Dịch vụ OTT: Không thể và không nên cấm?

Dịch vụ OTT: Không thể và không nên cấm?
TP - Tại tọa đàm tìm kiếm giải pháp quản lý các dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí (gọi tắt OTT) hôm qua, lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất có thể tính phí khi sử dụng dịch vụ OTT. Trong khi đó, các nhà mạng muốn một mặt bằng giá cước mới để hạn chế sự ảnh hưởng của loại hình dịch vụ đang bùng nổ mạnh mẽ này.

> Thành lũy cuối cùng’ của cuộc chiến nhắn tin miễn phí
> Zalo vượt 4 triệu người dùng, cuộc đua OTT có còn kịch tính?

Khó bắt tay nhau

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, nhà cung cấp dịch vụ Zalo đưa ra những con số mới nhất, có 8 triệu thuê bao ở Việt Nam đang dùng Viber, 4 triệu đang dùng Zalo. Các OTT khác như Line, Kakao Talk cũng có hàng triệu người sử dụng. Dự kiến cuối năm 2013, 20 triệu thuê bao dùng OTT.

Trước sự bùng nổ trên, đại diện các nhà mạng cho rằng, đang có một sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT với nhà mạng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, hiện các dịch vụ OTT được gọi là không hợp tác nhà mạng, lợi dụng giá cước 3G rẻ cung cấp các dịch vụ rồi lấy tiền quảng cáo; không chịu sự quản lý pháp luật như không nộp thuế, không tuân thủ luật viễn thông, không ghi lại cuộc gọi và không biên giới. Theo ông Hùng, OTT đã kinh doanh thì phải đóng thuế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và phải chịu sự quản lý như các doanh nghiệp viễn thông thì mới có sự công bằng.

Đại diện Mobifone lấy ví dụ, các nhà mạng có chương trình khuyến mãi gói cước thoại rẻ thì lập tức Cục Viễn thông có văn bản yêu cầu dừng do giá cước thấp hơn giá thành trong khi các doanh nghiệp OTT cung cấp dịch vụ miễn phí mà không chịu một chế tài quản lý nào cả.

Đại diện Vinaphone nhấn mạnh, doanh số dịch vụ thoại của nhà mạng sụt giảm vì OTT. Nhà mạng kỳ vọng vào các dịch vụ phi thoại nhưng bản thân các dịch vụ phi thoại cũng đang bị ảnh hưởng bởi các OTT. VNPT ước tính, OTT gây thiệt hại 9-10% doanh thu.

Đáp lại thông tin trên, ông Nguyễn Phong Lộc, nhà phát hành ứng dụng Line tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc gây thất thu, dịch vụ OTT cũng tạo ra những cơ hội lớn để cân bằng doanh thu cho nhà mạng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Nguồn doanh thu từ giá trị gia tăng có thể phân chia giữa doanh nghiệp OTT và nhà mạng.

Ông Lộc nói thêm, thời gian qua, các doanh nghiệp OTT nhiều lần bày tỏ mong muốn hợp tác với các nhà mạng để cùng khai thác dịch vụ. Họ đề xuất xây dựng sản phẩm chung như Viettel Line, Mobiphone Lines. Tuy nhiên, việc hợp tác theo cơ chế hai bên cùng có lợi khó thực hiện.

Sẽ có mặt bằng giá cước mới

Trước mong muốn hợp tác của các doanh nghiệp dịch vụ OTT, các nhà mạng cho biết, cần một hành lang pháp lý rõ ràng mới có hợp tác. Đại diện Mobifone nói: “Nếu không có hành lang rõ ràng, không có một sự công bằng thì không có cạnh tranh. Không cạnh tranh thì không có hợp tác phát triển”.

Mặc dù kêu nhiều về thiệt hại do OTT gây ra song các nhà mạng cho rằng, đây là cơ hội để tái sinh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói trong dài hạn, nhà mạng sẽ giảm phụ thuộc vào doanh thu từ dịch vụ thoại, phát triển các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, đời sống. Bức tranh nhà mạng hướng tới là 1/3 doanh thu từ thoại, 1/3 doanh thu từ dịch vụ data, 1/3 từ các dịch vụ khác.

Ngoài ra, nhà mạng có thể thiết lập bảng giá cước thoại, tin nhắn mới về để hạn chế ảnh hưởng của OTT. Đại diện Mobifone cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi nghiên cứu dịch vụ OTT trên thế giới và Việt Nam, Cục nhìn nhận OTT là một xu hướng mới, không nên và không thể ngăn cấm. Bà Mơ cho biết, để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho người dùng khi sử dụng các dịch vụ OTT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an theo dõi và đưa ra các chính sách cần thiết.

Áp dụng kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Cục đề xuất ba biện pháp quản lý các dịch vụ OTT. Thứ nhất nhà mạng tính phụ phí khi sử dụng OTT. Thứ hai, nhà mạng phát triển dịch vụ OTT để cạnh tranh với các doanh nghiệp OTT. Thứ ba, nhà mạng hợp tác với OTT để đưa ra các gói cước đặc biệt, phù hợp với yêu cầu khách hàng. Bà Mơ cho rằng, đây là cách làm rất tốt để trả lại doanh thu cho nhà mạng và đảm bảo phát triển bền vững.

Theo bà Mơ, trước mắt đặt ưu tiên cho vấn đề thị trường tự điều chỉnh, Cục sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sự phát triển dịch vụ OTT và chính sách quản lý dịch vụ này của các quốc gia. Trên kiến nghị của doanh nghiệp cung cấp OTT và nhà mạng sẽ báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông để đưa ra các quy định hợp lý, đảm bảo thị trường phát triển cạnh tranh bền vững, lành mạnh.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi nghiên cứu dịch vụ OTT trên thế giới và Việt Nam, Cục nhìn nhận OTT là một xu hướng mới, không nên và không thể ngăn cấm.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.