'Sập bẫy' lừa xuất khẩu lao động

'Sập bẫy' lừa xuất khẩu lao động
TP - Hàng chục hộ dân nghèo tại các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ, An Hòa (thuộc huyện Quỳnh Lưu) và xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang rơi vào tình cảnh điêu đứng, vì bị lừa xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan.

> Làm việc ở đâu nhiều tiền?
> Sang châu Phi lao động hưởng lương “nghìn đô”

Sập bẫy

Tết đang gõ cửa, nhưng người lao động chẳng màng, bỏ cả công việc thường ngày để vào TP Vinh chầu chực mong đòi lại được số tiền đã đặt cọc.

Đối tượng bị người dân tố đã lừa họ là bà Trần Thị Đức (thuê trọ nhà tại số 58 đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh). Giúp sức cho bà Đức còn có con gái và con rể là: Nguyễn Bảo Hạnh và Nguyễn Chiêu Dương.

Bằng chiêu bài tuyển lao động đi làm việc tại Đài Loan, với mức lương khủng, bộ ba này đã lừa gạt hàng chục hộ dân với mỗi suất từ 15 - 20 triệu đồng để lo chi phí qua Đài Loan làm việc.

Thế nhưng, đã nửa năm trôi qua, sau rất nhiều lần hứa trả lại tiền, bất ngờ bà Đức bỏ trốn khỏi nơi cư trú khiến cả trăm người hoang mang. Để có tiền nộp cho mẹ con bà Đức, nhiều người đã vay “nóng”, thậm chí cầm cố, bán cả lợn, bò.

Ông Lê Văn Tĩnh (SN 1949), trú tại xóm 4, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu phản ánh: Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên muốn con trai là Lê Văn Công (SN 1977) đi XKLĐ để thoát nghèo. Tháng 5-2012, ông được giới thiệu một đường dây XKLĐ qua Đài Loan với chi phí rẻ, thủ tục đơn giản mà lại thu nhập cao nên đã đồng ý cho con xuất ngoại.

Ngày 20-5-2012, anh Công đóng 10,3 triệu đồng tiền học phí và thủ tục hồ sơ cho Nguyễn Chiêu Dương, trú ở khối 1, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Nhưng khi đóng tiền xong, anh Công liên tục nhận được thông báo có trục trặc từ phía đối tác nên chưa thể bay.

Cũng trong khoảng thời gian anh Công đưa tiền cho Dương để đi XKLĐ, 3 người cháu họ hàng với ông Tĩnh là Lê Văn Đức, Lê Văn Lực và Lê Văn Điệp cũng do tin tưởng vào đường dây này nên đã đóng tiền làm thủ tục, mỗi người từ 13-17 triệu đồng.

Dân nghèo, quanh năm bán ruộng bám biển nên để có được số tiền này, gần như tất cả đều phải thế chấp vay vốn ngân hàng.

“Hằng tháng, phải trả tiền lãi ngân hàng, chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Nếu không bay được, ít ra họ cũng trả tiền gốc để chúng tôi trả ngân hàng, chứ cứ đà này lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi vô cùng lo lắng”- Anh Lê Văn Đức nói.

Còn chị Hồ Thị Lý (SN 1987) trú tại xóm Thọ Thắng, xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu) phải bán đàn lợn, vay mượn thêm để đủ số tiền 17 triệu đồng đóng cho bà Đức để chồng xuất ngoại.

Cảnh giác

Được biết, từ ngày 28-12-2012 đến nay, hàng trăm lượt người dân ở các huyện Quỳnh Lưu (Diễn Châu) đã kéo đến túc trực cả ngày trước số nhà 58 Trần Quang Diệu (TP Vinh) là nơi thuê trọ của bà Đức để đòi lại tiền cọc nhưng không thấy bà Đức.

Theo những người này, họ có nhận được điện thoại của bà Đức, hứa đến 12-1 sẽ trả lại số tiền bà đã nhận từ họ. Tuy nhiên, khi người dân đến nơi thì bà Đức lại một lần nữa qua điện thoại xin khất.

Trung tá Nguyễn Lâm Huệ, Trưởng Công an phường Trường Thi cho biết, chiều 12-1, con gái bà Trần Thị Đức là Nguyễn Bảo Hạnh đến trụ sở Công an phường để làm việc và hứa đến 16-1 Cty XKLĐ sẽ có mặt để giải quyết rốt ráo vụ việc. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mẹ con bà bặt vô âm tín.

Hiện CA TP Vinh đã tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại trong vụ việc và đang xác minh, điều tra. Được biết, người nộp tiền cọc nhiều nhất là 19 triệu đồng, người ít nhất là 10 triệu đồng.

Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Từ vụ việc Chi nhánh Cty COSEVCO tuyển lao động đi Ăng-gô-la trái phép, người dân nên cảnh giác bởi thời gian qua, trên địa bàn có một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, tổ chức thu tiền với lời hứa sẽ đưa ra nước ngoài làm việc trong thời gian ngắn.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, người dân khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì chỉ đăng ký đi XKLĐ tại các Công ty có giấy phép tránh sập bẫy kẻ lừa đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.