> 'Nghệ sĩ' vẫn nóng trước giờ G - Oscar
Và anh lập tức thuyết minh bằng cách chấm cho cô nốt ruồi bên mép, với nụ cười ruồi thường trực. Nghệ sĩ (Artist) thắng ba giải xứng đáng và là câu chuyện đáng ngẫm nghĩ nhất mùa Oscar năm nay.
Cảnh phim “Nghệ sĩ”. Ảnh: Allocine. |
The Artist, khác với vẻ dài dòng phức tạp của tên những người trong đoàn làm phim, có ngôn ngữ điện ảnh khúc chiết, trong sáng. Không lời, không màu sắc; âm thanh và tiết tấu đơn giản. Một bộ phim câm kể vế cái chết của phim câm, nhưng không nặng nề. Những bi kịch nhỏ (như lúc George Valentin hoảng hốt nhận ra mình mất tiếng trong mơ) được mô tả trào lộng.
Jean Dujardin, một diễn viên hài nổi tiếng ở Pháp nhưng hầu như không được biết tới trên thế giới, đã lăng xăng một cách ngộ nghĩnh khi chuông điện thoại réo mà không biết phải làm gì.
Thủ pháp điện ảnh được sử dụng vừa phải và thông minh để các tình tiết phim đủ độ hấp dẫn và kịch tính. Trong cảnh cuối phim, George tuyệt vọng chĩa súng lục vào miệng toan tự sát, tiếng nổ “Bang!” được minh họa bằng chữ viết, chứ không phải bằng nhạc và âm thanh. Khán giả thót tim trước khi thở phào biết đó chỉ là tiếng xe do Peppy lái đâm vào gốc cây.
Cô vừa vội vã tới tìm George để báo tin ông bầu Zimmer đã đồng ý để anh đồng diễn vai chính với cô trong một bộ phim nói. Màn nhảy của hai người cuối phim phô diễn tài nghệ một cách đơn giản, thuyết phục. Màn nhảy này là cầu nối giữa sự tuyệt vọng cùng cực của một diễn viên hết thời và sự trở lại ngoạn mục của anh trong một cảnh phim nói, khi anh thốt lên “tôi rất hân hạnh” bằng tiếng Anh giọng Pháp.
Một cái kết nhẹ nhõm cho một vấn đề lớn mà phim nêu ra: gánh nặng của sự lụi tàn và lãng quên trên vai người nghệ sĩ. Đây tuy là vấn đề lớn nhưng không mới. The Artist cũng có nhiều nét tương tự A star is born, được Hollywood làm ba lần vào các năm 1937, 1954 và 1976.
Truyện dài Love of Seven Dolls của nhà văn Mỹ Paul Gallico (dịch ra tiếng Việt có tựa Tình nghệ sĩ) cũng mô tả nỗi đau buồn của các nghệ sĩ khi không còn được hâm mộ, bị công chúng bỏ rơi, cùng câu chuyện lãng mạn giữa một nam diễn viên thất thế và một nữ diễn viên mới nổi.
Phim dàn dựng công phu, với nhiều cảnh quay tuyệt mỹ. Lôi cuốn từ đầu đến cuối mà không cần nhiều cảnh hoành tráng, hơi quá đà kiểu Chicago. Nhiều người bình luận: Phim không chỉ không lời và không màu, mà còn không cả sai sót nữa. Giống như lời ông bầu Zimmer trong phim, “công chúng không bao giờ sai cả”.
Song hình như nghệ sĩ nói chung, George nói riêng, tưởng rằng họ không quan tâm đến công chúng. Rằng họ chỉ quẩn quanh với những đam mê riêng trong sáng tạo. Họ cũng cho rằng niềm vinh quang của thành công hay nỗi đau của thất bại đều không liên quan gì đến công chúng. Chỉ khi bị lãng quên, họ mới nhận ra áp lực của sự nổi tiếng, và vai trò của công chúng. Sức mạnh của công chúng trong Artist có khi được mô tả bằng một đám đông hỗn độn trong ánh đèn sáng rực, hay sự im lặng nghiệt ngã của bóng đêm.
Ngoài ra, một tuyến quan hệ nữa không kém kịch tính và được thể hiện khá sắc nét trong phim: mối quan hệ giữa nghệ sĩ và ông bầu hay nhà sản xuất. Thay vì phải “nương tựa vào nhau mà sống”, hai giới này thường đụng độ nảy lửa.
Nhà sản xuất dường như có thế hơn vì có tiền và có quyền lựa chọn nghệ sĩ. Khi biết công chúng cần “fresh meat” (thịt tươi - ám chỉ những gương mặt mới), và phim câm đã hết thời vì “thiên hạ cần những bộ mặt biết nói”, bầu Zimmer tỏ ra không thương tiếc những nghệ sĩ phim câm như George, dù anh kiếm bộn cho ông.
Ở đỉnh điểm của cuộc đối đầu, George hét lên là anh không cần Zimmer, và dốc cạn gia tài tự sản xuất một bộ phim câm chết yểu. May mắn thay, bi kịch đã không xảy ra khi George trở về đúng vai trò nghệ sĩ của mình ở cuối phim. Nghệ sĩ- đó là người làm những điều người khác không thể làm được, nhưng điều đó không có nghĩa họ có thể phớt lờ công chúng và nhà sản xuất.