Hà Nội: Ì ạch 'cắt ngọn' nhà sai phép

Hà Nội: Ì ạch 'cắt ngọn' nhà sai phép
Sau 2 tháng tiến hành, các tòa nhà sai phép ở quận Hai Bà Trưng mới được tháo dỡ phần thiết bị tầng tum, vách kính... Lãnh đạo quận cho biết đã lên phương án cưỡng chế phá dỡ vào cuối tháng này.
Tòa nhà 55A Bà Triệu chậm xử lý do được một số lãnh đạo bao che
Tòa nhà 55A Bà Triệu chậm xử lý do được một số lãnh đạo bao che.

5 công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng tại quận Hai Bà Trưng đang được chủ đầu tư "cắt ngọn" khá chậm chạp. Nhìn từ dưới lên, hầu như chiều cao công trình không thay đổi so với 2 tháng trước đây.

Tòa nhà 19 Triệu Việt Vương đang được tháo dỡ tường, vách kính, lan can tầng tum; nhà 86 Mai Hắc Đế cũng đã tháo dỡ xong tường tầng 7. Các tòa nhà 22 Triệu Việt Vương, 135 Bùi Thị Xuân, 67 Mai Hắc Đế cũng đang tháo dỡ phần tum. Các tòa nhà này đều xây cao quá quy định 3-4 tầng.

Công trình gây nhiều tranh cãi tại 55A, 55B phố Bà Triệu hiện đã tháo dỡ xong tầng 11. Tòa nhà này vốn chỉ được cấp phép xây dựng 9 tầng, 1 tum.

Trước tiến độ tháo dỡ phần vi phạm chậm cháp của các công trình, tại cuộc họp với Sở Xây dựng sáng 10-8, ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng khẳng định, quận đã lên phương án cưỡng chế phá dỡ phần vi pham, đưa Công ty Phương Bắc, một đơn vị chuyên phá dỡ công trình, vào khảo sát hiện trạng tại các tòa nhà. Doanh nghiệp này cam kết hoàn tất phá dỡ hết phần sai phép chỉ một tháng.

"Chúng tôi không hy vọng chủ công trình tháo dỡ hết phần vi phạm vì không ai tự chặt tay mình. Họ vừa làm vừa nghe ngóng, nên chúng tôi sẽ phải cưỡng chế trong tháng 8", ông Tuấn bày tỏ.

Ông Lâm Anh Tuấn cho biết, hiện nay quận Hai Bà Trưng đã công khai danh sách các công trình được cấp phép lên mạng, để người dân trong khu vực cùng giám sát, phát hiện vi phạm nếu có.

Ông Nguyễn Đình Tĩnh, Chánh thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm, cũng cho biết, cơ quan này vẫn thường xuyên giám sát việc tháo dỡ của chủ công trình 55A-55B Bà Triệu. Tòa nhà này được phép xây 9 tầng song đã vươn lên 13 tầng. Hiện nay đang được tháo dỡ đến tầng 11.

Lý giải về sai phạm chậm phát hiện của công trình này, ông Tĩnh cho biết, do tòa nhà không có thang bộ. Khi bảo vệ khóa cửa ra vào thì lực lượng chức năng không thể vào kiểm tra. Trong khi đó, chủ đầu tư đã tìm mọi quan hệ để hợp thức hóa sai pham, từng được lãnh đạo thành phố giao ngành văn hóa, xây dựng nghiên cứu cho phép công trình cơi nới để trở thành bảo tàng mở... do vậy, cơ quan cấp quận chậm trễ xử lý.

Ông Trần Đức Học, Phó giám đốc Sở Xây dựng, nhận xét, để ngăn chặn nhà sai phép tốt nhất là cần giảm quy hoạch treo. Lãnh đạo thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát các quy hoạch treo để xóa bỏ, còn quy hoạch khả thi thì sẽ triển khai trong 3-4 năm tới.

Đề cập về phương án phá dỡ các công trình sai phạm, ông Học cho rằng, hiện nay có 5-7 công ty chuyên phá dỡ nhà có nhiều kinh nghiệm, có lực lượng nên các quận cần giới thiệu cho các phường để thuê phá dỡ. Theo luật định thì các chủ công trình sai phạm phải chi tiền cho việc phá dỡ, song thực tế thì những hộ này thường trốn tránh. Do vậy, các quận cần huy động nguồn ngân sách chi cho quản lý đô thị bởi đây là vấn đề cấp bách của thành phố.

Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh, với các công trình vi phạm, chính quyền địa phương cứ theo luật mà thực thi, không được chịu áp lực từ cơ quan nào. Nếu quyết tâm thực thi bằng biện pháp mạnh thì sẽ giải quyết được tình trạng sai phép.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG