BĐS sẽ sớm hết... 'bệnh’?

BĐS sẽ sớm hết... 'bệnh’?
Theo Hiệp hội BĐS, chiều hướng sẽ tiếp tục xấu đi hơn nữa và xấu rất nhanh đối với các DN BĐS trong 2013 và thậm chí kịch bản tiếp tục xấu trong 3-5 năm sắp tới là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không có những giải pháp cấp bách.
Một góc Khu đô thị Vân Canh HUD tại huyện Hoài Đức, Hà Nội
Một góc Khu đô thị Vân Canh HUD tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

“Chùm” giải pháp quyết cứu thị trường bất động sản (BĐS) đã được công bố khá rõ ràng trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các ngành tại 2 TP đầu tàu của đất nước là Hà Nội và TP HCM ngày 18 và 19-12-2012 khiến giới kinh doanh trong lĩnh vực này hoan hỉ. Tới đây, các giải pháp sẽ được triển khai ra sao và “liều thuốc” có đủ để giúp thị trường BĐS sớm ra khỏi cảnh bết bát…?

Dồn dập giải pháp

Theo thông tin từ NHNN thì nợ xấu BĐS hiện là 28.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ BĐS (207.595 tỷ đồng). Riêng tại TP HCM, dư nợ là 85.000 tỷ đồng, nợ xấu là 4.125 tỷ đồng chiếm 6,27%. Tại Hà Nội, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu ngân hàng.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vấn đề là cần xử lý được nợ xấu BĐS. Một nguồn vốn tín dụng đã được tính đến và mô hình về một Cty quản lý tài sản đã được đưa ra.

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2013 sẽ “bơm” ra khoảng 100 đến 150 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu, mà chủ yếu là tập trung xử lý nợ xấu BĐS vì nợ xấu chủ yếu liên quan đến BĐS. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cam kết sẵn sàng cung ứng 20 đến 40 nghìn tỷ đồng cho các NHTM để cho vay mua nhà với thời hạn vay dài hạn là 10 năm. Cam kết cụ thể được người đứng đầu ngành ngân hàng đưa ra là, nếu ngân hàng cho người mua nhà vay với lãi suất 7%/năm thì sẽ được vay lại của ngân hàng trung ương với lãi suất 6%....

Một giải pháp nữa là tập trung xử lý nợ xấu BĐS. Dự kiến trong phiên họp thường kỳ sắp tới của Chính phủ, Đề án xử lý nợ xấu sẽ được đưa ra xem xét, trong đó đối với BĐS, sẽ thành lập Cty quản lý tài sản, mua lại các tài sản BĐS với giá chấp nhận được. Dự kiến, Cty quản lý tài sản này sẽ tập trung ưu tiên tiếp nhận, mua, xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là BĐS có dư nợ xấu trên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng trở lên đối với cá nhân, hộ gia đình. Giá mua theo giá trị thị trường dựa trên cơ sở đánh giá lại khoản nợ và tài sản bảo đảm.

Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho BĐS hiện còn quá lớn hiện nay, mà theo như đánh giá của một số tổ chức, chuyên gia phải mất 5-7 năm mới tiêu thụ hết, thậm chí là cả 10 năm. Còn theo Thủ tướng các dự án được quy hoạch đến nay đã đủ nhà ở cho đến 2050. Qua đó, đáng chú ý là cho phép các chủ đầu tư chuyển chức năng của các loại hình đang thừa cung như nhà ở cao cấp sang bệnh viện, trường học, khách sạn,… Cho phép chủ dự án cơ cấu lại diện tích căn hộ theo hướng nhỏ lại phù hợp nhu cầu người dân.

Dòng tiền đã chuyển động

Theo chỉ đạo giải cứu thị trường BĐS của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết đẩy tín dụng cho khu vực này từ 20 đến 40 nghìn tỷ đồng, trước mắt giao cho 4 NHTM thực hiện. Hai ngân hàng BIDV và Agribank đã có động thái đầu tiên. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, từ tuần tới, Agribank sẽ triển khai xây dựng đề án cụ thể. Hiện doanh số cho vay BĐS của Agribank ở Hà Nội chỉ 2.000 tỷ đồng, còn 1.000 tỷ đồng cho vay các khu BĐS nghỉ dưỡng cao cấp rải rác ở các tỉnh phía Bắc, nhưng chủ đầu tư của các dự án này vẫn ở Hà Nội.

Trong khi đó, ở TP HCM, doanh số cho vay lớn hơn, ước 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 50% doanh số cho vay BĐS toàn hệ thống Agribank. Trong số các dự án BĐS mà Agribank cho vay ở TP HCM, có những dự án đã hoàn thành, nhưng cũng còn không ít dự án chưa hoàn thành. Tuy nhiên, Agribank sẽ không “bơm” tiền vào mọi dự án BĐS mà có sự chọn lọc kỹ càng. Còn về phía BIDV, giữa tháng 12, BIDV đã ký kết với Bộ Xây dựng bản “Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015”. Doanh số cho vay theo bản thỏa thuận này lên tới 30.000 tỷ đồng. Trong đó, mức cho vay tối đa đối với các chủ đầu tư là 10.500 tỷ đồng, chiếm 35% gói vốn trên; mức cho vay tối đa 70%/tổng mức đầu tư một dự án; lãi suất rất thấp với thời hạn 5 năm.

Đối với người mua nhà, BIDV cho vay tối đa 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); mức cho vay tối đa là 85%/giá trị căn nhà trong thời hạn 15 năm; lãi suất thấp hơn 10%, tương đương 90% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất thì BIDV sẵn sàng hạ lãi vay thêm;…

Sớm vực dậy thị trường: không dễ

Các giải pháp đồng bộ cho thị trường BĐS, cũng như việc triển khai cụ thể sẽ có tác dụng nhất định giúp thị trường chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình nhanh chậm, hiệu quả đến đâu, các liều thuốc có “đủ” đáp ứng cho “căn bệnh” đã khá nặng của thị trường BĐS hiện nay?. Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến thời điểm cuối quý III-2012, riêng ở phân khúc căn hộ thì tổng số căn hộ để bán chào mới ra thị trường sơ cấp tại thị trường Hà Nội khoảng 111.500 căn, tại TP HCM tổng số căn hộ chào bán mới khoảng 95.000 căn.

Thực tế cho thấy, sức hấp thụ của thị trường từ quý IV-2011 đến quý III-2012 là rất yếu, cho cả 2 thị trường duy trì khoảng 5- 7%/ quý. Lượng tồn đọng thực tế nhà ở của TP HCM và Hà Nội là rất lớn, dù thời gian qua, giá bán trung bình toàn thị trường căn hộ liên tục sụt giảm. Thống kê cho thấy, giá tại Hà Nội trung bình từ 1900USD/m2 tại thời điểm cuối 2011 giảm về 1100 USD/m2 vào cuối quý III-2012 (Căn hộ bình dân khoảng 640 USD/m2). Tương tự với thị trường TP HCM, từ 1.600 USD/m2 tại cuối 2011 giảm về 800 USD/m2 tại cuối quý III-2012 (Căn hộ bình dân khoảng 700 USD/m2).

Cũng theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam, các DN BĐS đang đối mặt cùng lúc nhiều khó khăn như: Hàng tồn kho quá lớn trực tiếp các DN BĐS cũng như các DN trong ngành, DN rất khó có khả năng tự vực dậy, nợ xấu đang rất cao cản trở việc tiếp cận nguồn tín dụng mới và DN BĐS cũng như sản xuất liên quan không có nguồn vốn mới để tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo Hiệp hội BĐS, chiều hướng sẽ tiếp tục xấu đi hơn nữa và xấu rất nhanh đối với các DN BĐS trong 2013 và thậm chí kịch bản tiếp tục xấu trong 3-5 năm sắp tới là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không có những giải pháp cấp bách và các giải pháp lâu dài.

Dự kiến, những giải pháp đồng bộ cho thị trường BĐS sẽ sớm được ban hành bằng một Nghị quyết của Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo một tờ trình với nhiều giải pháp về thuế để Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp giữa năm 2013, gồm: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 đối với DN kinh doanh BĐS, VLXD,...; Gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN đối với số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2013 của DN kinh doanh BĐS; Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2013 và năm 2014 cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất; áp dụng mức thuế suất 20% thuế thu nhập DN đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa từ 1-7-2013; giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở đối với những căn hộ có diện tích sàn sử dụng dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng m2 sàn sử dụng từ 1-7-2013 đến 30-6-2014;…

Các giải pháp cho thị trường BĐS vừa được các bộ, ngành đưa ra được các chuyên gia kinh tế, BĐS đánh giá là rất sát thực và có ý nghĩa lớn với tình hình thị trường hiện nay, tuy nhiên, “thuốc” có “đủ liều” hay không thì còn phải chờ đợi. Trầm lắng quá lâu, thị trường BĐS khó có thể khôi phục nhanh chóng.

Theo Pháp luật & Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.