Đây là sự kiện để các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe các góp ý và giải pháp hoàn thiện cơ chế nhằm giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.
Chính sách pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên công tác quản lý về nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân được xác định do đất đai có nguồn gốc phức tạp, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ. Nội dung chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều điểm chưa rõ, thể chế hóa còn chậm, chưa đồng bộ…
Vì thế các vụ khiếu kiện có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao khoảng 70-80% tổng số vụ khiếu kiện hàng năm trong cả nước và được xem là lĩnh vực không được lòng dân nhiều nhất, có biểu hiện tiêu cực nhiều nhất, thất thoát lãng phí tài nguyên công nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Đực- PGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng theo quy định của Nghị định 69, doanh nghiệp sau khi giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng phải đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất sát giá thị trường nhưng chỉ được khấu trừ theo khung giá nhà nước, như vậy không khác nào doanh nghiệp phải mua lại chính đất của mình từ nhà nước.
Phân tích Điều 36 của Luật Đất đai, Luật sư Nguyễn Thị Cam nêu việc bất hợp lý phi kinh tế trong quy định về nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng: Chỉ bằng một quyết định cho phép chuyển mục đích của một cán bộ có thẩm quyền đất nông nghiệp chưa đầu tư bỗng nhiên thành đất mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc đất ở và nhà nước thu tiền sử dụng đất theo loại đất mới.
Ngoài ra vấn đề tiền thuê đất theo giá thị trường cũng là một vướng mắc lớn đối với doanh nghiệp đã bồi thường đất trước đó để được thuê đất, việc cấn trừ tiền bồi thường phát sinh rất nhiều phức tạp về thủ tục, về mức giá các thời điểm khác nhau.
Việc người có đất chuyển mục đích không được khấu trừ giá trị đất trước đó vào tiền thuê là bất hợp lý. Đối với doanh nghiệp dùng mặt bằng để sản xuất hoặc bến bãi việc thu theo giá thị trường dễ dẫn đến thua lỗ.
Luật sư Nguyễn Thị Cam kiến nghị Luật cần có sự phân định minh bạch, rõ ràng giá đất theo mục đích ban đầu, giá đất sau khi quy hoạch vào mục đích khác và giá đất sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trên cơ sở xác định giá đất cho từng giai đoạn như vậy nhà nước chỉ thu một khoản tiền nhất định là khoản lợi nhuận có được không do đầu tư mà có, khoản thu này cần có sự kết hợp hài hòa lợi ích của người đang sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư.
Bảng giá đất phải sát với giá thị trường và ổn định trong thời gian 5 năm, UBND cấp tỉnh chỉ xem xét điều chỉnh những vùng đất có thay đổi quy hoạch, có sự đột biến lớn về giá đất.
Ông Nguyễn Phụng Thiều –TGĐ Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn- Gia Định kiến nghị nên tập hợp các thông tư, nghị định được ban hành từ nhiều thời kỳ ban hành thành một "tập” để giúp người dân, doanh nghiệp dễ đọc, dễ nhớ để thực hiện. Còn như hiện nay người dân, doanh nghiệp tìm nghị định thông tư liên quan đến đất đai không thể nào hiểu hết, nhớ nổi vì chồng chéo, nhiều cách hiểu dễ dẫn đến tình trạng xin cho đưa đến các tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường điều chỉnh sửa đổi ngay Nghị định 69, Nghị định 120 về việc thu tiền sử dụng đất các dự án bất động sản bởi theo các quy định này doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng- thực chất là mua đất của dân theo giá thị trường, vừa phải nộp tiền sử dụng đất- thực chất là mua lại lần nữa của nhà nước. Điều này làm đẩy mặt bằng giá bất động sản Việt Nam lên cao so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đang tiến hành soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2012. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được ghi nhận, và cũng góp phần giúp công tác soạn thảo Luật sửa đổi hoàn thiện hơn.
Theo Bảo Hạnh
Đại Đoàn Kết