Trưa 1/10, ông Phan Văn Trần, 51 tuổi ở ấp Mù U, xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) đang loay hoay cùng hai người thợ đóng ghe cặp mé biển, cách nhà máy nhiệt điện Duyên Hải hơn cây số. Ông nói: “Từ tháng 8 âm lịch đến tháng giêng, gió chướng thổi về, bụi từ nhà máy bay vào nhà mịt mù đóng có lớp, đen ngòm. Chưa kể, chịu đựng lâu ngày, hai cháu nội của tôi thường xuyên bị viêm phổi”. Ông Nguyễn Văn Gò, 55 tuổi, sống bằng nghề đặt lú trên biển, cách nhà máy nhiệt điện Duyên Hải chưa đầy cây số. Ông Gò lo lắng: “Nghe trên đài, ở miền Trung, nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm làm cá chết. Ở đây tui chỉ sống bằng nghề biển, nếu nguồn nước bị ô nhiễm, coi như chết đói”.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, nói rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi (tro xỉ) từ nhà máy phát ra hiện chưa có cách khắc phục. Ngoài ra, xe chở vật liệu xây dựng vào nhà máy làm hư hỏng đường. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải, nói rằng, dân của xã phần lớn làm nghề muối; khói bụi từ nhà máy đã làm muối có màu đen.
Gần 5.000 tấn tro bụi thải ra mỗi ngày
Ông Nguyễn Thiện Nhân, trong cuộc làm việc ngày 1/10 nói rằng, nhà máy đưa vào hoạt động 2 tổ máy phát điện với công suất 2x622.5MW hòa vào lưới điện quốc gia đã góp phần tích cực đảm bảo nhu cầu về điện. Tuy nhiên, cách làm hiện nay là chưa thuyết phục vì Nhà nước có quy định là trong quá trình chạy thử 6 tháng, đến khi chạy chính thức phải hoàn thành đánh giá báo cáo tác động môi trường. Nhà máy đến giờ đã hoạt động hơn 9 tháng mà chưa có báo cáo. “Tôi sẽ có văn bản đề nghị Bộ TN&MT kiểm tra cách làm của nhà máy”, ông Nhân nói.
Ông Nhân nói rằng, khi đưa vào vận hành các tổ máy, chủ đầu tư đã thay đổi xả thải từ công nghệ ướt sang khô; hệ thống xử lý chất thải công nghiệp không đúng theo báo cáo tác động ban đầu. Lượng tro bụi thải ra hơn 1 triệu tấn/năm, trong khi diện tích bãi chứa chỉ hơn 39 ha, hai năm rưỡi nữa là đầy, không biết lấy chỗ nào để chứa.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đề nghị, nhà máy triển khai đường truyền online (điện tử) để dân tin, đồng thời cho họ biết cụ thể về việc xả khí thải. Khi có đường truyền thì lỡ gặp sự cố thì sẽ xử lý kịp thời. “Bây giờ vào mùa mưa thì yên tâm, chứ vào mùa khô thì…, diện tích 80 ha mà hiện nay đã sử dụng hết gần 40 ha. Hơn nữa, mỗi ngày sử dụng 14.000-15.000 tấn than, phát ra 4.000-5.000 tấn tro bụi nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán rất lớn”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, hệ thống phun nước còn sơ sài, các ống dẫn nước còn nhỏ, chưa đủ để giữ độ ẩm tuyệt đối để tro không bay.
Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết, sau 2 lần kiểm tra nhà máy vào tháng 3 và tháng 9, nhà máy đã hoàn thiện, đồng thời khắc phục tồn tại về môi trường như: hồ sơ thiết kế, đường ống, hố ga, thu gom chất thải… Ông Đồng cho rằng, điều hết sức nhạy cảm là vấn đề môi trường; vì nhà máy gần biển nên công tác quản lý rất quan trọng. “Riêng chỗ tro xỉ (bụi than), đề nghị nhà máy sớm có đánh giá phân loại. Nếu tro xỉ không nguy hại thì có thể tái sử dụng để làm vật liệu xậy dựng nhưng phải được đánh giá tác động môi trường”, ông Đồng nói.
Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Ban quản lý nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Cty Phát điện 1) nói rằng, nhà máy đã vận hành hệ thống thiết bị xử lý môi trường bằng cách khử NOx trong khói thải, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử SOx trong khói thải theo đúng quy chuẩn mới. Đồng thời, đã thay thế các phương thức đốt dầu FO tại lò hơi phụ bằng đốt dầu DO.
Nhà máy đang lấy mẫu phân tích tro, xỉ để đề nghị tận dụng làm vật liệu trong ngành xây dựng. Đồng thời, lắp thêm hệ thống phun nước tự động trên bề mặt bãi xỉ, nhằm tạo ẩm, tránh phát tán bụi từ bãi xỉ vào môi trường không khí. Về việc xả nước thải bằng đường ống ngầm ra biển, ông Dũng khẳng định, nước thải đã được xử lý an toàn trước khi ra bên ngoài nên không có chuyện gây ô nhiễm biển.
Sáng 1/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cty Nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Cty Phát điện 1).
Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất thiết kế khoảng 4.200 MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 878,91 ha. Dự án gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và cảng than lớn nhất ĐBSCL do Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tổng Cty Phát điện 1 làm chủ đầu tư. Riêng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Malaysia làm chủ đầu tư.