> Cần xem lại vụ nổ xe máy gây chết người ở Bắc Ninh
> Cháy nổ bất thường không ai làm rõ
Đại tá Nguyễn Đức Thắng. Ảnh: Thanh Niên |
Theo đại tá Thắng, sau hàng loạt vụ cháy nổ ô tô, xe máy, Cục Cảnh sát PCCC đã giao Trung tâm nghiên cứu khoa học về PCCC và cứu nạn cứu hộ tìm hiểu nguyên nhân để đề xuất biện pháp, khuyến cáo người dân phòng ngừa.
Ông Thắng cho biết việc điều tra gặp không ít khó khăn, do nhiều chủ phương tiện không báo đến cơ quan chức năng nên không thể xác định được nguyên nhân có yếu tố hình sự hay do sự cố. Mặt khác, đa số các vụ cháy, hiện trường đều bị xáo trộn do cứu hỏa hoặc giải tỏa nhanh chóng ách tắc giao thông nên lực lượng chuyên môn khó tiếp cận.
Xe tay ga có nguy cơ cháy, nổ cao
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu nguyên nhân các vụ cháy, đại tá Thắng cho rằng, các vụ cháy, nổ xe trong thời gian qua, nếu loại trừ tác động của bên thứ ba thì phải có các điều kiện sau: xăng bị rò rỉ ra ngoài và bị chập điện.
“Như trường hợp nổ xe ở Bắc Ninh, phải có hỗn hợp hơi xăng và không khí nằm trong giới hạn nổ, khi gặp tia lửa điện sẽ gây ra cháy và nổ. Tức là khi xăng bị rò rỉ từ bình ra ngoài không khí sẽ tạo thành một đám mây hỗn hợp nổ nằm lưu trong các khoảng trống của vỏ xe, cốp xe và chỉ cần xuất hiện tia lửa là có thể phát nổ. Tia lửa gây nổ có thể do hệ thống điện bị hở một chỗ nào đó gần với hỗn hợp nổ”, đại tá Thắng phân tích.
“Chúng ta cũng thấy rất rõ là, nếu một bình xăng đựng đầy có đốt cũng không bao giờ nổ mà chỉ cháy. Còn các bình xăng khi đổ hết xăng thì châm lửa vẫn có thể nổ. Chất gây nổ ở đây chính là hỗn hợp không khí và hơi xăng”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho rằng, với các loại xe tay ga, có bình xăng nằm trong cốp khá rộng có nhiều khoảng trống không thoát không khí và bị rò rỉ xăng thì nguy cơ cháy nổ rất cao. Đặc biệt là việc nhiều chủ phương tiện hiện nay sau khi mua xe thường lắp thêm nhiều phụ kiện khác, như còi, đèn…
Mỏi mòn chờ kết quả điều tra
Anh Nguyễn Văn Quế, chồng và cha của hai nạn nhân trong vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh hôm 1-12 cho biết, anh và gia đình rất sốt ruột vì đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
“Chiều qua, tôi đã lên gặp các anh công an thành phố nhưng họ nói Viện Khoa học hình sự chưa thông báo kết luận nên không thể làm được gì hơn”, anh Quế nói.
Trong một diễn biến khác, Cục Đăng kiểm cũng vừa có văn bản gửi Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đề nghị thông báo kết quả giám định chiếc xe Honda Super Dream phát nổ tại Bắc Ninh. Lãnh đạo Cục này cũng cho biết, đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước tăng cường kiểm tra chất lượng xe trước khi xuất xưởng và báo cáo những vấn đề phát sinh về chất lượng xe.
Đối với vụ cháy xe Honda SH xảy ra vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 12-12 tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (Hà Nội), đến hôm qua, Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình vẫn chưa chuyển hồ sơ lên Công an quận Ba Đình vì cho rằng “vẫn chưa xác minh được danh tính người điều khiển chiếc xe máy hôm đó”.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó trưởng công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, đến hôm qua, vẫn chưa nhận được thông tin gì về vụ cháy chiếc xe Mercedes E300 29M - 3345 xảy ra vào chiều 18-12 từ cấp dưới báo lên.
Một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho rằng, các vụ cháy, nổ xe nếu không có yếu tố phạm pháp hình sự và các đơn vị tiếp nhận ban đầu (phường) không báo cáo thì cơ quan công an sẽ không vào cuộc điều tra.
Cơ quan chức năng phải có trách nhiệm điều tra quy mô rộng Theo luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Hồng Hà, với các vụ cháy nổ nói chung và cháy xe máy, cơ quan chức năng phải vào cuộc chứ không cần phải có đơn khiếu nại tố cáo của người dân. “Khởi kiện là quyền của cá nhân công dân chứ không phải nghĩa vụ, nếu thấy lợi ích của mình bị xâm phạm thì cá nhân công dân có quyền sử dụng hoặc không sử dung quyền đó. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là điều tra quy mô rộng được quy định trong luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định số 35”, ông Bình cho hay. Cũng theo luật sư Bình, theo quy định tại điều 41 luật PCCC thì lực lượng công an có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ cháy. Cụ thể, cảnh sát PCCC có trách nhiệm lập hồ sơ vụ cháy, đánh giá hiệu quả chữa cháy, tham gia khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân gây ra cháy. “Cơ quan này cần sớm tiến hành một cuộc rà soát tổng thể với các hãng sản xuất, lắp ráp xe”, ông Bình nói. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về chế tạo máy có kinh nghiệm làm việc tại Đức nhiều năm cho biết, tại các nước như Mỹ hay Đức, khi xảy ra các vụ việc cháy, nổ xe, cơ quan chức năng đều phải làm rõ nguyên nhân mà không cần tới khiếu nại hay tố cáo của người dân. Sau đó, nếu lỗi do nhà sản xuất, người tiêu dùng có quyền khiếu kiện đòi bồi thường. Cũng theo chuyên gia này, nếu cần, nhà sản xuất phải điều trần về thiết kế kỹ thuật, bản vẽ chi tiết của sản phẩm có vấn đề trước cơ quan an toàn sản phẩm cũng như cơ quan an toàn giao thông. |
Theo Thái Sơn - Minh Sang
Thanh Niên