Đấu giá đất hai bên đường, đánh thuế biệt thự bỏ hoang

Đấu giá đất hai bên đường, đánh thuế biệt thự bỏ hoang
TP - Đây là hai trong số hàng loạt đề xuất mới của Bộ Tài chính, trong dự thảo “Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011 - 2020”. Nếu được áp dụng, mỗi năm, ngân sách nhà nước (NSNN) tăng thu hàng trăm nghìn tỷ đồng.

>Xẻ đất nông nghiệp xây biệt thự bỏ hoang
>BĐS bỏ hoang: Biểu hiện của phân hóa giàu nghèo

Xác định giá đất theo thị trường

Theo đề án, để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, phải xác định giá đất theo giá thị trường. Đề xuất mở rộng chính sách đấu giá đối với cả đất chưa giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất nhằm hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo phương thức chỉ định, đánh thuế đối với tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, bổ sung đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, để khuyến khích người sử dụng đất có biện pháp sử dụng đất hiệu quả, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển dịch cho người có nhu cầu.

Với đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, chuyển từng bước từ cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất hiện nay sang thuê đất theo nguyên tắc giá thị trường để tạo lập sự chủ động, minh bạch trong hạch toán dịch vụ công. Trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ theo đơn đặt hàng thì thanh toán theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí cho đơn vị; Đối với các tài sản khác (không bao gồm đất) được Nhà nước xác định giá trị để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, đơn vị có trách nhiệm khấu hao và bảo toàn vốn đã được giao.

Đề án cũng lưu ý, sẽ khai thác quỹ đất 2 bên đường (khi mở rộng hoặc làm mới) để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Bởi lâu nay, Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông tạo ra địa tô chênh lệch rất lớn của quỹ đất hai bên đường, nhất là tại các vị trí có lợi thế thương mại ở các đô thị có giá đất cao nhưng nhà nước không được hưởng. Do đó phải có quy định đủ mạnh theo hướng tổ chức bán đấu giá đối với quỹ đất 2 bên đường để tạo thêm nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cần lộ trình thực hiện

Theo ông Mai Xuân Vịnh - Chi cục trưởng Chi cục quản lý công sản Hà Nội, trong Đề án của Bộ Tài chính, điểm mới là đề xuất giao đất sang cho thuê đất. Trong Luật Đất đai 2003 là giao đất và thu tiền sử dụng đất chủ yếu là cơ quan hành chính sự nghiệp, bây giờ, muốn đơn vị chuyển sang thuê đất thì phải chuyển sang mô hình hạch toán kinh doanh, tự chủ hoàn toàn. Muốn làm được phải có lộ trình. Còn việc sắp xếp lại, xử lý nhà thuộc sở hữu nhà nước gặp nhiều khó khăn, vì đơn vị chuyển đi trong khi vốn đầu tư xây mới thì ngân sách không có. Mà muốn có kinh phí thì phải chuyển mục đích sử dụng đất ở nơi cũ. “Ở Hà Nội hiện nay các tập đoàn, tổng công ty đa số sắp xếp đất được giao phục vụ lợi ích của mình. Hầu như những mảnh đất nào dôi dư thì các tổng công ty, tập đoàn xin chuyển đổi mục đích xây nhà”, ông Vịnh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Đề án này khá vĩ mô, để đi vào thực tế rất khó. Ngay như quy định hiện nay, về nguyên tắc khi giao đất có thu tiền, phải tính theo giá đất sát với giá thị trường cho từng khoảnh đất một. Nhưng thực tế cố gắng lắm, cũng vẫn thấp hơn thị trường đến 30%, thậm chí có những nơi chỉ bằng 50% giá thị trường. Nên làm cho nhà nước thất thu khá nhiều. Đấy là chưa kể tiền thuế đất cũng bị thất thu lớn, do xác định giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Còn việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang thì cũng phải xác định rõ cái nào bỏ hoang do đầu cơ, khi đó việc đánh thuế mới mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân”.

Tăng thu hàng trăm ngàn tỷ đồng

Trong đề án, Bộ Tài chính tính toán, tổng số thu NSNN từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỷ đồng/năm; tổng số thu NSNN từ đất bình quân là 98.624 tỷ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.