Chim thiêng bí ẩn
Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An- Chùa Bái Đính có diện tích quy hoạch hơn 2.000 ha nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình, trong đó Cố đô Hoa Lư hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan và sinh thái. Nhiều lần chúng tôi được nghe người dân sinh sống tại đây nói về loài chim phượng xuất hiện tại khu vực hang động Tràng An đầy kì bí, song chưa rõ thực hư.
Khu vực Tràng An hiện có trên nghìn chiếc thuyền chuyên dụng với hàng nghìn tay chèo để chở du khách đi thăm khu hang động. Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về loài chim phượng, người dân nơi đây không khỏi phật lòng, bởi họ coi loài chim này như một biểu tượng tâm linh, gọi đầy kính trọng: “cụ phượng”.
Hầu hết mọi người đều khẳng định là chưa từng nhìn thấy “cụ” mà chỉ nghe người này kể qua người khác như chuyện cổ tích thảng hoặc họ được nghe tiếng cụ lúc gần, lúc xa giữa thâm sơn cùng cốc. Chị Trần Thị Liên, vừa chèo thuyền vừa kể cho chúng tôi như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: Cách đây hơn 1.000 năm, “cụ phượng” thường xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của đất nước. Khu vực Tràng An với núi non hiểm trở cũng là nơi trú ngụ của nhà binh, vua, quan lúc bấy giờ. Mỗi lần nhà vua đến đây, “cụ phượng” lại sải cánh bay ra chào đón và dẫn đường với tiếng kêu sang sảng. Khi giặc đến, “cụ” lại trở thành một thiên sứ, báo trước cho nhà vua điềm lành điềm dữ để chuẩn bị phòng thủ chống lại giặc ngoại xâm và dẫn đường cho nhà vua vào trong những hang động bí ẩn trú ngụ.
Hỏi những người chèo thuyền nhưng không ai rõ tung tích “cụ”, chúng tôi quay sang hỏi đội thợ chụp ảnh. Từ khi khu vực hang động Tràng An được đánh thức, nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục thợ ảnh. Các tay máy, có người đã rong ruổi suốt các hang động 6-7 năm trời, tuy nhiên không ai chụp được bức ảnh nào về chim phượng Tràng An.
Chị Trần Thị Thu Thủy, một người đã 5 năm chèo thuyền chở khách ở Tràng An nói, thường vào buổi sáng những ngày trời quang mây tạnh, tôi nghe tiếng chim phượng lanh lảnh gọi nhau, nhưng chưa lần nào được tận mắt ngắm dung nhan của Cụ. Các cụ thường kể cho tôi nghe về câu chuyện, từ bé Đinh Bộ Lĩnh (vua Đinh) đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu, lấy bông lau làm cờ bày binh bố trận. Trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xuất hiện một đôi chim phượng luôn kề cận như những vệ sỹ dẫn đường và báo tin cho nhà vua khi chinh chiến. Từ khi nhà vua băng hà, đôi chim phượng tìm đến trú ngụ trong khu vực hang động Tràng An, nơi mai táng thi thể vua Đinh cho tới ngày nay.
Ông Trịnh Xuân Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho biết: Tràng An có hệ sinh thái trên cạn với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái dưới nước có khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là rùa cổ sọc. Duy có chim phượng thì đã được người dân nơi đây tôn vinh như con vật linh thiêng, gọi bằng “cụ”. Trước đây nghe người dân địa phương nói nhiều về loài chim này, song tôi chỉ nghĩ người ta nói đùa cho vui. Là Giám đốc Sở nên nhiều lần tôi đã đưa khách vào tham quan khu vực hang động Tràng An, nhưng duy chỉ một lần gặp được. Lần đó, chúng tôi đi hết quần thể hang động, đình, đền mất gần 5 giờ đồng hồ, khi đang lênh đênh trên “Hạ Long” thì nhìn thấy loài chim này. Nhiều người bảo đến Tràng An chỉ cần nghe thấy tiếng “cụ” kêu đã là may lắm rồi, nói gì tới chuyện trông thấy.
Anh Trần Trùng Dương, Hải Châu (Đà Nẵng) về Tràng An nghe người dân nói về chim phượng thì tò mò thuê khách sạn ở lại Ninh Bình cả tháng trời, muốn được tận mắt xem loài chim bí ẩn này linh thiêng ra sao. Sáng nào anh Dương cũng rong ruổi trên chiếc thuyền đi hết hang này đến hang khác nhưng thất vọng phải về không. Khi hay tin phóng viên Tiền Phong có những bức ảnh và cả đoạn clip về cụ Phượng, hàng trăm chủ thuyền và hướng dẫn viên du lịch chen nhau xin ngắm cụ. Họ coi việc săn được ảnh cụ là diễm phúc lớn, khó gặp trong đời.
Sự tích cây thị quả tròn quả vuông
Không chỉ có loài chim thiêng, mảnh đất Tràng An còn là nơi có nhiều điều lạ khác như cây thị 1.000 năm tuổi, quả tròn quả vuông. Trải 1.000 năm thăng trầm lịch sử, cây thị già đã bị phong ba bão táp quật ngã, nhưng cái gốc sần sùi vẫn còn đó, thể hiện sức sống mãnh liệt của đại lão mộc chốn này. Dây trong vùng cho biết cây thị hiện tại có độ tuổi khoảng hơn 100 năm, là một nhánh của cây thị cũ. Thị thường chín rộ vào khoảng trung tuần tháng 8, đúng vào dịp giỗ vua Đinh. Điều lạ lùng là cây thị cho rất nhiều quả, một nửa là quả tròn, một nửa là quả vuông. Quả tròn và quả vuông xen kẽ nhau.
Cây thị quả tròn quả vuông. |
“Bên cạnh gốc cây thị là Phủ Khống, nơi thờ 7 vị quan trung thần triều đình gắn với lịch sử. Khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đã tự tay khâm liệm vua Đinh, chuyển qua cửa cung 100 chiếc quan tài bằng đồng để chôn cất theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi an táng vua xong, 7 vị quan đã chung nhau chén rượu độc tuẫn tiết mang theo bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành Nam có tước hiệu là Đinh Công Tiết Chế vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của các bậc trung thần, liền lập đền thờ cúng và trồng một cây thị bên cạnh. Sau khi Đinh Công Tiết Chế mất, nhân dân trong vùng đã lập ngôi Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thành. 7 vị quan thời bấy giờ đặt 100 chiếc quan tài, nhưng chỉ có 1 chiếc có thi thể, 99 chiếc còn lại để không.
Tất cả các pho tượng nơi đây đều được đúc bằng đồng và dát vàng. Khi đến chùa báo Hiếu, các tín đồ Phật tử đều thắp hương cầu cho quốc thái dân an, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Những ngày lễ, Tết, nghe tiếng chim phượng lanh lảnh bên chùa, người dân địa phương lại nghiêng mình kính cẩn, cảm nhận sự linh thiêng từ đất trời…
Tràng An nhiều hang động bí ẩn. |
Ngủ rừng chờ chim phượng Từ tháng 2-2011, cứ vào những ngày cuối tuần là nhóm phóng viên chúng tôi lên đường về Tràng An để “săn” chim phượng. Từ Hà Nội về tới Tràng An khoảng 100 km. Ròng rã gần mấy tháng trời, hầu hết các ngày thứ 7 và chủ nhật chúng tôi dành để về Tràng An “săn” loài chim này. Từ bến thuyền đến các hang động, quãng đường chỉ khoảng 20 km, nhưng vì đi bằng thuyền, nên để đi hết cung đường, chúng tôi phải mất gần 4 giờ đồng hồ, tức gấp đôi so với đi từ Hà Nội về Tràng An. Hành trang là máy ảnh, máy quay, cơm nắm, muối vừng, bánh mì. Có ngày đã cuối giờ chiều song vì nghe thấy tiếng kêu của loài chim này ở cuối vách núi, chúng tôi quyết nằm lại rừng chờ đợi, lúc này thức ăn chuẩn bị cho một ngày đã hết đành phải nhịn đói qua đêm, sáng hôm sau phải nhờ người dân mua bánh mì cứu viện. Nhiều người trong nhóm thất vọng đã bỏ cuộc, chỉ còn lại một hai người, chúng tôi vẫn quyết tâm tìm kiếm và công sức chúng tôi bỏ ra cũng được đền đáp. Vào trung tuần tháng 8-2011, sau gần một ngày chờ đợi, đến khoảng 17 giờ, chúng tôi ghi lại được hình ảnh chim phượng tại khu vực Đền Trần nằm trong quần thể hang động Tràng An. |