Phá rừng trồng cây ăn trái

Phá rừng trồng cây ăn trái
TP - Sau nhiều năm được giao quản lý hàng loạt diện tích rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà (Vinafor La Ngà), trực thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor VN) đã biến một lượng lớn rừng thành vườn cây ăn trái.

> Phá rừng tự nhiên để…trồng rừng

Vắt kiệt rừng

Gần 23,5 nghìn héc ta rừng tự nhiên do Vinafor La Ngà quản lý chủ yếu hiện diện là rừng lồ ô, tre, mum…Từ nhiều năm nay, Vinafor La Ngà khai thác. Trên đường vào rừng thuộc lâm phần quản lý của Lâm trường 2 (Vinafor La Ngà) chúng tôi chứng kiến nhiều khoảng rừng lồ ô, mum, le bị chặt phá tan tác. Lồ ô, tre, mum được chất thành đống đang chờ được vận chuyển.

Ông Trần Sỹ Lục, nguyên cán bộ kỹ thuật phụ trách trồng rừng thuộc Lâm trường 4, nay là Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) phản ánh: “Rừng xác xơ hết rồi, nếu không có sự tiếp tay của một số người giữ rừng thì lâm tặc không thể phá rừng như vậy”.

Trong số diện tích rừng trồng có 196 ha được Vinafor La Ngà ký 109 hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp giao cho tư nhân quản lý theo mô hình nông lâm kết hợp từ năm 1995 trở lại đây.

Khi giao rừng trên đất là rừng gỗ tếch do nhà nước đầu tư trồng, nhưng cho đến nay, phần nhiều diện tích chỉ còn ít cây rừng, ngược lại hiện diện trên đất rừng là bạt ngàn các vườn quýt, xoài, cao su… thậm chí còn được bao bọc bằng hàng rào để xác định chủ quyền.

Vào các “vườn rừng” này vẫn còn nhiều gốc gỗ tếch đường kính 30-40cm còn sót lại sau khi người ta đã cưa lấy gỗ, nhiều thân cây chết đứng do bị đầu độc bằng hóa chất.

Rừng ở đây đang được người ta xóa sổ để dành đất cho "vườn”. Thậm chí một số diện tích đất rừng người nhận đã ngăn suối đào ao trái mục đích sử dụng.

Giao rừng không đúng thẩm quyền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích “vườn rừng” được Vinafor La Ngà giao với thời hạn 50 năm, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ở đây, việc giao đất rừng mới chỉ được Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán đồng ý, thay vì Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Hơn thế nữa, việc giao đất phải được các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cho phép. Chính vì vậy Vinafor La Ngà giao đất là vi phạm Nghị định 135/2005/CP của chính phủ..

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Vinafor La Ngà cho biết, trước đây, Vinafor La Ngà giao đất theo Nghị định 01, hiện nay chúng tôi đang thống kê lại để chuyển đổi giao đất theo Nghị định 135.

Ông Công nhìn nhận do diện tích rừng rất rộng nên không tránh khỏi việc rừng bị chặt phá. “Các trường hợp phát hiện được chúng tôi đều lập biên bản xử lý” - Ông Công nói.

Ông Công cũng tiết lộ thêm có 8 trường hợp là cán bộ kiểm lâm, cán bộ ở huyện do người nhà đứng tên được giao đất trái quy định nên đang được thu hồi lại.

Năm 2001, Vinafor được phê duyệt khai thác trên diện tích 1.300 ha rừng với sản lượng khoảng 640 ngàn cây. Tuy nhiên, vào tháng 1 vừa qua, có một số diện tích rừng bị khai thác ngoài khu vực quy định.

Công ty xác định có khoảng 2,3 ha bị khai thác sai với thiệt hại khoảng 3.000 cây lồ ô và 3.500 cây mum. Vụ việc đã được chuyển cho Hạt kiểm lâm huyện Định Quán xử lý theo thẩm quyền.

Mới đây, PGS.TS Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, đề cập các giải pháp quản lý đất rừng đã nhấn mạnh đến các bước thực hiện rà soát đất đai của lâm trường quốc doanh và giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng đất.

Ông cho rằng, vấn đề đầu tiên vẫn phải tổ chức rà soát đất đai trên cơ sở nhu cầu sử dụng rừng tối thiểu của dân để đảm bảo sinh kế. Trên cơ sở đó mới chuẩn bị phương án giao rừng cho cộng đồng và các tổ chức. Ông Quân cũng cho rằng quan trọng nhất vẫn là rà soát thực địa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
Thanh niên rửa xe gây quỹ từ thiện
TPO - Dù trời giá rét nhưng các đoàn viên thanh niên thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vẫn lập điểm rửa xe để gây quỹ, nhằm có nguồn kinh phí hỗ trợ, trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.