Việc nạo vét mương tại phường Phước Mỹ nhiều hộ dân phản ánh làm qua loa, chưa triệt để. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Đủ kiểu ô nhiễm
Bạn đọc Th.Đ (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), gửi thư kèm theo ảnh chụp cụ thể, đề nghị PV về các tổ 13, 14, 34, 35 của phường này kiểm tra việc xử lý môi trường tại đây.
Theo bạn đọc, ngay sau khi có chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh tại kỳ họp HĐND, dù là Chủ nhật (ngày 8-7), nhưng Cty cấp thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã cho xe đào đường cùng hàng chục công nhân về “khai thông chống ngập và xử lý khu vực ô nhiễm”.
Tuy nhiên, xe này quá lớn đã phá nát đường nội bộ, băng qua các ruộng rau của dân, sau đó rút đi để lại hiện trường ngổn ngang cây cối, đất đá và rác.
Người dân ở đây cho hay: khu vực các tổ này thuộc dự án cầu Rồng – đường Nguyễn Văn Linh nối dài, chưa đền bù giải tỏa, có lẽ vậy nên người của công ty “thoải mái” cày ủi, không nghĩ đến việc dân còn tiếp tục phải sống và mưu sinh.
Sáng 26-7, về tìm hiểu thực tế tại khu vực này, PV ghi nhận thực tế đúng như người dân phản ánh. Đang giữa mùa hanh khô, nhưng từ miệng cống ngầm mé đường Nguyễn Văn Linh nối dài rỉ dòng nước đen sì, bốc mùi nồng nặc thải xuống vựa rau của dân. Con mương khô rang, nham nhở cỏ mọc, xà bần là địa điểm tập kết đủ loại rác thải.
Đoạn mương này sau cải tạo vẫn... ngập, ô nhiễm. |
“Sợ nhất là mùi nước thải do các hộ nuôi heo, và cống xả vệ sinh từ những hộ dân lân cận. Chỉ cần trận mưa, nước ứ đọng đen quánh đã mấp mé bên nhà”, chị Nguyễn Thị Bảo (28 tuổi, tổ 14), nói.
Theo ông Tân (người dân tổ 13), kỳ họp HĐND đầu tháng 7 vừa rồi, các đại biểu lại chất vấn việc này. “Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo quyết liệt giải quyết. Ngày 8-7, UBND phường và Cty cấp thoát nước và xử lý nước thải cho xe xuống đào khai thông cống thoát nước. Nhưng họ làm như có lệ, thậm chí còn khiến ô nhiễm thêm gia tăng” – ông Tân nói.
Tại hiện trường, đoạn mương được đào riêng thành 1 lối nhỏ, hai bên nham nhở, thậm chí còn vài trăm mét ở cầu tạm chưa được khơi thông. Theo ông Nguyễn Hữu Nam – Chủ tịch phường Phước Mỹ, đây là địa bàn thường xuyên bị ngập úng nên ngành chức năng mới chỉ nạo vét khơi thông đoạn mương này. Còn ô nhiễm là do người dân thiếu ý thức xả thải ra.
PV tiếp tục tìm hiểu tại địa chỉ ô nhiễm khác. Dọc kênh Phú Lộc (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), dù đã được khai thông, nạo vét, rác thải vẫn “tập kết” phía cuối đoạn kênh luôn dày đặc, dòng nước bốc mùi hôi thối.
Anh Trần Hoàng Minh, người dân sống gần đó, nói: “Ai cũng bức xúc vì rác thải, đặc biệt từ hàng quán dọc hai bên kênh thải ra, khiến việc cải tạo, nạo vét có như không. Khu vực chợ hải sản gần đó thì người buôn bán vô tư xả thẳng nước đọng ra kênh, khiến mùi hôi luôn thường trực”.
Tình trạng ô nhiễm từ những KCN vẫn là “điểm nóng” nan giải. Ngoài âu thuyền, KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang, tại các KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm… nguy cơ bùng phát ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu do đầu tư xử lý nước thải không đồng bộ.
Theo ông Mai Mã – Giám đốc Cty cấp thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng: Dự kiến cuối năm 2013, trạm xử lý nước thải mới của KCN thủy sản Thọ Quang mới hoạt động. Điều đáng lo, các doanh nghiệp thủy sản hoạt động với công suất lớn, gây quá tải. Một số doanh nghiệp lén lút, xả thải với nồng độ vượt quy định.
Chi nhánh Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh cho biết: “Trong tổng số hơn 130 DN đang hoạt động tại KCN, hiện vẫn còn 67 đơn vị chây ì, chưa ký hợp đồng đấu nối xử lý nước thải, lén lút xả thải ra môi trường”.
Gia tăng điểm ngập úng
Thống kê mới nhất của Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng: Toàn thành phố còn 83 điểm ngập úng, tăng 50 điểm so với năm 2011.
Nguyên nhân chính là do tình trạng xây dựng các dự án mới trên địa bàn khiến cốt nền đất cũ và mới “vênh” nhau. Ngoài các dự án phía Tây Bắc, nhiều dự án khu vực ven thành phố đều triển khai xây dựng khiến những “lòng hồ” liên tục mọc lên, gây khó khăn cho công tác xử lý.
“Để giải bài toán này, thành phố phải có chính sách hỗ trợ người dân nâng cốt nền mới có thể thoát ngập úng. Nếu không chỉ là giải pháp tình thế”, ông Mã nói.
Tại kỳ họp HĐND, GĐ Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng, cho hay: Việc xử lý ngập úng cần trên 310 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn của thành phố chưa thể đáp ứng nên tình trạng ngập úng khó có thể giải quyết triệt để.
Theo Cty thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, trước mắt đơn vị đã chuẩn bị 12 máy bơm, trong đó có 4 máy công suất lớn để ứng phó bơm nước ngay khi trời mưa lớn trong năm nay.