Vợ chồng cắm bản A Đâu

Thầy Thọ hằng ngày dạy chữ cho lũ trò nhỏ Ảnh: Nguyễn Thành
Thầy Thọ hằng ngày dạy chữ cho lũ trò nhỏ Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Quốc Thọ và cô giáo Bích Trâm - giáo viên cắm bản A Đâu (xã Dang, huyện Tây Giang - Quảng Nam). Nơi này, trẻ em khát chữ, khát nước sạch. Còn thầy cô khát gặp người dưới xuôi lên. Dù thế , họ quyết tâm ở lại.

> Thầy giáo trường làng xây chùa bạc tỷ

Thầy Thọ hằng ngày dạy chữ cho lũ trò nhỏ Ảnh: Nguyễn Thành
Thầy Thọ hằng ngày dạy chữ cho lũ trò nhỏ.                        Ảnh: Nguyễn Thành.

Mưa chiều, căn nhà vách nứa của hai vợ chồng giáo viên ấy do dân làng A Đâu dựng lên trở nên bé nhỏ giữa mưa dông, sấm sét.

Hai vợ chồng thầy Thọ cô Trâm thấy khách miền xuôi lên mừng cuống quýt, tươi cười nói chuyện. Đứa con đầu lòng của thầy cô mới 3 tuổi, thấy người lạ khóc ré lên ôm chặt vào lòng mẹ. Lâu lắm rồi hai vợ chồng thầy cô giáo trẻ mới được đón khách nói chuyện với người miền xuôi.

“Ở đây, hết thảy là người dân tộc Cơtu, thỉnh thoảng mới có cán bộ dưới xuôi lên. Mấy tháng hè vợ chồng em ở lại đây dạy kèm cho trẻ, nên lâu lắm rồi mới có người nói chuyện. Bọn em mừng lắm.

Có người dưới xuôi lên bọn em mới có dịp nói chuyện miền xuôi được đó anh ạ ! Suốt ngày, hai vợ chồng đứng lớp, về nhà cũng chỉ có hai vợ chồng nói chuyện với nhau. Người dân đây chủ yếu nói bằng ngôn ngữ bản địa, bọn em gắng lắm rồi nhưng cũng chỉ hiểu được phần nào thôi, thèm được nói chuyện với người xuôi lắm..!” - thầy Thọ tâm sự.

“Vợ chồng em lên đây đã được hơn 3 năm, vì thương học trò nên cắm bản thôi”, cô Trâm nói. Tôi hỏi về tương lai sau này nếu sẽ không có thầy cô khác lên “cắm bản” thay. Im lặng một chặp, cô Trâm khẽ thốt lên: “Cũng chưa biết tính răng đây ?…!”. Câu nói của cô giáo trẻ lạc giữa tiếng mưa rừng, khiến tất thảy chúng tôi im lặng.

Hai vợ chồng cô tốt nghiệp đại học năm 2002. Chạy vạy xin đi dạy ở miền xuôi, đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối vì “không có chỉ tiêu”. Cưới nhau, hai vợ chồng chưa dám có con vì nhà quá nghèo. Chồng đi làm phụ hồ, bốc vác, vợ xin làm công nhân nhà máy giày da, nhà máy dệt.

Năm 2007 hai vợ chồng có con, biết tin xã Dang (Tây Giang) thiếu giáo viên nên cả hai ôm đứa con nhỏ tình nguyện lên đây. Do thực tế địa phương, cùng với tình trạng học sinh bỏ học, hai vợ chồng được phân công vào thôn A Đâu cắm bản từ đó đến nay. Vừa dạy học vừa vận động các em đến trường.

Căn nhà xập xệ hai vợ chồng đang ở do bà con trong thôn dựng lên cho. Trời mưa, hai vợ chồng phải hứng nước mưa để dành cho cả nhà và học trò cùng sử dụng. “Ở đây tụi em mong trời mưa lắm. Mưa mới có nước sạch cả thầy và trò nước uống cho đỡ đau bụng. Rừng sâu nước độc, bọn trẻ ở thôn này uống nước suối nên đau bụng miết !”, thầy Thọ cho biết.

Chợt lao xao tiếng cười của trẻ con. Biết thầy cô có khách, nên học sinh của hai vợ chồng đội mưa gió kéo đến chật cửa nhà.

Gần 20 học sinh đứa nào cũng nhem nhuốc, chỉ mỗi hàm răng là trắng. Nhìn đám học trò ướt mưa đang ngơ ngác nhìn thầy cô và những người khách lạ, cô Trâm nói: “Học sinh trên này trông thế nhưng thương thầy cô lắm. Ngày lễ bọn em đều có quà của các em, khi là bó hoa rừng, ít sắn ít mì, rau rừng. Với bọn em thế là niềm vui, niềm an ủi tinh thần lớn lao !”

Tiếp câu chuyện, thầy Thọ kể: “Căn nhà này là bà con trong thôn dựng lại cho vợ chồng em sau cơn bão số 9 năm ngoái. Bão lên đến đây đã yếu nhưng cũng đủ làm nhà tốc mái”.

Sống với dân làng mãi hai vợ chồng cũng dần quen. Thôn A Đâu không điện, không sách báo, internet, ti vi, điện thoại, không bạn bè, người thân. Kiến thức về ngoại ngữ, vi tính hai vợ chồng học ở giảng đường đại học lên đây cũng bằng thừa.

Chuyện ăn uống hàng ngày của hai vợ chồng cũng do dân làng giúp đỡ, bởi đây không có chợ búa buôn bán như dưới xuôi. Gạo, sắn thì bà con cho, khi nào hết thì báo cho thôn trưởng vận động bà con quyên góp.

Thầy Thọ dẫn chúng tôi và đám học trò lên lớp học. Đó là một căn nhà nhỏ với bàn ghế đơn sơ và chiếc bảng đen. Lớp học hôm nay là lớp ghép, ngồi xoay lưng lại, lớp Ba được 2 trò, lớp Năm được 4 trò. “Ngày khai giảng vừa rồi em phải xuống xuôi mua sách vở cho các em.

Thấy các em náo nức tựu trường bọn em mừng lắm. Ở đây thiếu thốn đủ bề, học sinh yếu hơn dưới xuôi nên bọn em phải cố gắng”, thầy Thọ nói.

Rồi thầy Thọ kể chúng tôi nghe chuyện trước đây cũng có thầy giáo tên Lê từ xuôi lên đây dạy học. Nhưng rồi khó khăn thiếu thốn phải bỏ cuộc về xuôi, đi làm trái nghề. Dân làng biết chuyện buồn lắm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG