Nó làm nên những chân dung không mờ nhòe giữa làn sóng hỗn mang của thế giới giải trí, người trong showbiz xào xáo chửi nhau để tìm chút hư danh…
1. Hôm 29-9, truyền hình thực tế giới thiệu về một nhân vật đặc biệt của cuộc thi nhảy múa. Hoa Đức Công, chàng trai bị suy thận phải nằm trên giường bệnh và không đủ sức để theo một chương trình dài hơi. Cậu được khuyến cáo không đủ sức khỏe để thi nhảy và nên dừng cuộc chơi.
Những người làm truyền hình lấy nước mắt khán giả, bằng cách quay hình ảnh tương phản cậu đang nằm giữa giường bệnh lằng nhằng dây nhợ và cảnh cậu đội chiếc nón bảy màu lên sân khấu nhảy mê say, với đôi chân hơi vòng kiềng. Nước mắt vỡ òa. Vì sự đam mê không dối trá của chàng trai bệnh tật. Niềm đam mê ấy truyền từ trái tim đến trái tim. Niềm đam mê vô ngôn.
Nhưng truyền thông đã nhanh chóng gạt chàng trai qua một góc hẹp nào đó. Và có vẻ khán giả cũng thích một cuộc cày xéo khác, đó là trường hợp một cô gái xinh đẹp tên Bảo Anh, hát dở nhưng vẫn được giám khảo cứu, ở cuộc thi The Voice.
Hai câu chuyện rời rạc, nhưng phản ánh một thực tế, ở một đất nước từ người già đến trẻ con mê ca hát như Việt Nam, thì thi hát dở tới đâu vẫn được chào đón hào hứng hơn, còn những cuộc thi nhảy múa sẽ được kể đến như một phần mình họa.
Điều này cũng đúng trên cả sân khấu lẫn ngoài đời thực. Những vũ công thực thụ, những nghệ sỹ múa tài năng, rốt cuộc cũng đứng phía sau sân khấu, làm minh họa là chính. Nghe như phải húp một bát dấm. Nhưng cuộc đời bao giờ chả chua!
2. Những ngày này, Gangnam Style đang gây “nhiễu loạn” thế giới. Từ giới văn phòng cho đến thí sinh Idol, từ các cụ già cho đến con nít cũng học theo và hát “Oppa Gangnam Style”.
Báo chí Việt Nam từ ngợi ca cho đến nghi hoặc, phải chăng điệu Gangnam Style chỉ là cú gặp may của gã ăn mày thế kỷ. Thực tế thì một nghệ sỹ muốn thành công thì phải gặp may. Nhưng cơ may không phải là món muối để thả vào những tô canh tài năng nhạt nhẽo. Nó chỉ là một chút hương liệu để những tô canh có vị đặc biệt mà thôi. Tôi nhớ có lần trò chuyện cùng nữ hoàng dancesport Khánh Thy.
Cô ấy đang đi học hát Broadway ở Mỹ. Khánh Thy bảo, vũ công của Việt Nam mình có rất nhiều người tài, tài hơn em rất nhiều. Nhưng các bạn ấy ít có cơ hội tỏa sáng, đồng thời họ cũng bị tản mát không được tập hợp trong một hội đoàn để có thể cùng nhau tạo nên một điều gì đó ghi dấu ấn.
Lại nói về Gangnam Style, Khánh Thy bảo, không đơn giản để nó trở thành một hiện tượng toàn cầu. Thực chất, điệu nhảy ngựa này rất đơn giản, nhưng nó được kết hợp với nội dung bài hát mang tính trào lộng giễu nhại, đồng thời ý tưởng clip là vô cùng quan trọng.
Nhưng, có thể khán giả không hiểu hoặc không thích lời nhạc, thì cái làm họ vô cùng hưng phấn chính là điệu nhảy ngựa đó. Nó rất dễ thuộc và tập theo. Đồng thời, cứ đến đoạn điệp khúc, khi rapper nói “Oppa Gangnam Style” thì động tác đó lại được lặp lại. Nó tạo ra một hình ảnh vô cùng ấn tượng và đậm chất Hàn Quốc. Muốn làm được điều đó, là cả một công nghệ giải trí chuyên nghiệp.
Còn tại Việt Nam, chính các vũ công cũng không có đủ sức để tạo ra sự ảnh hưởng mạnh. Một vũ đoàn khi biểu diễn trên sân khấu, thường dàn dựng quá nhiều động tác cho một bản múa, khiến khán giả không bao giờ nhớ được họ múa gì. Chưa kể, giai điệu âm nhạc Việt Nam, nhưng động tác lại theo kiểu Hàn Quốc, theo kiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Tất nhiên, sẽ khó trách các vũ công. Bởi họ đang ở đâu đó trong vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền. Trong cái vòng luẩn quẩn đó, thì nhảy múa vẫn chủ yếu được dùng để làm nền, minh họa cho những bài ca. Dù bài ca ấy được thể hiện bởi một cô gái không có tài, cũng không biết nhảy, chủ yếu là cô ấy xinh!
3. Có nhiều người đến với nghệ thuật không để mưu danh. Họ đam mê và sống với nó. Như Hoa Đức Công, có lẽ nhảy múa giúp cho cậu có thêm nghị lực để chiến đấu với căn bệnh của mình. Hẳn nhiều người đã khóc khi xem hình ảnh Ma Li và Zhai Xiaowei múa. Ma Li bị tai nạn xe hơi và mất tay phải, mất luôn cả bạn trai vì tật nguyền.
Cô đã nhiều lần tự tử không thành. Tình cờ cô gặp Zhai, chàng trai bị cụt chân trái từ năm lên 4. Họ hợp nhau lại để tập múa. Zhai chưa từng là vũ công, anh đã làm đau và làm rớt cô gái Ma Li hàng triệu lần và nước mắt của họ nhiều hơn mồ hôi trên sàn tập. Nhưng cuối cùng niềm đam mê của họ đã chiến thắng. Tiết mục múa của họ gây xúc động hàng triệu con tim…
Ở Việt Nam , với cuộc “xâm chiếm” đầy thô bạo của truyền hình thực tế, thì việc một ai đó từ vô danh đến có danh không khó. Thêm vào đó, có những cô gái lên mạng bị ném đá mà trở thành ngôi sao. Thực hư lẫn lộn, danh ảo lẫn vào danh thật, như một cuộc mua vui.
Nhưng, tất cả những chuyện đó không nằm trong hệ thống phân loại tài năng của những người làm nghề. Tài năng bao giờ cũng đi kèm với đam mê, để khi có may mắn đến thì tài năng ấy tỏa sáng.
Thế nên, truyền thông bây giờ như một người tình mua vui cho tất cả, chạy theo những thứ bề nổi, dễ thấy, nhanh rồi quên.
Mà thực ra, truyền thông chưa bao giờ là người tình thủy chung!
Theo Dương Bình Nguyên/VVNew