Hé lộ tỷ lệ chia tiền từ tin nhắn thời tiết trên VTV
> VTV nói gì về dư luận bản tin thời tiết 'vụ lợi'?
> Bản tin thời tiết sáng của VTV lấy nguồn từ đâu?
Với mỗi tin nhắn đến tổng đài để nhận thông tin dự báo thời tiết trong ngày mất 5.000 đồng, số tiền VTV thu được từ người dân mỗi ngày lên đến nhiều triệu đồng.
Nhắn tin đến đầu số 8542, người dân bị trừ tới 5000 đồng trong tài khoản điện thoại. |
Sau sự kiện bản tin thời tiết phát trên VTV mỗi buổi sáng bị tố là “vụ lợi”, các bên liên quan đã đưa ra những thông báo chính thức.
Tuy nhiên, với việc nhận tin nhắn dự báo thời tiết vì lỡ không xem kịp chương trình, người dùng điện thoại sẽ bị trừ 5000 đồng vẫn còn gây nhiều băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nam Trung – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Truyền hình – Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom), một đơn vị trực thuộc VTV cho biết: “Với những ngày bình thường, số lượng tin nhắn ít. Tuy nhiên, vào những đợt cao điểm như nắng nóng mùa hè hay rét đậm vào mùa đông thì lượng tin nhắn gửi đến cao hơn rất nhiều. Trung bình từ 5000 – 7000 tin nhắn một ngày”.
Theo ông Trung, nếu tính ra thì số tiền thu về khá lớn nhưng chi phi phải trả cho các nhà mạng lại cao. Thông thường vào khoảng 50 – 60% tùy vào từng thỏa thuận với các nhà mạng.
Số tiền lãi còn lại sau khi trừ các chi phí, các khoản thuế sẽ được công ty chuyển hết sang cho VTV.
“Lãi đâu có được bao nhiêu, công ty chúng tôi là công ty nhà nước trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Cho nên toàn bộ lãi sau khi hạch toán chúng tôi phải chuyển về đơn vị chủ quản chứ, còn việc trên VTV họ sử dụng ra sao thì chúng tôi cũng không biết” – ông Trung cho hay.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng doanh thu của VTV vẫn rất cao nhờ nguồn thu từ các loại dịch vụ.
Theo Bộ Tài chính, năm 2011, chỉ tính riêng 4 đài truyền hình lớn đã nộp khoảng 536 tỉ đồng tiền thuế TNDN. Trong đó, dẫn đầu là VTVvới 277 tỉ đồng, Đài truyền hình TPHCM nộp 154 tỉ đồng, Đài truyền hình Vĩnh Long nộp 93 tỉ đồng và Đài truyền hình Hà Nội nộp gần 11 tỉ đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, bất chấp kinh tế khó khăn vẫn mạnh tay chi vào quảng cáo trên truyền hình. Vẫn tính đến hết 6 tháng năm 2012, doanh số quảng cáo trên truyền hình đã tăng hơn gấp đôi mức tăng của năm 2011. Năm 2011 tăng 30% so với năm trước đó.
Theo Việt Dũng
Đất Việt