Theo một số người dân, rừng tràm trồng từ năm 1984-1985. Sau bão, người dân chứng kiến kiểm lâm và đơn vị giữ rừng khai thác gỗ ở khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu. Hằng ngày, có đến cả chục người đưa 13 chiếc máy cưa vào cưa hạ cây lấy gỗ cả ngày lẫn đêm suốt 2 tháng.
Ông Phạm Minh Trung, ấp phó khu 1, xã Bình Châu nói: Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau cơn bão số 1, có nhiều cây bị bật gốc, gãy, đổ, để tận dụng nguồn lợi cho nhà nước, chỉ được phép vào cắt, dọn những cành nhánh gãy và cưa những cây đổ. Nhưng thực tế, kiểm lâm và khu bảo tồn cho khai thác trắng.
Hàng loạt cây bị đốn hạ còn trơ gốc, có nhiều cây to đường kính gốc 50-70-80 cm bị cưa lấy gỗ làm nhiều cây rừng tái sinh khác phải gãy theo. Diện tích khai thác gỗ bị đốn hạ khoảng 35-37 ha.
Theo ông Võ Văn Sung, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, số cây bị ngã đổ, thiệt hại sau bão khoảng 700-800 cây. Người dân lợi dụng tình hình đã vào rừng hoặc đến ngay điểm tập kết gỗ lấy trộm khoảng 100 cây.
Ông Hà Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói, đến thời điểm này Khu bảo tồn vẫn không có báo cáo gửi Sở về việc thực hiện dọn dẹp, tận thu rừng.