Lo lắng trước đề xuất tăng học phí

Lo lắng trước đề xuất tăng học phí
TP - Trong khi các hộ giàu, hộ thu nhập khá không mấy quan tâm, thì hầu hết hộ nghèo, thu nhập thấp lo lắng trước thông tin UBND TPHCM vừa có tờ trình đề xuất tăng học phí các cấp từ 3 -5 lần và chính thức áp dụng trong năm học tới.

> Kiến nghị tăng học phí từ 3 - 5 lần

Học sinh TPHCM nuôi heo đất ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV
Học sinh TPHCM nuôi heo đất ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV.

Chị Lê Thị Kim Dung làm việc tại một tờ báo Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM buồn rầu: “Học phí chưa tăng, lo tiền học cho hai đứa con đã muốn ngộp thở. Buổi tối, tôi phải nhận hàng về may gia công mới đủ sống”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng (Khu phố 2, phường Phước Long A, quận 9) nói: “Hai vợ chồng thuê nhà hết 2 triệu đồng/tháng. Hai đứa con đang học trường THCS Phước Long. Mỗi tháng, tiền học cả hai ngốn hơn 1,5 triệu đồng. Tôi chạy xe ôm. Bà xã làm công nhân. Có tăng ca, thu nhập nhiều lắm cũng chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Nếu học phí tăng, chúng tôi chưa biết sẽ xoay sở ra sao”.

Theo tờ trình Về việc thu học phí đối với các cơ sở giáo dục trình kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM, UBND TPHCM, trừ bậc tiểu học không thu học phí, các bậc nhà trẻ, mẫu giáo và Trung học phổ thông (THPT) tăng 3 lần, bậc Trung học cơ sở (THCS) tăng đến 5 lần.

Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, TPHCM cho phép hiệu trưởng các trường căn cứ mức trần học phí từng năm học và hệ số điều chỉnh tại Nghị định 49 để xác định mức thu cụ thể.

Đối với trường công lập chất lượng cao và các môn tự chọn, các khoản thu sẽ do Sở GD&ĐT xây dựng căn cứ theo loại hình (bán trú, ngoại khóa...).

Mức thu học phí các năm học sau sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm và không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình.

Cần có lộ trình phù hợp

Theo UBND TPHCM, khung học phí ban hành từ năm 1998 đến nay không còn phù hợp. Từ năm 1998, Nhà nước đã 7 lần tăng lương tối thiểu chung (từ 290.000 đồng lên 1.050.000 đồng), chi phí lương giáo viên, cán bộ quản lý tăng dẫn đến kinh phí phục vụ giảng dạy, học tập và quản lý để đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục bị hạn chế.

Vì mức thu quá thấp nên nhiều trường đã thu thêm nhiều khoản khác khiến cho tình hình tài chính thiếu minh bạch. Học phí hiện nay quá thấp so với giá trị thật nên các trường không phát huy được cơ chế tự chủ tài chính.

Theo đại biểu HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (quận 1), tăng học phí là chủ trương đúng nếu nâng cao được chất lượng giáo dục.

Quan trọng là mức tăng, lộ trình thực hiện cũng như các chính sách an sinh xã hội đi kèm, như hỗ trợ nhà ở cho giáo viên, miễn giảm học phí đối với diện chính sách, hộ nghèo… để đại biểu và cử tri thành phố đồng tình.

Và khi đã tăng học phí phải tiến tới xóa bỏ các khoản thu bất hợp lý, bởi thực tế, những khoản thu này (chứ không phải học phí) là gánh nặng đối với người nghèo.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2-7, nguyên đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, nói: Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TPHCM (khóa VII) đã bác đề án tăng học phí. Hiện nay, do khung học phí lạc hậu, nhiều tỉnh, thành khác đã điều chỉnh học phí, việc TPHCM đề xuất tăng học phí là đúng. Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, việc tăng học phí cần có lộ trình và không nên áp dụng cho năm học tới.

“Tôi không đồng tình với một số quan chức, cho rằng học phí mới tăng không đáng kể, chỉ cao hơn vài chai bia. Đúng là với người thu nhập khá, cho con học trường quốc tế, đóng thêm vài trăm nghìn đồng là không đáng kể. Song, đại đa số người dân hiện nay có mức thu nhập trung bình và thấp, khi giá cả hàng hóa tăng cao, giá điện vừa điều chỉnh tăng thì vài chục nghìn đồng là cả một mối lo lớn”, ông Khoa nói.

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. UBND TPHCM vận động các chủ nhà trọ không tăng giá để người lao động nghèo thêm vài trăm nghìn đồng cải thiện bữa ăn.

“Tăng học phí, tiền thu về cho ngân sách không lớn. Do đó, TPHCM nên rà soát, cắt giảm các khoản đầu tư công lãng phí, kém hiệu quả và bố trí cho ngành giáo dục thì sẽ được cử tri đồng tình hơn”, ông Khoa nói.

Mức thu đề xuất áp dụng trong năm học 2012 -2013

Học phí hằng tháng đối với bậc nhà trẻ: các quận là 150.000 đồng, các huyện là 90.000 đồng. Bậc mẫu giáo: 120.000 đồng và 60.000 đồng. Bậc THCS: 75.000 đồng và 60.000 đồng. Bậc bổ túc THCS: 112.000 đồng và 90.000 đồng. Bậc THPT: 90.000 đồng và 75.000 đồng. Bậc bổ túc THPT: 135.000 đồng và 112.000 đồng.

Mức học phí hiện tại: mầm non là 20.000-250.000 đồng/tháng; tiểu học: 70.000-80.000 đồng/tháng; THCS: 10.000 - 90.000 đồng/tháng; THPT: 25.000 - 110.000 đồng/tháng; Giáo dục thường xuyên: 35.000 - 65.000 đồng/tháng/HS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Công an thông tin về vụ việc chuyển nhượng khu đất ‘vàng’ của Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam
Bộ Công an thông tin về vụ việc chuyển nhượng khu đất ‘vàng’ của Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam
TPO - Chiều 26/12, tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), đã cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).