Nguyễn Huy Thiệp vì sao 'Vong bướm'?

Nguyễn Huy Thiệp ra mắt "Vong bướm". Ảnh: Toan Toan
Nguyễn Huy Thiệp ra mắt "Vong bướm". Ảnh: Toan Toan
TP - 'Vong bướm' xuất hiện ở các nhà sách từ rằm tháng Giêng, nhưng chiều 23-2 mới là buổi ra mắt sách chính thức, và là lần đầu Nguyễn Huy Thiệp chịu xuất hiện trong cuộc giới thiệu sách của chính mình.

> Sự tương hợp lạ kỳ

Nguyễn Huy Thiệp ra mắt
Nguyễn Huy Thiệp ra mắt "Vong bướm". Ảnh: Toan Toan.

Trong vai trò người dẫn chương trình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói đại ý, có bốn lí do khiến nhiều người có mặt tại buổi giới thiệu Vong bướm: Bất cứ tác phẩm nào của Nguyễn Huy Thiệp độc giả đều háo hức; lần đầu tiên tác giả tổ chức ra mắt sách; Vong bướm là kịch bản chèo chứ không phải truyện ngắn hay tiểu thuyết; điều cuối cùng quan trọng nhất là vì chính Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp mào đầu: “Viết văn là công việc khó, nhưng nó cũng rất bình dị. Chúng ta không nên đặt quá nhiều chức năng, điều nọ điều kia lên đôi vai còm cõi của nhà văn. Tôi nghĩ nhà văn cũng như người đánh giầy hay người may veston, họ chăm chỉ, cố gắng sống bằng công việc. Viết văn cũng như những nghề khác, không phải kiếm được rất nhiều, nhưng cứ trung thành với nó, tận tụy với nó có thể sống được ở mức cơ bản nhất. Viết văn giống như thuật dưỡng sinh, để đi hết cuộc đời trầm luân, khổ ải này”.

Cuốn sách hơn trăm trang, gồm hai kịch bản Vong bướm Truyền thuyết tìm vua. Vong bướm được viết ra từ cảm hứng về cuộc đời và tác phẩm Nguyễn Bính và nhiều nghệ sĩ khác, thông qua hình ảnh Điệp Lang. Truyền thuyết tìm vua lại viết trên cảm hứng về cuộc đời chúa Chổm, trong đó nhà văn nói nhiều đến chữ duyên, chữ thời, nhấn mạnh ý nghĩa việc tìm Đạo.

PGT.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học xem Vong bướm là trò chơi nghệ thuật đầy ngẫu hứng nhưng công phu của Nguyễn Huy Thiệp. Trong đó, tác giả có những sắp đặt về không gian, thời gian, thể loại: thơ Nguyễn Bính, Bùi Giáng, cổ thi, diễn ngôn…

Vong bướm được mở ngoặc là kịch bản chèo, nên đôi lúc cuộc giới thiệu sách có vẻ đi quá xa, khi cử tọa nói về chèo hơi nhiều. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái được mời phát biểu, nhưng cáo lỗi vì chưa đọc sách, và gợi ý để hai chuyên gia làng chèo có mặt phát biểu.

Đạo diễn chèo Trần Việt Ngữ chào đón Nguyễn Huy Thiệp với tư cách người viết kịch bản chèo, dù băn khoăn nếu dựng thành vở diễn không dễ chút nào. Có người lại muốn đánh giá Nguyễn Huy Thiệp có phải người vừa cố gắng phục hưng chèo cổ, lại vừa tiền phong trong đổi mới chèo?

Nguyễn Huy Thiệp giải tỏa: “Tôi biết có người hỏi, tại sao ông viết chèo, ông có hiểu biết gì về chèo chưa? Tôi không thể nào trả lời, vì điều đó có ý nghĩa gì với tôi đâu. Nhu cầu viết là nhu cầu nội tâm, tôi chỉ cố gắng làm tốt sản phẩm của tôi. Nó là biện pháp dưỡng sinh, là sự sống của tôi, chứ không phải tôi viết vì muốn cứu nhà hát chèo. Tôi cũng không muốn làm mất một suất ăn của một tác giả chèo. Tôi chỉ làm bằng tất cả sự lương thiện của tôi”.

Nguyễn Quang Thiều ướm hỏi Nguyễn Huy Thiệp có tiếp tục những kịch bản chèo nữa hay không, hoặc những gì khác chăng? Tác giả thay câu trả lời bằng cách cầm sách đọc đoạn trò chuyện của bốn vị Sinh, Lão, Bệnh, Tử: “Ông Sinh: Này các ông/ Năm nay tiệc rượu cùng ăn uống/ Chẳng biết năm sau thiếu mặt nào? Ông Lão: Ông ơi! Sao ông nói xa vời thế?/ Tối nay giày tất cởi ra hết/ Chẳng biết sáng ngày xỏ lại không? Ông Bệnh: Ông bạn ạ, ông nói thế cũng vẫn còn là xa vời! Thế này nhé: Hơi thở này đây vừa khỏi miệng/ Chẳng hay trở lại hoặc đi luôn?”

Nhà thơ Hồng Thanh Quang- tác giả nhiều bài phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp dài kỳ chia sẻ: “Tôi chỉ đến đây để chiêm ngưỡng anh Thiệp, anh Thiều và bạn bè mình. Nhưng với tất cả sự chân thành, tôi chỉ hỏi anh Thiệp: Liệu anh tiếp tục đùa dai như thế này đến bao giờ?”. Chỉ chờ có vậy, Nguyễn Huy Thiệp kết thúc cuộc giới thiệu sách: “Tôi nghĩ đến lúc phải kết thúc mọi sự.”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG