Đề Văn 'dễ thở'

Đề Văn 'dễ thở'
TPO - Kết thúc buổi thi môn Ngữ Văn đầu tiên, nhiều thí sinh thở phào với đề vừa sức và tự tin không quá khó để đạt điểm 7.

Đề Văn có tính phân loại học sinh

> Gần một triệu thí sinh thi tốt nghiệp

> Bắt đầu thi môn đầu tiên

Em Hoa Ngọc Anh, Trường THPT Đông Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “ Đề không quá dài, không đánh đố học sinh nhưng vẫn đòi hỏi tính suy luận nếu muốn đạt điểm cao”.

Nguyễn Quang Đạt, học sinh trường THPT Cầu Giấy thì cho biết, em làm hết đề và vừa đủ thời gian: “Đề bám sát chương trình. Câu một thì đơn giản. Câu nghị luận thì thiết thực, không quá khó với học sinh lớp 12. Các câu hỏi đều nằm trong phần học sinh được ôn tập. Em nghĩ chắc mình được khoảng 7,5 điểm trở lên”- Đạt cho hay.

Thí sinh Hồng Anh, trường THPT Cầu Giấy cũng cho rằng đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa của câu 1 và câu hai cũng không hề dễ dàng: “Câu nghị luận em thấy khá thú vị. Tuy nhiên, chắc em chỉ được 7 điểm đề này”- Anh cho biết.

Nguyễn Thị Kim Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói “Đề không khó, không đánh đố học sinh. Câu I (2 điểm) hỏi về nhân vật. Câu II là câu nghị luận xã hội hỏi về thói dối trá và sự suy đồi đạo đức của con người. Em nghĩ có thể đạt 8 điểm”- Kim Anh tự tin cho biết.

Sĩ tử tranh thủ ôn bài trước giờ thi

Theo phóng viên Tiền Phong, ở thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) có 3 hội đồng thi tốt nghiệp THPT gồm: THPT Phúc Yên, THPT Bến Tre, THPT Xuân Hòa. Tại hội đồng thi THPT Phúc Yên, cô Trần Thị Hồng Dung – Phó chủ tịch hội đồng, cho biết: “Tại Hội đồng thi Phúc Yên có tất cả 288 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp. Sáng nay có một em bị ốm nên phải nghỉ thi.

Cô Dung cũng cho biết không khí thi sáng nay diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế, không xảy ra sự cố và không có hiện tượng sử dụng tài liệu. Trong quá trình thi tại đây cũng có 2 thanh tra của sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc xuống kiểm tra công tác thi.

Tuy nhiên, khi phóng viên đến hội đồng thi trường THPT Bến Tre, sau khi kết thúc môn Văn, ngoài cổng trường thấy xuất hiện nhiều tài liệu photo vứt ở gốc cây, trong thùng rác…

Khi được hỏi về vấn đề này, một đại diện hội đồng thi trường THPT Bến Tre nói: ‘Đang sinh hoạt (ăn cơm)’ nên không tiếp phóng viên

Thí sinh Đà Nẵng tại buổi thi đầu tiên sáng nay. Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh Đà Nẵng tại buổi thi đầu tiên sáng nay. Ảnh: Nguyễn Huy.

Tại Đà Nẵng, kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012- Ngữ Văn sáng nay (2-6), phần lớn thí sinh đều tỏ ra thoải mái, tự tin với đề thi và bài làm của mình.

Khảo sát nhanh tại các Hội đồng coi thi (HĐCT) Trần Phú, Nguyễn Huệ… thí sinh cho rằng: đề thi Ngữ văn năm nay đều nằm trong kiến thức cơ bản thuộc SGK lớp 12.

Thí sinh Phương Trinh (trường THPT Phan Chu Trinh – TP.Đà Nẵng) cho hay: so với các đề thi tốt nghiệp môn Văn các năm trước em đã làm thử, đề thi Văn năm nay vừa sức. Các bạn có học lực trung bình trở nên có thể làm được điểm 6-7 trở lên.

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc buổi thi đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc buổi thi đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Huy.

Theo các thí sinh: ở phần chung đề tự luận năm nay rất thú vị, viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Đề mở và có thể vận dụng nhiều hướng khác nhau.

Tại Hội đồng coi thi THCS Nguyễn Huệ (đường Quang Trung – Đà Nẵng), mới hết 2/3 thời gian nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi. Khoảng gần 30 phút trước khi hết giờ, số thí sinh ra khỏi phòng đứng đầy dãy hàng lang chờ giờ mở cửa phòng thi. Tuy nhiên theo các thí sinh này không phải do đề thi khó “đánh đố” khả năng làm bài mà do nhiều bạn hoàn thành bài thi sớm.

Năm nay, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã bố trí 26 hội đồng coi thi (HĐCT) với 527 phòng thi; cử 1.621 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ ở các HĐCT. 314 cán bộ, GV làm nhiệm vụ ở hội đồng chấm thi. Trong đó, có 9 HĐCT ghép (hệ THPT và GDTX)...

“Chỉ phần riêng tự chọn, tác phẩm Người lái đò Sông Đà” khá khó, chủ yếu dành cho các đề thi Đại học, tuy nhiên bù lại ở câu 3a phân tích đoạn thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu thuộc kiến thức cơ bản nên bọn em chọn làm cầu phân tích thơ này” – thí sinh Trần Bảo Nguyễn (trường THPT Trần Phú) nói.

Thầy Phan Minh Tuấn - Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng): hết môn thi đầu tiên sáng nay, đã có 6 thí sinh hệ THPT nghỉ thi do ốm, 10 thí sinh vắng không lý do. Hệ GDTX có 16 thí sinh bỏ thi không lý do.

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Trước mỗi kỳ thi, cán bộ Thanh tra đều được quán triệt rất kỹ về quy chế, quy định... Thanh tra Sở đều thực hiện nhiệm vụ độc lập, nghiêm túc trong công tác thanh, kiểm tra thi.

Tại Sóc Trăng, đúng 6 giờ 30 phút ngày 02-6, tất cả 29 Hội đồng thi của tỉnh Sóc Trăng đã đồng loạt khai mạc và tiến hành buổi thi đầu tiên của bộ môn Ngữ Văn. Theo nhận định của nhiều thí sinh (TS), đề thi môn ngữ Văn năm nay bất ngờ nhưng vẫn vừa sức chứ không đến nỗi khó.

Thí sinh kiểm tra hộp đừng đề thi tại Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Lương
Thí sinh kiểm tra hộp đừng đề thi tại Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Lương.

Thí sinh Lâm Ngọc Anh của trường THPT An Ninh (huyện Mỹ Tú) nhận xét: “Đề thi không khó nhưng bất ngờ với tụi em là câu số 1 khi người ra đề nói đến hình ảnh “hai con người côi cút” và hình ảnh “hai hạt cát”. Dạng câu hỏi này tụi em ít được biết đến và trong quá trình học cũng không nghe thầy cô nói tới.

Còn thí sinh Trần Trung Hỷ (học sinh trường THPT Hoàng Diệu-TP Sóc Trăng) nhận xét: “Đề môn Văn không khó, câu số 1 có bất ngờ nhưng nhiều bạn vẫn trả lời được. còn câu số 2 thì chỉ cần nắm vững cách làm bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống là làm được. Riêng tụi em trong quá trình ôn tập đã được thầy cô ôn rất kỹ về hình tượng con sông Đà. Còn đoạn thơ trong bài “Việt Bắc” thì khi ôn, thầy cô cũng lưu ý và hướng dẫn tụi em rất kỹ nên khi đọc đề, tụi em thấy thoải mái chứ không bị sốc gì cả”.

Nhìn chung buổi thi đầu tiên ở Sóc Trăng diễn ra tốt đẹp. Gần cuối giờ thi trời bất ngờ đổ mưa lớn kèm gió mạnh kéo dài cho tới khi hết giờ làm bài khiến nhiều thí sinh phải ra về trong mưa ướt.

Nhóm Phóng viên Tiền Phong

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.