Nằm trong dòng chảy Đổi mới Văn học kể từ 1986, tiếp tục là thời kỳ Mở cửa, hội nhập từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, nhiều tác phẩm, tác giả viết tiếng Việt đã lần lượt xuất hiện, tạo được dấu ấn trên văn đàn.
Đầu những năm 2000, Văn học Mạng xuất hiện mạnh mẽ, mở ra những không gian mới, cách viết, cách tiếp cận mới... và Đặng Thân, với Ma Net (NXB Văn học, 2008) đã góp mặt, và trở thành một gương mặt khá nổi bật hiện nay.
Với 666 trang, tác phẩm mang cái tên lạ 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] thực sự là một bước đi tiếp trong sáng tạo, một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đặng Thân, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống đang diễn ra với nhiều mặt, đa chiều, phức tạp, nhiều tầng nấc đan xen, chằng chịt, với tốc độ chóng mặt, mà nhiều nhà văn đã chững lại, thậm chí rất khó khăn để tiếp tục sáng tạo... đã thêm khẳng định bản lĩnh, tâm huyết và đặc biệt là gương mặt, giọng điệu văn học thời kỳ mới, nổi bật trên văn đàn của anh.
Đặng Thân tâm sự: “Tôi đã ngồi viết câu chuyện này liên tục hàng ngày, đêm nào cũng thức đến khoảng 4-5-6 giờ sáng, có hôm thông đến 9-10-11 giờ luôn, trong hơn 7 tháng, kể cả ngày khởi đầu cho đến lúc hoàn thành thì thời gian là... hơn 30 tháng.”
Lời này, anh giãi bày ở cuối bản thảo, thực sự khiến ta cảm kích, và thêm trân trọng lao động sáng tạo của nhà văn.
3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] - đã đưa đến cách biểu đạt mới (lối viết mới), lối viết đa tuyến tính, xuyên suốt cùng một lúc 5 “kênh” phát sóng: 1- Ông Bà/A Bồng, 2- Schditt von deBalle-Kant, 3- Tác giả, 4- Mộng Hường (nhân vật nữ), 5- Lời bàn [phím…] của các Netizen.
Với 5 kênh đưa lại cho người đọc những thông tin phong phú đến ngồn ngộn, buộc người tiếp cận phải thay đổi cách đọc, và luôn phải giữ được sự liền mạch của từng mối dây, từng kênh phát ra, từ đó hiểu được từng “câu chuyện nhỏ”, trong một “câu chuyện lớn”:
1- Ông Bà/A Bồng: tiếng nói của thế giới có tính siêu nhiên, đóng vai trò “contrebass” trong “dàn nhạc”.
2- Schditt: một trí thức, doanh nhân người Đức, có một tiểu sử, phả hệ khá ly kỳ. Schditt và người mẹ rất yêu đất nước, con người Việt Nam, có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho Việt Nam và được ghi nhận (đặc biệt người mẹ có đóng góp về Việt ngữ). Schditt yêu và luôn trăn trở, suy nghĩ về quá khứ - hiện tại - tương lai, về nơi mà mình gắn bó... là nhân vật chính của câu chuyện.
3- Mộng Hường: nhân vật nữ, cô gái quê, từ chỗ còn vụng về, trần tục, “thô ráp”... dần dần trưởng thành, chịu học tập, tuy không đẹp, nhưng có những nét duyên trời cho, hấp dẫn, nét lôi cuốn của thôn nữ Việt, cô đã thực sự bước vào những “cuộc chơi” đầy thử thách, và vượt qua những nghiệt ngã của cuộc sống thời hội nhập, và một cái kết tốt đẹp đã đến với cuộc đời cô.
4- Bàn phím: một dạng nhân vật ảo (mạng), góp phần làm “mềm” và sinh động cho câu chuyện, với vô số giọng điệu của thế giới mạng.
5- Tác giả: vừa là nhân vật (theo nghĩa đen, ngôi thứ nhất, nhà văn Đặng Thân), nhưng vừa có “trách nhiệm” kết nối tất cả các kênh “phát sóng” vào một giường mối.
3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] gồm 60 chương, độ dày 666 trang, đã mang đến một bức tranh liên hoàn, đan xen nhiều màu sắc. Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử - văn hóa - truyền thống - hiện đại - nhân loại…) chứa đựng nhiều câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới...).
Có thể nói công phu thể hiện 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là đáng trân trọng, cần ghi nhận. Tác giả đã nỗ lực “vừa thiết kế vừa thi công”, do đó mang được không ít hơi hướng, chất liệu cuộc sống của thời kỳ hội nhập, ta như thấy “nhà mới làm xong còn tanh mùi vôi vữa”.
Đặc biệt có những trang tưởng chừng tác giả “bỏ sáng tác” mà “lao vào nghiên cứu”, nhưng chính lại là những trang viết hết sức bất ngờ, những trang văn đẹp, đầy sức thuyết phục.
Có vậy, chúng ta mới có những bức tiểu họa lấp lánh về Quận chúa Lê Chân, nữ anh hùng của Hải Phòng; của nhà soạn nhạc vĩ đại Mahler; của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm... và kể cả những chân dung đầy tính giễu nhại dành cho kẻ “sáng tạo“ ra những cách giết người ghê lạnh Hitler, những bản năng thú tính của thằng Bớp, thói biển lận của Dương Đại Nghiệp...
Gập cuốn sách lại, hình ảnh những người phụ nữ lại hiện ra: những Tâm Chân, Mộng Hường, mẹ của Schditt… Họ có thể khác nhau về xuất thân, về tri thức, văn hóa, về giống nòi, nhưng họ thật đời, họ chính là những người đang từng ngày lo lắng, gánh vác cho những người khác, cho cuộc đời này.
Cuộc đời họ càng “không xuôi chèo mát mái” thì càng để lại trong chúng ta nhiều dư cảm, trở trăn. Lời văn xuất thần của tác giả: sống làm sao để những người như họ được vui cười, được thực sự thụ hưởng cuộc sống này. Đây phải chăng là ý nghĩa Nhân văn lớn lao của tác phẩm.
Hà Nội, 2011, nhân dịp 3339 ra mắt