Sẽ tiến hành lập chuẩn mới cho công nghệ thông tin

Sẽ tiến hành lập chuẩn mới cho công nghệ thông tin
Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn rất lo chất lượng đầu vào.
Ảnh chỉ có tính minh họa: Doanh nhân/Vietnam+
Ảnh chỉ có tính minh họa: Doanh nhân/Vietnam+.

Thừa mà vẫn thiếu

Ngành công nghệ thông tin đang được kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1 triệu kỹ sư, nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế; có 30% sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.

Mới đây, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin-Truyền thông, trong cuộc hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin-truyền thông giai đoạn 2013-2015” vừa được tổ chức cuối tháng 12 - 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, công nghệ thông tin Việt Nam vẫn phát triển, nhưng đằng sau nó còn quá nhiều điều phải lo lắng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành công nghệ thông tin vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2011 đạt 13,7 tỷ USD (tăng 2,6 lần so với năm 2008), tăng trưởng trung bình gần 80%/năm.

Lĩnh vực công nghiệp phần mềm sau một thời gian dài có tốc độ tăng trưởng liên tục, khá cao, ở mức 35-40%/năm thì bây giờ đã giảm.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) kể rằng 12 năm trước, ngày 8/12/2000, tại một hội thảo quốc gia cung ứng nguồn nhân lực xuất khẩu cho các nước, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lúc đó hào hứng cho biết người Việt Nam rất giỏi, các nước cần bao nhiêu nhân lực công nghệ thông tin, Việt Nam cung ứng bấy nhiêu.

Nghe vậy, một doanh nghiệp Malaysia yêu cầu Việt Nam cung cấp cho họ 40 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm.

Có hơn 4.000 đơn đăng ký ứng tuyển, phía Malaysia mừng mà Bộ cũng phấn khởi, cử một đoàn chuyên gia cùng ngồi theo dõi phỏng vấn. Qua ba vòng phỏng vấn, kết quả, họ tuyển được 4/4.000 người nộp đơn.

“Với kết quả ấy, xem xét lại tiến trình phỏng vấn của doanh nghiệp Malaysia, chúng tôi đi đến kết luận đó là do ta đào tạo sơ sài, không có chuẩn; không có kiến thức về kỹ nghệ (viết một chương trình rất đơn giản, nhưng không theo một chuẩn nào cả); kỹ năng mềm hầu như không có; tiếng Anh rất yếu.”|

Tiếc thay, sau 12 năm, tình trạng này vẫn y nguyên. “Chúng ta không có công nghệ lõi, không có nền công nghiệp phần cứng và chỉ chuyên gia công,” ông Bình nói, "với cách làm như vậy, không thể dẫn dắt nhân lực công nghệ thông tin phát triển, đạt chuẩn thế giới mà chỉ có cách “hớt váng” nhân lực của nhau."

Kỳ vọng những mô hình đào tạo mới

Để giúp nhân lực công nghệ thông tin nhanh chóng nắm bắt công nghệ tiên tiến, khả năng làm việc theo chuẩn quốc tế, ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt đề xuất mô hình nhượng quyền đào tạo với các đối tác toàn cầu trong khi chờ chiến lược công nghiệp hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin rõ nét hơn.

Mô hình này đang được Lạc Việt áp dụng khi trở thành đối tác nhượng quyền chính thức của New Horizons, nhà cung ứng đào tạo công nghệ thông tin độc lập lớn nhất thế giới.

Lạc Việt-New Horizons Việt Nam kế thừa toàn bộ giáo trình, nội dung đào tạo hiện đại, cập nhật nhất của công nghệ thông tin thế giới, bao gồm cả điện toán đám mây và di động.

“Điều này mang lại nhiều lợi ích khi nội dung đào tạo nhắm vào các kỹ năng mà tổ chức nào trên toàn cầu cũng cần. Người học luôn cập nhập kiến thức mới nhất và có khả năng đạt các chứng chỉ quốc tế của các hãng lớn để làm việc toàn cầu,” ông Thân cho biết.

Riêng trong năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của FPT Software tăng gần 50% so với năm 2011. Năm 2013, hướng tới mốc doanh thu trên 100 triệu USD, dự kiến FPT Software sẽ tuyển thêm 2.000-2.500 nhân viên cho các vị trí kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối, biên dịch và phiên dịch tiếng Nhật.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, nhu cầu nhân lực lớn, nhưng hiện nay doanh nghiệp rất lo chất lượng đầu vào. Thông thường, FPT Software phải mất tới ba tháng để đào tạo lại các kỹ năng cần thiết cho một sinh viên mới ra trường.

Hiện nay, để tránh bị động và nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa đầu ra của các tổ chức đào tạo và yêu cầu của các dự án sản xuất, FPT Software đã xây dựng và cải tiến các chương trình huấn luyện nhân viên. Chương trình được thiết kế bài bản, bao gồm cả các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phải có trong khoảng 2-3 tháng trước khi đưa người mới vào những dự án thực tế.

Tiến sỹ Trần Vũ Bình, Viện Công nghệ và Kỹ thuật số cho biết, Viện đang xây dựng đề án “Hệ thống kết nối tri thức Việt,” qua đó, tập hợp các giáo sư, chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước giảng dạy, chọn lọc, xây dựng kho trí thức số theo hình thức chủ đề, dễ dàng cải tiến liên tục trong quá trình đào tạo.

Hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ Internet nhằm tạo điều kiện để tận dụng tối đa những lợi ích của mạng lưới toàn cầu, đưa nền giáo dục tiên tiến đến từng doanh nghiệp, sinh viên và nhiều tầng lớp xã hội với chi phí thấp nhất.

Dự án “Chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin” không xây dựng chuẩn mới mà chỉ dựa trên những kỹ năng rất phổ biến như chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ, trên cơ sở đó sẽ sửa chữa, cập nhật, ban hành chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin của Việt Nam.

Chuẩn này cũng giúp Việt Nam liên thông với quốc tế khi đưa nhân lực công nghệ thông tin ra thị trường thế giới.

Theo Doanh Nhân/Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG