn khép lại quá trình tuyển sinh thật nhanh thì chỉ nhận bản chính Giấy chứng nhận kết quả. Nếu trường nào muốn có nhiều thí sinh để lựa chọn thì nhận bản phô-tô.

Cám ơn ông.

Tại cuộc họp báo chiều 10-7, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: hai đợt thi đại học năm 2012 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Cả 2 đợt thi có 1.265.338 thí sinh đến dự thi trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.615.979 , đạt 78,30% giảm 0,28% so với năm 2011.

Cả 2 đợt thi có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 44; cảnh cáo: 13; đình chỉ 253 thí sinh; 11 thí sinh đến muộn không được dự thi (năm 2011 có 326 thí sinh bị kỷ luật).

Tổng số cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 9 (tăng hơn năm trước 3 người); trong đó khiển trách: 5, cảnh cáo: 1 và đình chỉ: 3.

 

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đơn vị vận hành nói gì về thông tin metro TPHCM tạm dừng vì mưa quá lớn?
Đơn vị vận hành nói gì về thông tin metro TPHCM tạm dừng vì mưa quá lớn?
TPO - Theo đơn vị vận hành, chiều 27/12, TPHCM có mưa rất lớn kèm dông và sấm sét đã dẫn đến hệ thống bảo vệ an toàn điện toàn tuyến metro 1 được kích hoạt. Do đó, đơn vị đã quyết định tạm dừng lịch trình chạy tàu, đưa tàu về các nhà ga nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống của tuyến.