Những khu đô thị... ‘trên giấy

Những khu đô thị... ‘trên giấy
Hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị kết hợp sân golf được ký duyệt trước thời khắc Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc trước đây) sáp nhập về Hà Nội đang biến thủ đô trở thành địa phương dẫn đầu về số dự án “trên giấy”.
Một dự án nhà ở đô thị ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang
Một dự án nhà ở đô thị ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang.

Nổi bật nhất trong các dự án này là dự án khu đô thị mới - sân golf của Vinashin (ở huyện Mê Linh) và dự án “siêu đô thị” Thạch Thất.

Bỏ đất hoang hóa

Trước ngày sáp nhập về Hà Nội (1-8-2008), người dân huyện Mê Linh (khi đó vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) rất mừng khi thấy các panô to đùng về những dự án mở đường, làm đô thị đua nhau cắm khắp nơi. Ngày nào cũng có các nhóm, đoàn từ đâu về đo đất, cắm cọc, kẻ, vẽ trên những cánh đồng màu mỡ dọc đê sông Hồng. Thế nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đấy, hàng loạt siêu đô thị, sân golf bị “treo” dài hạn. Dọc hai bên đường qua các xã Đại Thịnh, Mê Linh, Tráng Việt, nơi đâu cũng thấy những khu đất rộng cả trăm hecta bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu người.

Bà Lê Thị Thơ (xóm 6, xã Văn Khê) cho biết năm 2003 xã thông báo chủ trương thu hồi đất sản xuất của dân để bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin làm khu đô thị mới và sân golf. “Thời đó ai cũng nghĩ có dự án khu đô thị, có sân golf thì làng quê sẽ thay da đổi thịt nên nhiều hộ bị thu hồi đất vui vẻ nhận tiền bồi thường với giá chỉ hơn 16 triệu đồng/sào ruộng, đổi lại chủ đầu tư hứa sẽ bố trí đất dịch vụ (cứ mất một sào ruộng cho dự án sẽ được cấp lại 10m2 đất dịch vụ), con em sẽ có việc làm” - bà Thơ nói.

Theo các hộ dân xã Văn Khê, thời đó việc thu hồi hơn 70ha đất giai đoạn I của dự án còn chưa xong thì tiếp đến năm 2006 tỉnh Vĩnh Phúc lại quyết định làm tiếp giai đoạn II của dự án với quy mô mở rộng thêm hơn 145ha. Nếu tính từ những ngày đầu tiên của dự án, đến nay có hàng trăm hộ dân trong xã đã giao đất nhận tiền được tám năm mà chẳng thấy dự án động tĩnh gì. Giờ tiếc đứt ruột, muốn quay trở lại ruộng cũ làm cũng khó vì các công trình thủy lợi đã hư hỏng hết. Thành ra ai tận dụng được thì làm, còn lại thì bỏ ruộng.

Ông Trần Hữu Hiền (xóm 6, xã Văn Khê) tâm sự: “Về lý, tôi mất hơn ba sào ruộng rồi. Nhưng thực tế đến giờ dự án không triển khai nên xã “lờ” đi để người dân tiếp tục làm ruộng trên đất đó. Chúng tôi cũng chẳng biết giờ Vinashin khó khăn thế thì dự án này có làm tiếp hay không. Khi khởi động dự án viễn cảnh tốt đẹp lắm, riêng đất dịch vụ được hứa là trả trong khu đô thị mới, cuối cùng chẳng thấy đâu”.

Ông Đào Trọng Phú, trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh, nói: “Riêng dự án nhà ở, khu đô thị và đô thị kết hợp sân golf chiếm khoảng 40 dự án. Tất cả đều được phê duyệt và chuyển tiếp từ thời Mê Linh còn thuộc Vĩnh Phúc, còn đến nay thì tất cả đều đang giải phóng mặt bằng dở dang”.

Theo ông Phú, dự án khu đô thị mới và sân golf do Vinashin làm chủ đầu tư có quy mô trải rộng trên địa bàn ba xã Mê Linh, Tráng Việt, Văn Khê.

“Đây là dự án từ khi Mê Linh vẫn thuộc Vĩnh Phúc. Khi đó việc chi trả bồi thường đã thực hiện được khoảng 40% số hộ trong phạm vi dự án. Đến giờ việc giải phóng mặt bằng coi như dừng lại hẳn, Thủ tướng cũng không cho phép làm sân golf trên đất lúa ở đồng bằng. Vì vậy, huyện vẫn để người dân trồng lúa, còn khu vực dự án này có chuyển đổi sang mục đích gì khác thì đang đợi rà soát lại theo quy hoạch phân khu mới” - ông Phú nói.

Một dự án ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang
Một dự án ở huyện Mê Linh bị bỏ hoang.

Trả 800ha đất về cho dân

Tương tự hàng loạt dự án tại huyện Mê Linh, dự án xây dựng khu đô thị Thạch Thất cũng được UBND tỉnh Hà Tây cũ ký quyết định thu hồi đất vài ngày trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Theo người dân các xã có đất bị thu hồi, đây là dự án “siêu đô thị”, quy mô khu đô thị lớn nhất nhì Hà Nội.

Theo quyết định thu hồi đất do ông Trịnh Duy Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, ký ngày 28-7-2008 (thời điểm ba ngày trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội), dự án “siêu đô thị” này có quy mô trải rộng trên địa bàn bảy xã, thị trấn của huyện Thạch Thất và thị trấn Liên Quan. Diện tích thu hồi theo quy mô của dự án cũng “siêu khủng”, tới hơn 800ha. Trong đó, chỉ tính riêng đất trồng lúa hai vụ dự kiến thu hồi chiếm gần 688ha, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hằng năm, lâu năm và đất giao thông thủy lợi nội đồng.

Ông Trần Anh Dũng, chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, cho biết theo văn bản pháp lý thì diện tích hơn 800ha đất của bảy xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có quyết định thu hồi để giao cho Tập đoàn Nam Cường từ tháng 7-2008. Tuy nhiên, trong quá trình tổng rà soát các dự án, quy hoạch sau khi Hà Nội mở rộng thì dự án này thuộc diện phải tạm dừng triển khai.

“Thanh tra thực tế cho thấy dự án này chưa triển khai các bước, cũng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đến từng hộ dân. Toàn bộ diện tích thuộc diện thu hồi theo quyết định làm khu đô thị vẫn được người dân sử dụng, canh tác trồng cấy. Đặc biệt, theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011, dự án xây dựng khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp. Chúng tôi đã đề nghị thu hồi diện tích đất này và được TP Hà Nội đồng ý về chủ trương” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã hoàn tất các thủ tục thu hồi. “Sở kiến nghị trả diện tích đất này lại cho người dân, tức là đề xuất UBND TP giao cho huyện Thạch Thất chỉ đạo UBND các xã thông báo tới người dân về chủ trương không thu hồi đất tại bảy xã, thị trấn nữa để người dân yên tâm sản xuất. Tới đây khi TP ký quyết định thu hồi sẽ thông báo rộng rãi, nhà nào trồng lúa thì vẫn tiếp tục

trồng lúa, nhà nào nuôi trồng thủy sản thì vẫn tiếp tục làm” - ông Dũng khẳng định.

Theo Tuổi trẻ

Một huyện có tới 110 dự án

Theo báo cáo của Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh, toàn huyện hiện có 110 dự án, tất cả đều đã có quyết định thu hồi đất với tổng diện tích hơn 2.312ha, trong đó số dự án về nhà ở, đô thị chiếm khoảng 40 dự án. Điểm chung của các dự án này là phần lớn diện tích đã giải phóng mặt bằng xong đều bỏ hoang cho cỏ mọc.

Ông Đào Trọng Phú, trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh, cho biết hiện nay nhiều dự án về nhà ở, đô thị như khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, khu đô thị Cienco 5, khu du lịch sinh thái River Land, Vip Corp, Tiền Phong mới chỉ giải phóng mặt bằng được một phần diện tích.

Riêng dự án khu đô thị mới AIC có quy mô 94ha hiện đã giải phóng mặt bằng được 24ha, nhưng phần diện tích đã giải phóng mặt bằng mới chỉ được san nền rồi để đấy.

“Tất cả những dự án nhà ở, đô thị hiện vẫn đang trong giai đoạn rà soát lại theo quy hoạch và phải đợi quy hoạch phân khu. Sau khi được TP phê duyệt quy hoạch phân khu, nếu phù hợp quy hoạch thì được triển khai tiếp, chưa phù hợp thì phải điều chỉnh. Còn những nơi chưa giải phóng mặt bằng thì người dân vẫn sử dụng đất để canh tác” - ông Phú nói.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG