'Bơm' hàng trăm nghìn tỷ đồng cứu bất động sản

Hàng chục ngàn tỷ đồng đang bị kẹt trong BĐS Ảnh: LT
Hàng chục ngàn tỷ đồng đang bị kẹt trong BĐS Ảnh: LT
TP - Ngày 18-12, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo TPHCM và một số ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp…để tìm giải pháp xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).

> Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
> TP HCM thừa 14 triệu m2 nhà ở
> Hàng tồn BĐS: Nói vậy, không hẳn vậy!

Hàng chục nghìn tỷ đồng kẹt trong BĐS

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn lên tới 85.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ, trong đó cho vay đầu tư kinh doanh BĐS hơn 66.000 tỷ đồng.

Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS khoảng 4.145 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố đang “tồn kho” gần 15.000 căn nhà (gồm 14.490 căn hộ chung cư, 326 căn nhà thấp tầng), hơn 300.000m2 đất nền và gần 60.000m2 văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại với tổng trị giá 30.242 tỷ đồng.

Việc chuyển dự án thương mại thành nhà ở xã hội nhằm giải phóng lượng hàng tồn kho không dễ. Đa số căn hộ tồn kho có diện tích lớn (60-90m2 chiếm trên 69%; trên 90m2: trên 23%), không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đa số người dân, dù giá nhà đất trong năm 2012 giảm khá sâu. Có những dự án giảm tới 30% như Hoàng Anh River View giảm từ 28 triệu đồng/m2 xuống còn 18 triệu đồng/m2.

Theo ông Tín, trong năm 2012, UBND TPHCM đã lập 4 đoàn khảo sát tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng gặp nhiều vướng mắc vượt thẩm quyền.

TPHCM kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời chỉ đạo NHNN tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (lãi suất 10 - 11%/năm), giãn tiến độ nộp thuế…

Về dư nợ cho vay BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lưu ý TPHCM: NHNN chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng nhưng thực chất được đầu tư vào BĐS và các khoản vay có tài sản bảo đảm bằng BĐS chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ BĐS, nhưng đại đa số DN khó thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Dũng, thị trường BĐS TPHCM bộc lộ hàng loạt điểm yếu như phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, đầu tư theo tâm lý “đám đông”, phong trào, không theo kế hoạch và nhu cầu. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn chứng: Theo chiến lược phát triển nhà ở, chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của TPHCM đến năm 2020 là 66 triệu m2, trong khi diện tích các dự án đã giao chủ đầu tư đã lên tới 80 triệu m2.

Qúy II-2013: Bơm tiền xử lý nợ xấu, hỗ trợ mua nhà

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN, NHNN cần bơm tiền cứu thị trường BĐS, nhất là đối với các dự án dở dang, sắp hoàn thành, có khả năng thu hồi vốn.

“Nợ xấu NH thực chất là nợ xấu BĐS. Theo quy chế, các khoản nợ xấu không được cho vay mới nhưng cần có giải pháp. NHNN bơm tiền thì mới sống được. Phải bơm tiền để có hình thức cho vay một thời gian, cho phép được cơ cấu lại nợ các dự án sắp hình thành thì mới trả nợ được” - ông Hà nói.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ngay trong Quý II và Quý III năm 2013, hệ thống NH sẽ đưa khoảng 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, trong đó chủ yếu tập trung vào nợ xấu liên quan đến BĐS.

“NHNN cũng sẵn sàng cung ứng khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất khoảng 8%/năm, thời hạn 5-10 năm. NHNN sẵn sàng hỗ trợ vốn và dành ưu tiên cho các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở” - ông Bình khẳng định.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM lưu ý: tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không thể dùng giải pháp “phá băng” mà về căn cơ cần từng bước tháo gỡ, làm ấm dần từng phần thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS kiến nghị nghiên cứu, xem xét đến loại hình sở hữu căn hộ có thời hạn nhằm tăng thêm một hình thức lựa chọn cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Chính phủ cho phép tổng kết sớm Nghị quyết về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở để bổ sung vào Luật Nhà ở theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, để giải quyết căn cơ các vấn đề của thị trường BĐS, trước mắt, phải đảm bảo cân đối về cung cầu thị trường; phân loại các đối tượng mua nhà để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; cơ cấu lại các DN BĐS.

Về lâu dài, cần hết sức quan tâm đến vấn đề về quy hoạch, đầu tư; đề ra các chính sách mang tính chiến lược đối với thị trường BĐS trong đó có giải pháp ưu đãi về thuế, lãi suất…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: các chính sách phát triển phải xác định rõ được nhu cầu thị trường.

Trong thời điểm hiện tại cần hướng mạnh giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cơ cấu lại sản phẩm căn hộ theo hướng có diện tích phù hợp, hạn chế cấp phép mới cho các dự án nhà ở cao cấp, những chủ đầu tư có năng lực tài chính hạn chế.

Sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hôm nay (19-12) Chính phủ tiếp tục làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội.

Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường BĐS, làm cơ sở để các bộ ngành trung ương và địa phương tổ chức thực hiện

Thủ tướng lưu ý: NHNN phải hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu ngay trong tháng 1-2013 để trình Chính phủ xem xét. Nợ xấu, hàng tồn kho, BĐS ứ đọng gây khó khăn, cản trở tăng trưởng của nền kinh tế nên cần phải tháo gỡ một cách quyết liệt, đồng bộ.

“Trong 200.000 tỷ đồng nợ xấu thì 70% có thế chấp từ BĐS. Vì vậy, phải cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý, giao quyền tự chủ cho ngân hàng xem xét quyết định, chứ không cho vay thì làm sao thu hồi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm xây dựng nhà ở cho người nghèo, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công, công nhân viên chức, nhà ở tái định cư…

Riêng TPHCM và các địa phương phải xem xét lại công tác quy hoạch, có chiến lược, định hướng cụ thể trong công tác quy hoạch, phát triển thị trường.

Các dự án chưa giải phóng mặt bằng, không phù hợp quy hoạch và yêu cầu của địa phương cần kiên quyết dừng. Ngoài ra, cần xem xét, sàng lọc, loại bỏ những DN không đủ điều kiện, năng lực.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ngay trong Quý II và Quý III năm 2013, hệ thống NH sẽ đưa khoảng 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, trong đó chủ yếu tập trung vào nợ xấu liên quan đến BĐS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG