‘Cò đất’ nhà quê vỡ mộng
> Nhà ‘đẹp’ lay lắt bán, nhà ‘nát’ giá gần nghìn tỉ
> Chiêu trò làm 'sốt' địa ốc của doanh nghiệp
Cách đây khoảng 3 năm, Ba Vì nổi lên như một hiện tượng trong cơn sốt nhà đất hầm hập. Chợt đến rồi chợt đi, cơn sốt đất từng cuốn vào vòng xoáy của nó bao gia đình giờ như quả bóng xì hơi, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã làm nhiều người “lên voi, xuống chó”…
Những lô đất ở xã Yên Bài từng được nhiều người săn đón, giờ rao bán rẻ chẳng có ai mua. |
Nông dân cũng làm “cò đất”
Những tháng đầu năm 2010 thấy thỉnh thoảng có những chiếc xe hơi bóng lộn cứ lượn lờ rồi đỗ lại ngắm nghía, chỉ trỏ tại khu vực xã Yên Bài, hỏi ra anh Hoàng mới biết họ đang có ý định mua đất tại khu vực này.
Nghe phong thanh đài báo nói sẽ có dự án chuyển Trung tâm hành chính Quốc gia về huyện Ba Vì, Hà Nội, là người địa phương nắm được tình hình đất đai của nhiều hộ, anh Hoàng liền đặt vấn đề dắt mối và thỏa thuận tiền phần trăm trong việc giao dịch đất. Tích cực dò la tìm hiểu và đặt vấn đề với các hộ trong xóm, chỉ trong khoảng hai tháng anh “dắt mối” thành công bốn “vụ” và cũng kiếm được gần 200 triệu đồng tiền môi giới. Không dừng lại ở đó, anh mạnh dạn vay mượn tiền “tậu” cho mình hai sào đất tại khu vực xã Yên Bài và sắm xe máy SH cho tiện giao dịch.
Còn anh Quang, người xã Vân Hòa, vốn là dân kinh doanh nhanh nhẹn đã nhanh chóng bắt mối để làm “cò đất” kiếm tiền phần trăm. Nhưng, anh Quang có kiểu kiếm tiền hơi “dị” và được nhiều người ca tụng là “hơn nông dân một cái đầu”. Số là, đối với người bán anh đòi trích 5% còn đối với khách mua anh đòi cắt một phần diện tích đất sẽ được giao dịch, để lấy tiền công. Diện tích đất cắt cho anh lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào vị trí, giá cả giao dịch. Sau khi “dắt mối” thành công anh chạy đôn chạy đáo để làm thủ tục hợp thức hóa với mảnh đất mình vừa “kiếm” được và thuê thợ, cấp tập xây nhà rồi lại treo biển bán nhà ngay trên mảnh đất đó.
Không rõ là anh đã trúng bao nhiêu “vụ” với chiêu kinh doanh này, nhưng nghe nói từ ngày làm “cò đất” chỉ trong vài tháng, đặc biệt là thời điểm từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 2010 đất Ba Vì sốt giá, gia đình anh xây cất thêm được ngôi nhà 3 tầng, mở được quán karaoke khu vực Hòa Lạc, sắm được xe INNOVA mới coóng.
Đất đã chia lô giờ cũng chỉ để trồng ngô, trồng lạc. |
Ôm mộng rồi ôm hận
Thế rồi, chỉ thời gian ngắn sau, khi Quy hoạch thủ đô tầm nhìn 2030-2050 được công bố không có dự án chuyển Trung tâm hành chính Quốc gia về huyện Ba Vì, dân đầu tư bất động sản mới tá hỏa, tìm cách bán tống bán tháo những mảnh đất mà họ đã cố tích trữ. Giá đất lại xuống phi mã còn nhanh hơn khi tăng. Đất khu vực các xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh… trước khi “sốt” giá chỉ 50 - 70 triệu đồng/sào, nhưng đến đầu tháng 5/2010, tăng lên 200 - 250 triệu đồng/sào, còn “hậu quy hoạch” thì không xác định được giá, bởi ai cũng muốn bán mà chẳng tìm thấy ai muốn mua.
Không chỉ đại gia về đất điêu đứng mà người nông dân cũng ngậm trái đắng, khi ôm đất nuôi giấc mộng vàng nhằm đổi đời. Chị Hòa vốn là dân buôn bán hàng sáo tại xã Vân Hòa, thấy dân làng nhiều người làm “cò đất” và đầu tư mua đất, chị bàn với gia đình cũng vay mượn tiền mua lấy hai sào đất với giá hơn 500 triệu đồng, gần đường quốc lộ 32.
Mới chỉ “ôm” được hơn một tháng nhưng nghe tin “dự án lớn không về” gia đình tìm mọi cách để bán nhưng cũng không bán được. “Có bệnh thì vái tứ phương”, “ôm” lô đất được hơn một năm, nợ nần chất đống, cho rằng nhà mình gặp “vận xui”, chị đi xem bói, “thầy” phán nhà chị mua phải mảnh đất dữ, muốn phất lên phải làm cái lễ giải hạn, và phải tìm được người hợp tuổi mua mảnh đất đó thì mới tai qua nạn khỏi, mới thoát khỏi cảnh bần hàn (?).
Ông “thầy” dưới Đan Phượng được đón lên, cái lễ giải hạn tốn mất gần 20 triệu, chẳng biết nhờ “thầy” giải hạn hay là bán quá rẻ cuối cùng chị cũng bán được mảnh đất đó 220 triệu. Vốn liếng không gỡ được, hằng tháng gia đình vẫn phải oằn lưng lo trả lãi ngân hàng, giờ gia đình chị phải rao bán mảnh vườn để trả nợ nhưng cũng chưa tìm được người mua.
Khi chúng tôi hỏi về những tấm biển “bán đất” và dịch vụ “cò đất”, chị Lan bán nước tại khu vực xã Tản Lĩnh xua tay: “Ôi dào! Cò với cả vạc”, rồi chỉ tay về phía người đàn ông đang ngồi vá xe: “Cái ông này này (chồng chị) đang ở nhà chăn lợn, cũng học đòi làm “cò đất” vay mượn tiền mua mảnh mấy trăm triệu trong thung lũng Yên Bài đấy, sau phải bán rẻ như cho, giờ vẫn nợ hơn trăm triệu. Không cẩn thận có ngày cám không có mà ăn”. Còn người đàn ông, có vẻ như hối hận vì “việc làm ăn” của mình đã đưa gia đình vào cảnh “chúa chổm”, chỉ lẳng lặng khắc khổ ngồi sửa xe mà không dám nói câu nào...
Theo Xuân Hân
Pháp Luật Việt Nam