Chung cư Hà Nội: Xây nhiều, quản ít

Chung cư Hà Nội: Xây nhiều, quản ít
TP - Trước hàng loạt các tranh chấp xảy ra, hàng ngàn hộ dân chờ sổ đỏ và nhiều bất cập trong quản lý nhà chung cư, nhà tái định cư, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị phải thành lập ngay Ban quản trị tại tất cả các khu chung cư...

> Găm tiền, đón sóng chung cư cuối năm

Hàng chục tòa căn hộ chủ đầu tư đã biến tầng kỹ thuật thành nhà hàng. Ảnh chụp tại tòa nhà Hà Thành Plaza 102 Thái Thịnh. Ảnh: Minh Tuấn
Hàng chục tòa căn hộ chủ đầu tư đã biến tầng kỹ thuật thành nhà hàng. Ảnh chụp tại tòa nhà Hà Thành Plaza 102 Thái Thịnh. Ảnh: Minh Tuấn.

Xây nhiều, quản ít

Hàng loạt ý kiến tranh luận sôi nổi tại buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố tại Sở Xây dựng Hà Nội sáng 5-10 cho thấy sự quan tâm rất lớn của cử tri đối với thực trạng quản lý các khu chung cư nói chung và nhà tái định cư nói riêng.

 Tại nhiều các khu nhà chung cư đang thiếu tổ dân phố và các tổ chức chính trị xã hội. Do vậy khó thành lập Ban quản trị và kể cả có thành lập thì hoạt động cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Ban Pháp chế, HĐND thành phố cho rằng, quá nhiều bất cập đặt ra trong quản lý nhà chung cư tuy nhiên lại có rất ít các mô hình mới, đề xuất mới từ các sở ngành, quận huyện của thành phố? Một thành viên đoàn giám sát đại diện Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội đề nghị không nên có sự phân biệt quản lý giữa nhà tái định cư với chung cư thương mại và mô hình quản lý phải đa dạng, trong đó có cả việc điều chỉnh hoạt động của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà theo yêu cầu của thực tiễn, tránh tình trạng ôm đồm, chồng chéo. “Nếu chúng ta không tính toán rõ 2% phí bảo trì cho nhà tái định cư thì không ai có thể bao cấp mãi được”- vị đại biểu này nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế, HĐND thành phố đặt câu hỏi, dân tại nhiều khu bức xúc về chất lượng nhà tái định cư tại khu Nam Trung Yên, Đền Lừ, Hoàng Mai... Trách nhiệm thuộc về ai? Tiếp nhận các ý kiến góp ý, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định trong khoảng 10 năm qua, việc đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư và quản lý sau đầu tư bộc lộ nhiều yếu kém do năng lực thực hiện và nhất là bất cập trong cơ chế, chính sách của nhà nước.

“Chúng ta mới chỉ tập trung làm sao để có được quỹ nhà mà dường như quên việc quản lý sau đầu tư, dịch vụ. Nhiều quy định quản lý đã không theo kịp tốc độ phát triển”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Đề xuất mua nhà thương mại phục vụ

Nhằm giảm sức ép quá lớn về nhu cầu nhà tái định cư và tình trạng “cầu ảo”, nhiều đại biểu đề nghị thành phố cần đa dạng hóa nguồn cung, điều chỉnh nguyên tắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đại diện Tổng Cty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đề nghị nên mua lại nhà thương mại để phục vụ tái định cư.

“Giá nhà thương mại tại nhiều dự án đã giảm chỉ còn 13-14 triệu đồng/m2 là cơ hội rất tốt để mua”- đại biểu này đề xuất.

Đại diện Ban Pháp chế cần tính đến phương án đặt hàng xây nhà tái định cư và phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp, ngân hàng, tránh trông chờ ngân sách.

Tranh luận về giá trần dịch vụ chung cư, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trước sự đa dạng, phức tạp của các loại hình dịch vụ việc khống chế giá trần là không phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường, gây ra nhiều tranh chấp. “Tôi muốn biết là bao giờ thì bỏ quy định này?”-ông Nam đặt câu hỏi.

Trả lời các ý kiến chất vấn, ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế, Sở Xây dựng cho rằng, việc ban hành giá trần dịch vụ là tuân thủ quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Xây dựng về những bất hợp lý này và đề nghị điều chỉnh theo hướng ban hành đơn giá dịch vụ. Dự kiến giá trần sẽ kéo dài đến hết quý I-2013.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm chỉ đạo thành lập ngay Ban quản trị tại các khu nhà chung cư theo đúng quy định của Bộ Xây dựng.

Khẩn trương đưa Quyết định 26 mà UBND thành phố vừa ban hành về Quy định lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Điều lệ quản lý thực hiện dự án đối với dự án các khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG