Lĩnh ấn đền trần không cần chen lấn

Các vị cao niên phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, thực hiện nghi thức khai ấn. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Các vị cao niên phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, thực hiện nghi thức khai ấn. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
TP - Là cam kết của tỉnh Nam Định về lễ khai ấn, phát ấn đền Trần năm 2012 tại Hội nghị trực tuyến sáng qua do Bộ VHTT&DL tổ chức.

> Dự kiến phát ấn Đền Trần đến hết tháng Giêng
> Sẽ phát ấn đền Trần theo cách mới

Lĩnh ấn đền trần không cần chen lấn ảnh 1
Cảnh này liệu có chấm dứt với kịch bản phát ấn mới? Ảnh: Gia Bảo.

Khai ấn trước, phát ấn sau

Lễ khai ấn, phát ấn đền Trần vẫn được nhắc đến như điểm nóng, nhiều bức xúc trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Hội nghị Tổng kết Công tác Quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011, một năm sau thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Lý do: quy mô tổ chức ngày càng phình to, cầu kỳ hơn, trong khi cơ sở vật chất, dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hàng mấy vạn người tập trung trong khu vực phát ấn 1.000 m2 trong hơn 1 tiếng đồng hồ, gây chen chúc và ách tắc cục bộ.

Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam được Bộ trưởng giao xây dựng mô hình khai ấn, phát ấn, tổ chức lấy ý kiến địa phương và giới truyền thông. TS. Lương Hồng Quang - Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Văn hóa, Viện VHNT thông báo, Viện tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định kịch bản mới cho lễ khai ấn, phát ấn đền Trần 2012, gồm cả phương án đảm bảo phát ấn rộng cho nhân dân, giảm ách tắc giao thông.

Lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng diễn ra theo nghi thức truyền thống, do các cụ cao niên, ban quản lý di tích thực hiện, nhằm trả lại lễ hội cho cộng đồng. Đặc biệt, ấn không phát ngay trong đêm. Để tránh sự tham dự nhiều của quan chức, sáng 14, tỉnh Nam Định tổ chức lễ dâng hương, quy mô như nghi lễ trong ngày giỗ Quốc công Trần Quốc Tuấn (20-8 ÂL). Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định nói thêm, ngoài hoạt động phát ấn, địa phương tổ chức chương trình văn nghệ tại các điểm tập trung đông dân, vừa làm lễ hội phong phú, vừa giãn mật độ người trẩy hội.

Ấn được phát không hạn chế từ 8h sáng 15 tháng Giêng, dự kiến đến hết tháng. Điều hành Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái kết luận, Nam Định có thể tham khảo ý kiến phát ấn kéo dài trong suốt năm. Phương án Viện VHNT đưa ra: Bố trí nhận ấn và công đức ở các nơi khác nhau, thời điểm khác nhau, tránh tình trạng mua bán ấn vừa gây ách tắc, vừa phản cảm.

Giải thiêng giá trị ảo

“Chúng ta phải có chiến dịch truyền thông cho người dân nhận ra giá trị thực của ấn là gì. Thời gian vừa qua, lá ấn được phát cho người dân với ý nghĩa thăng quan tiến chức. Bây giờ qua nghiên cứu nhiều tài liệu khác nhau, chúng tôi khẳng định lá ấn không có giá trị như vậy. Giá trị lá ấn theo tục lệ, mang tính chất như cầu an”, TS. Lương Hồng Quang nói. Không dừng lại ở tuyên truyền, các nhà quản lý tính đến xuất bản cẩm nang, sách hướng dẫn xung quanh hội đền Trần, phát ấn. Trong quá trình xây dựng phương án cho lễ phát ấn, Viện VHNT mời cả PGS.TS. Nguyễn Công Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chuyên gia trong nghiên cứu ấn chương xuống đền Trần đánh giá lại ý nghĩa thực sự lá ấn.

Trước khi Viện VHNT Việt Nam công bố kịch bản lễ hội đền Trần, nhiều người từng bày cho tỉnh Nam Định hình thức phát ấn vừa nhàn thân, lại thuận cho dân- bán ấn qua mạng. Ngay trong hội nghị tổng kết, đại diện Viện VHNT đề xuất nên coi lá ấn như quà lưu niệm: Ấn có thể được in trên nhiều chất liệu với nhiều hình thức. Đây biết đâu lại là cách hay để quảng bá du lịch.

Đồ mã cấm đốt nhưng khó xử phạt

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL phát biểu: “Khó khăn hiện nay là phát hiện ra đốt đồ mã nhưng không xử lý được, do không có chế tài. Sản xuất, vận chuyển đồ mã, đưa đồ mã vào sắp xếp rồi lễ trong đền, chùa gặp khi chưa đốt thì không xử được, còn khi bắt gặp đốt cũng không phạt ai được, vì họ thuê mấy cháu bé đốt”.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng, tuy nhiên đồ mã vẫn nằm trong danh mục ngành nghề sản xuất, các đoàn thanh tra từ Bộ tới Sở, địa phương không có chế tài xử phạt. Đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL đề xuất nên cấm luôn sản xuất, vận chuyển đồ mã.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thận trọng hơn, vì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa thống nhất trong phân biệt tính tín ngưỡng tôn giáo với mê tín dị đoan, trong hình thức đốt đồ mã.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.