‘Đường đi’ của đất công nhìn từ thương vụ Constrexim - Hòa Phát

‘Đường đi’ của đất công nhìn từ thương vụ Constrexim - Hòa Phát
Thương vụ chuyển nhượng tòa nhà trên diện tích hơn 600 m2 đất tại 39 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đã được một đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng đưa vào báo cáo thanh tra về tình hình hoạt động tại Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings) như là một thương vụ “nhiều sai phạm”.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, thương vụ này hé mở một câu chuyện điển hình nhưng diễn ra một cách lặng lẽ: hàng loạt lô đất công đã và đang từng bước được “sang tay” qua các quyết định rất “nhẹ nhàng”.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, Costrexim Holdings đã làm trái nhiều quy định của Nhà nước
Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, Costrexim Holdings đã làm trái nhiều quy định của Nhà nước.

633 m2 = 280 tỷ đồng

Lô đất 39 Nguyễn Đình Chiểu rộng 633 m2, được Nhà nước cho Constrexim thuê với thời hạn 50 năm, tính từ ngày 15-10-1993. Vì là đất thuê nên không được tính vào giá trị của Constrexim tại thời điểm cổ phần hóa, chỉ riêng phần tòa nhà văn phòng được xây dựng trên đó được định giá.

Tháng 3-2011, Constrexim mời ba nhà đầu tư “tiềm năng” là Công ty Cổ phần Đầu tư PV2, Công ty TNHH Thép Melin và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đến để xem xét khả năng chuyển nhượng.

Sau đó, ngày 5-5-2011, Tổng giám đốc Constrexim đã ký tờ trình gửi Hội đồng Quản trị xin ý kiến về việc bán lô đất và tòa nhà văn phòng với giá 280 tỷ đồng. Ngay trong ngày hôm đó, Hội đồng Quản trị bao gồm 6 thành viên, trong đó có 4 người là đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Constrexim, đã có văn bản chấp thuận.

Thương vụ mua bán đã được tiến hành ngay sau đó, bắt đầu với việc Constrexim ủy quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà tiến hành thủ tục chuyển nhượng qua sàn giao dịch bất động sản của công ty này. Với hợp đồng này, Phúc Hà nhận được 350 triệu tiền “phí giao dịch”.

Hợp đồng chuyển nhượng chính thức giữa hai bên đã được ký ngày 18-5-2011 và từ thời điểm ký hợp đồng đến cuối năm 2011, Hòa Phát đã chính thức chuyển cho Constrexim 190 tỷ đồng theo 4 đợt, trong đó đợt 1 là 130 tỷ, được chuyển vào ngày 23-5-2011.

Hợp đồng đã ký và tiền đã chuyển, nhưng đáng ngạc nhiên là đến ngày 3-6-2011, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản số 4364/UBND-TNMT, theo đó “chấp thuận về chủ trương cho Constrexim chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản là văn phòng làm việc gắn với đất tại 39 Nguyễn Đình Chiểu”.

Đến đầu năm 2012, một lần nữa Constrexim lại “đi trước” UBND thành phố Hà Nội một bước khi vào ngày 17-2-2012, tổng công ty này tiến hành ký hợp đồng công chứng với Hòa Phát về việc chuyển nhượng nói trên.

Hợp đồng công chứng được coi là có giá trị pháp lý cao hơn so với hợp đồng “trao tay” trước đó, tuy nhiên đáng ngạc nhiên là phải đến ngày 7-5-2012, UBND thành phố Hà Nội mới có quyết định… thu hồi đất tại 39 Nguyễn Đình Chiểu để cho Hòa Phát thuê lại.

Hành trình của đất công

Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã “nhận xét” rằng việc chuyển nhượng nói trên đã không được công khai thông tin là vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Constrexim cũng chưa định giá tòa nhà gắn với lô đất thuê để làm căn cứ tham khảo khi đàm phán là vi phạm một quy định khác cũng trong luật này.

Tuy nhiên, với những “sai phạm kỹ thuật” này, thật không khó để cho cả Constrexim lẫn Hòa Phát sửa sai. Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, được ký ban hành ngày 27-9-2012 cũng chỉ yêu cầu “kiểm điểm tập thể và cá nhân” đã vi phạm các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Điều đáng quan tâm hơn chính là hành trình của đất công. Toàn bộ khoản tiền chuyển nhượng đã được Constrexim hạch toán thành một dạng “doanh thu” cho năm tài chính 2011 của đơn vị này, trong khi trước đó lô đất 39 Nguyễn Đình Chiểu chỉ được Nhà nước “cho thuê” và không hề được định giá khi cổ phần hóa.

Về phía Hòa Phát, tiếng là “tiếp tục thuê đất” của Nhà nước, song trên thực tế ai cũng hiểu rằng với việc bỏ ra tới 280 tỷ đồng, đây thực chất là một thương vụ chuyển nhượng và lô đất sẽ còn là tài sản lâu dài của công ty này.

Về phía Nhà nước thì hầu như không thu được gì, ngoài một ít tiền thuế trong thương vụ này.

Thương vụ đã thành công và đem lại lợi ích cho cổ đông Constrexim và Hòa Phát. Tất cả đều “win”, trừ… Nhà nước?

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG