'Cò đất' mưu sinh thời khủng hoảng

'Cò đất' mưu sinh thời khủng hoảng
TPO - Trước sức lao dốc quá mạnh của thị trường, phần lớn “cò đất” đã phải bỏ nghề hoặc ẩn dật chờ thời. Trong khi đó, nhiều người mua nhà lại tìm đến với các trang thông tin điện tử...

'Cò đất' mưu sinh thời khủng hoảng

> Môi giới địa ốc VIP đi bán trà đá

Nhiều công ty địa ốc phải điều chỉnh phương án kinh doanh
Nhiều công ty địa ốc phải điều chỉnh phương án kinh doanh. Ảnh: Minh Tuấn

Cách đây vài ngày, tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Yến, một nhân viên môi giới có văn phòng trên đường Lê Văn Lương kéo dài, từng khá thông thổ nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội mới hay tin chị đã chuyển sang làm nhân viên bán xe ô tô cho một đại lý tại Long Biên. Chị Yến cho hay, không chỉ văn phòng của chị mà nhiều văn phòng môi giới khu vực phía Tây đã phải tạm đóng cửa, nhân viên đa phần đã chuyển sang công việc khác.

“Cả tháng không có giao dịch, trong khi đó tiền thuê nhà hàng chục triệu mỗi tháng, cộng với tiền thuê nhân viên, chi phí văn phòng kéo dài dẫn đến nhiều người không trụ nổi”-chị Yến cho biết.

Không chỉ khu vực đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng mà cả các khu vực trước đây các văn phòng môi giới từng hết sức sôi động như Vân Canh, Mỹ Đình, Trung Hoà Nhân Chính nay cũng khá thưa vắng.

Nhiều văn phòng vẫn còn hạn thuê nhà nhưng vẫn đóng cửa im ỉm. Nhiều công ty trước đây có hàng chục nhân viên, văn phòng rộng hàng trăm m2 mặt đường hoành tráng thì nay đã rút vào hoạt động “bí mật”, cắt giảm tối đa chi phí.

Trong khi “cò đất” tại các văn phòng môi giới đua nhau giải nghệ thì nhiều người mua nhà lại có xu hướng chuyển sang giao dịch, tìm kiểm thông tin qua các trang thông tin điện tử. Chỉ cần đăng tin lên muaban.net hay một trang nào đó thì chỉ ít phút sau bạn sẽ nhận được điện thoại của một trang tin điện tử chào mời đăng quảng cáo bán nhà với nhiều mức giá khá hấp dẫn cho đến khi bán được mới thôi.

Anh Nguyễn Văn Lâm, bộ phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tấc Vàng cho biết, thị trường khó khăn nên chỉ những văn phòng môi giới thực sự có uy tín, chuyên nghiệp mới tồn tại. Môi giới là bộ phận rất quan trọng của thị trường và đây là dịp để xốc lại chất lượng, sự nghiêm túc với nghề.

Nhu cầu giao dịch, tìm kiếm thông tin bất động sản qua internet tăng mạnh thời gian gần đây phần vì môi giới kiểu này vừa tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho các bên, lại dễ kiểm tra giá bán, địa chỉ. Nhiều trang thông tin điện tử như tacvang.com.vn, sanbatdongsanhanoi.info, batdongsan.com.vn, nhadat24h... thậm chí là nhiều tờ báo điện tử lớn cũng đua nhau tung ra các chiêu khuyến mại đăng tin mua bán nhà đất. Người mua và người bán dễ dàng gặp nhau để trao đổi trực tiếp mà không phải qua môi giới.

Còn nhớ, khi thị trường sôi động những năm trước đây, không ít người mua bán đã buộc phải phó mặc số phận cho “cò” khi mà thông tin dự án thì hết sức mù mờ lại thêm thủ tục chuyển nhượng không mấy thông thoáng, việc áp dụng pháp luật nhiều nơi còn vênh nhau. Tình trạng “cò” bắt tay nhau làm giá diễn ra khá phổ biến.

Cung không đáp ứng được cầu, cộng với không ít chủ đầu tư chủ động bắt tay với “cò” mặc sức thao túng thị trường, thu “chênh”, ép nộp tiền “thủ tục” vô tội vạ góp phần làm tăng cơn sốt ảo.

Nhiều văn phòng môi giới dọc đường Lê Văn Lương kéo dài vắng khách
Nhiều văn phòng môi giới dọc đường Lê Văn Lương kéo dài vắng khách.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, nếu so với thời điểm đầu năm 2009 thì số lượng hồ sơ đăng ký xin cấp chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản hiện nay chỉ bằng khoảng 10%. “Trước đây mỗi tuần chúng tôi nhận được cả trăm hồ sơ thì nay chỉ khoảng chục hồ sơ xin cấp chứng chỉ”-ông Hiền nói.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay Hà Nội đã cấp được trên 13.000 chứng chỉ hành nghề môi giới và định giá bất động sản cho các cá nhân và chỉ mới chiếm khoảng 60% so với số lượng đào tạo mà các trung tâm báo cáo. Mặc dù thủ tục thành lập sàn giao dịch bất động sản đã khá thoáng nhưng số lượng gần như không tăng so với năm 2011, dao động vẫn ở mức 460 sàn giao dịch và nhu cầu nộp hồ sơ xin cấp mới tụt giảm hẳn trong 4 tháng đầu năm 2012.

Thị trường ảm đạm dẫn đến tiền “chênh” tại các dự án gần như không có, chủ đầu tư trực tiếp chào bán hàng đến người tiêu dùng đã góp tay chất thêm khó khăn lên “cò đất”. Ông Nguyễn Trọng Hiền cho rằng, “cò đất” theo kiểu tự do truyền thống như trước đây chuyên mua bán nhà đất dự án gần như đã hết đất sống trong khu vực các quận nội thành. Hiện tỷ lệ giao dịch qua sàn đã tăng lên nhiều.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.