> Thâm nhập lò độ siêu xe phá rừng
> ‘Tập đoàn’ xã hội đen giữa rừng nguyên sinh
Phá rừng làm nương rẫy ở Đăk Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. |
Dọc tuyến đường vào 2 làng tái định cư Kon Won 1 và Kon Lanh Te, xã Đăk Rong, là hiện trạng những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá. Thay vào đó, rất nhiều rẫy lúa, rẫy cà phê từng ngày mọc lên san sát. Không chỉ có đất canh tác, một số hộ đã dựng nhà theo sau những khu rừng bị nương rẫy đẩy lùi.
Qua tìm hiểu được biết 2 làng này thuộc diện tái định cư nằm trong lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định). Năm 2003 khi công trình chặn dòng tích nước, huyện Kbang di dân lên đây.
Nhiều chục hécta rừng ở Đăk Rong bị triệt hạ một cách ngang nhiên, nhiều cây gỗ có đường kính 40 đến 60cm nằm la liệt và bị xẻ ra từng mảnh để lấy đất sản xuất. |
Ông Đồng Hữu Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Rong, nơi được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng Đăk Rong cho biết việc xử lý những người phá rừng ở đây rất khó, vì đa số là hộ nghèo, thiếu đất ở và đất sản xuất. Bởi Đăk Rong hiện có 79% hộ nghèo, trong đó có hơn 40% trong số họ bây giờ đang đói.
Công ty đã lập biên bản những hộ vi phạm gửi các ngành chức năng xử lý và đang đề nghị huyện Kbang khẩn trương quy hoạch đất ở cho dân để các hộ khi ra riêng có đất làm nhà ở; đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất cho dân.
Hiện tại các công trình dùng để phục vụ tái định canh cũng không thực sự phát huy hiệu quả, đời sống của người dân còn khó khăn hơn nơi ở cũ. Chủ trương là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mà thực tế bây giờ nơi ở mới không bằng nơi ở cũ.
Chị Đinh H’Yook làng Kon Lanh Te cho biết: Vợ chồng tôi vừa được cha mẹ cho ở riêng nhưng không có đất sản xuất. Năm 2012 được UBND xã xây cho nhà đại đoàn kết trên diện tích hơn 200m2 là đất tự phát trên rừng, hiện chưa có giấy tờ gì.
Ông Nguyễn Hữu Sỹ-Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rong khẳng định: Khi di dân lên đây các cơ quan chức năng đã không tính đến việc xây dựng quỹ đất dự phòng để người dân tách hộ lập vườn. Vì thế, khi con em trong làng lập gia đình, tách hộ, đất nông nghiệp không có, bốn bên đều là rừng, thiếu đất thiếu đói buộc họ phải phá rừng.
Trước đây quy hoạch đất tái định cư nhưng không quy hoạch đất dự phòng cho nên từ 2003 chuyển lên 38 hộ của làng Kon Won 1 nay đã lên tới 68 hộ, trong đó có gần 40 hộ không có đất làm nhà ở. Làng Kon Lanh Te từ 40 hộ tái định cư sau 10 năm rồi mà nay đã lên tới 69 hộ, vậy là 29 hộ giờ không có đất ở, đất sản xuất. Cho nên nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho dân rất bức bách.
Huyện, xã đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh chuyển một số diện tích đất rừng sang đất ở, đất sản xuất cho dân nhưng chưa được cấp thẩm quyền xem xét.
Khi mà hồ sơ đề nghị cấp đất mà huyện Kbang trình UBND tỉnh Gia Lai giải quyết, thì những ngày này, do bức xúc về thiếu đất ở và đất sản xuất, người dân tại 2 làng Kon Won 1 và Kon Lanh Te lại tự ý phá rừng để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Việc quy hoạch khu tái định cư không tính đến phương án lâu dài tách hộ lập vườn khiến chỉ sau một thời gian ngắn vùng quy hoạch rơi vào tình trạng thiếu đất. Không phá rừng thì thiếu đất sản xuất, thiếu đói, phá rừng thì ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường quốc gia. Đây là bài học nan giải ở Đăk Rong hiện nay.