Giảm giá, thoái vốn, chuyển công năng và gì nữa?

Giảm giá, thoái vốn, chuyển công năng và gì nữa?
Tính đến thời điểm hiện tại thị trường bất động sản vẫn bị đánh giá với triển vọng bi quan khi mà thông tin hạ giá bán, thoái vốn khỏi dự án diễn ra ngày một phổ biến.
Giảm giá, thoái vốn, chuyển công năng và gì nữa? ảnh 1

Điều này làm dấy lên sự hoài nghi rằng, sau giảm giá, thoái vốn mà vẫn không thể đẩy được hàng thì các chủ đầu tư sẽ tính đến những “độc chiêu” khác.

Sau những đợt giảm giá “sốc” nhưng thanh khoản vẫn èo uột, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành thoái vốn khỏi các dự án bất động sản.

Mới đây nhất, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa thông báo chuyển nhượng lại phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh. Việc thoái vốn này có nghĩa là Vinaconex đã rút chân khỏi dự án Khu đô thị Bắc Anh Khánh do (An Khánh JVC) làm chủ đầu tư.

Hay trước đó, thông qua công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, Quỹ VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund (VOF) đã rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội, tương đương giá trị sổ sách 58,7 triệu USD.

Trước đó, tại hội nghị các Nhà đầu tư VinaCapital 2012, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phần đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho biết, đơn vị này sẽ không đầu tư mới trong thời gian tới mà chỉ tập trung phát triển các dự án đang có và thoái vốn để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Vào đầu tháng 11, một đại gia khác là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã tổ chức chuyển giao toàn bộ phần vốn góp tương đương hơn 18,15 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương và Công ty TNHH VNT.

Cũng theo PVC, thời gian tới đơn vị này sẽ thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác, chỉ giữ lại dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ.

Có thể thấy sự khó khăn về tài chính khiến các doanh nghiệp phải thoái vốn khỏi các dự án bất động sản nhằm bảo toàn nguồn vốn ít ỏi còn lại, tránh tình trạng “xôi hỏng, bỏng không, bởi vì trong giai đoạn hiện nay thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ngoài ra, động thái này cũng cho thấy doanh nghiệp đang co hẹp hơn để cũng cố những ngành nghề cốt lõi của mình.

Bên cạnh việc thoái vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải cắt giảm kế hoạch kinh doanh trong năm vì nguồn thu hạn chế.

Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC) đã quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2012 từ 43,94 tỷ đồng xuống còn 14,38 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 67% so với kế hoạch lợi nhuận mà công ty đã đưa ra hồi đầu năm.

Cùng xu thế này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 vừa thông qua quyết định giảm chỉ tiêu doanh thu năm 2012 xuống 3% còn 426 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 40%, còn lại 30 tỷ đồng. Dù đã điều chỉnh lợi nhuận, tuy nhiên tính đến hết quý 3-2012 công ty mới chỉ đạt được 286 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế mới đạt 8,97 tỷ đồng. Các con số này còn cách rất xa so với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận mới đặt ra.

Khi đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình tài chính vẫn chưa được cải thiện, các doanh nghiệp tìm đến một giải pháp khác là xin chuyển công năng dự án. Điển hình, ngày 5-12 vừa qua, Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương, chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Thái Bình Plaza vừa xin chuyển đổi công năng từ chung cư cao cấp sang làm bệnh viện chuyên về đột quỵ.

Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 cũng đã xin chuyển công năng dự án 584 - Tân Kiên, Bình Chánh sang Bệnh Viện. Lý do khiến chủ đầu tư tìm đến phương án này là số người nhận nhà rất ít, tổng số khách hàng còn nợ tiền mua căn hộ quá nhiều khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng. Tuy nhiên việc chuyển đổi công năng không diễn ra thành công do gặp phải sự phản đối từ phía khách hàng.

Với những gì đang diễn ra trên thị trường, có thể dự đoán rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tung ra nhiều chiêu trò nữa để “vượt khó”. Phát biểu trên báo chí, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, khả năng sẽ có nhiều dự án giá thấp xuất hiện trong năm tới và nếu đầu ra được khơi thông thì địa ốc sẽ sớm phục hồi. Vấn đề là phải giải quyết được hàng chục ngàn căn hộ đang tồn đọng. Để làm được như vậy các nhà đầu tư buộc phải chịu lỗ lớn để tự cứu mình.

Theo CafeLand

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG