“Gia tài” rồng của Dương Phú Hiến

“Gia tài” rồng của Dương Phú Hiến
TP - Dương Phú Hiến nổi tiếng với “gia tài” đồ cổ đồ sộ. Trong số đó có đến 1.000 món đồ có hình rồng bay bổng. Đặc biệt, ông cất công sưu tầm khá nhiều rồng Việt Nam.
Ông Dương Phú Hiến và cặp bình Bát Tràng mà theo ông được làm khoảng thế kỷ 18, 19. Mâm đồng gò bằng tay, đường kính 50 cm được làm dưới triều Lê (ảnh nhỏ)
Ông Dương Phú Hiến và cặp bình Bát Tràng mà theo ông được làm khoảng thế kỷ 18, 19.
 

Nếu mang trưng bày “gia tài” rồng Dương Phú Hiến cần diện tích 500 m2 trở lên. Nên ông đã phải để các hiện vật rải rác từ nhà tới quê. Trong số đó, ông đặc biệt thích thú với 500 hiện vật cổ của Việt Nam (nhà sưu tập nói, chúng có niên đại rải rác qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...).

Lý do Dương Phú Hiến mê rồng Việt rất đơn giản: “Bởi tôi là người Việt Nam. Rồng Trung Quốc nhìn dữ hơn, loè loẹt hơn, thiên về tính trang trí, rồng Việt mềm mại, hiền lành nhưng vẫn uy nghi”. Ông chỉ hai con rồng đá ngự trị hai bên lối vào nhà: “Đấy, rồng Việt Nam nhìn có sướng không, mềm mại đúng hồn “sau luỹ tre làng”.

Mâm đồng gò bằng tay, đường kính 50 cm được làm dưới triều Lê
Mâm đồng gò bằng tay, đường kính 50 cm được làm dưới triều Lê.
 

Rồng Việt trông hiền bởi nó đi vào đời sống hiện thân của văn hoá Việt. “Không ở nơi đâu như ở nước mình, vua cũng xuống ruộng mùa xuân, mình rồng hạ xuống đất, thế nên rồng mình bình dị là phải”, Dương Phú Hiến giải thích.

Vốn là “dân” sử học, nhà sưu tầm khá am hiểu về rồng: “Rồng là hội tụ của nhiều con vật: đầu mang dáng dấp của sư tử thể hiện sức mạnh, cánh của chim, móng vuốt của đại bàng, mình của rắn giúp uốn lượn mềm dẻo, vây của cá, có thể bơi… Tất cả thể hiện sức mạnh tổng hợp, dưới nước, trên cạn, trên không”. Rồng trên hiện vật cổ có in dấu của giai đoạn lịch sử, ngắm rồng có thể biết sự hưng vong của thời đại.

Rồng bằng đồng thời Lê, dài 90 cm, nặng 70 kg. Ảnh trong bài: Hồng Diệu
Rồng bằng đồng thời Lê, dài 90 cm, nặng 70 kg. Ảnh trong bài: Hồng Diệu.
 

Theo Dương Phú Hiến, rồng Việt đẹp nhất ở thời Lê, tổng hoà được ưu điểm của các thời kỳ lịch sử đã qua. Rồng thời Lý mỏng mình, còn gọi là rồng giun hay được đục tượng tròn hoặc phù điêu trên đá, được chạm khắc ở đầu đao đình, chùa.

Thời Trần là giai đoạn lịch sử hưng thịnh với nhiều chiến công hiển hách nên rồng mập hơn, mạnh hơn thể hiện uy quyền. Rồng thời Lê, kết hợp cả thời Lý, thời Trần, là một đỉnh cao, trông thon thả, nuột nà, bắt mắt hơn hẳn. Ông giới thiệu hiện vật bình vôi thời đầu Lê và những con rồng vẽ trên nậm ở thời kỳ này, đều đẹp một cách viên mãn.

Người biết chơi rồng là người biết sử dụng uy lực của rồng. Trong nhà có thể cùng lúc bày nhiều đồ vật có hình rồng. Nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: Để ở những nơi sạch sẽ, đẹp đẽ, linh thiêng, tránh nơi kỵ khí, tối, ẩm thấp, xú uế…

 

Rồng được chạm khắc, vẽ trên nhiều chất liệu: gốm, đồng, ngọc… Dương Phú Hiến cho rằng thể hiện rồng trên chất liệu ngọc là thách thức lớn nhất với nghệ nhân ngày xưa. Vì chất liệu ngọc có vẻ ngoài quyến rũ nhưng lại cứng. 500 hiện vật rồng của Dương Phú Hiến phong phú về kích thước, có loại khá lớn nhưng cũng có loại nhỏ xinh. Nổi bật là rồng bằng chất liệu đồng tinh xảo nặng 70kg, đế đúc liền.

Đôi chân đèn có chữ do vợ chồng người Bát Tràng làm năm 1784 là tác phẩm mỹ mãn nhất trong mắt Dương Phú Hiến. Chum rồng đuổi, lu chè rồng ẩn mây chèn, mâm đồng song long chầu ngọc và vô số rồng trên những vật dụng bằng sứ khác.

Rồng trên hiện vật cổ được vẽ với nhiều màu: xanh, đen... Nhưng màu chủ đạo vẫn là đỏ thể hiện tâm linh, màu của ánh dương chiếu vào.

Xưa, chỉ có bậc tôn quý dòng dõi quyền uy mới được chơi rồng còn nay thì rồng hiện diện trong mọi gia đình, nhất là trong những vật dụng thờ cúng. Người biết chơi rồng là người biết sử dụng uy lực của rồng. Trong nhà có thể cùng lúc bày nhiều đồ vật có hình rồng. Nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: Để ở những nơi sạch sẽ, đẹp đẽ, linh thiêng, tránh nơi kỵ khí, tối, ẩm thấp, xú uế…

Năm rồng, nhiều “đại gia” gõ cửa muốn mua một vài vật quý của Dương Phú Hiến. Nhưng ông từ chối, vì với đồ cổ ông yêu như máu thịt: “Tôi không muốn bán đi một mảnh vỡ, chứ đừng nói một món đồ”. Nhưng ông dự định sẽ mở triển lãm về rồng trên hiện vật cổ tại 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) vào 20 tháng chạp âm lịch để mừng đón xuân Nhâm Thìn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG