Bùi Chí Vinh đọc thơ ra… bia

Bùi Chí Vinh đọc thơ ra… bia
TP - Thời ấy đã mấy chục năm rồi, chúng tôi hồn nhiên trong đói nghèo. Để có được một bữa nhậu cho ra trò thì Vinh phải đọc thơ “rã họng” - từ của Vinh thường xài.

Trương Đình Quế - Lão Ngoan Đồng không tuổi
> Chúng tôi luôn có những người dấn thân

Tôi nhớ đến những tiếng ồn mà chúng tôi đã tạo nên trong quán xá, mà ngày ấy thảm lắm giữa Sài Gòn mênh mông. Chúng tôi phải tồn tại, chúng tôi phải sống, nhưng sống như thế nào đây khi mà thằng nào cũng nghèo xơ nghèo xác?

Nhiều lần chúng tôi ngồi bàn với nhau… đi cướp ngân hàng, bàn rôm rả làm cho mấy ông công an ngồi bàn kế bên phải cảnh giác vì nghe bàn thảo kế hoạch tinh vi quá. Họ bèn bí mật kiểm tra, qua một tay nhà báo ở báo Công An TPHCM, anh này cười phá: “Trời đất ơi, mấy thằng nhà thơ nó bàn chuyện mơ mộng tưởng tượng mà ông cũng tin, tụi nó còn bàn chuyện buôn lậu súng đạn qua Trung Đông kia”.

Bàn nhậu của chúng tôi lúc nào cũng vui như tết, chuyện trên trời dưới đất, chuyện chiến tranh, chuyện ái tình, chuyện chính trị. Chúng tôi xuất hiện ở đâu là nơi ấy có tiếng thi ca âm nhạc, làm cho những kẻ giàu có phải ghen tị, đơn giản vì họ buồn hiu không biết nói gì.

Họ có biết đâu chúng tôi đang đói meo râu, và một trong những phương pháp chống lại cho những tháng ngày đói khổ ấy là “vịn Thơ và đứng dậy” (thơ Phùng Quán). Bùi Chí Vinh là một ví dụ cụ thể nhất, như câu thơ của y “Cuộc đời là một cuộc rong chơi lớn/ Thơ rượt theo cũng đủ mỏi giò...”.

Đọc thơ kiếm bia nhậu chơi là sở trường của Vinh trong những tháng ngày ấy. Mỗi sáng thức dậy mỗi thằng một xe đạp, chúng tôi rong ruổi khắp nơi, và điểm dừng cuối là quán 81 Trần Quốc Thảo (ngay trụ sở Hội Văn nghệ TP).

Ngày ấy đây là nơi anh em văn nghệ cũ mới tụ tập, và trong tiếng ly tách chạm nhau chan chát, tiếng gào thét, người ta có thể nghe được tiếng đọc thơ trầm hùng của Trần Mạnh Hảo, tiếng hát lẳng lơ của Lã Văn Cường và tất nhiên không thể nào thiếu giọng đọc thơ của Bùi Chí Vinh. Nơi đây có một cái luật rất lạ là ai muốn đọc thơ phải nộp 5 chai bia mới được duyệt. Vậy mà có nhiều người tốn cả thùng. Nhiều gã không có bia hoặc có bia cũng chưa được cho lên “sóng 81”, buồn quá bèn về bàn mình và tự ngâm tự sướng.

Thời ấy bàn chúng tôi thường có Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quốc Chánh, tôi và một hai bằng hữu khác... Có lần chúng tôi được một bạn văn giàu có chiêu đãi, sau khi ăn uống linh đình, đến màn Vinh đọc thơ, y đọc thơ của mình hay đến nỗi tay bạn phải tháo ngay chiếc nhẫn đang đeo và cung kính tặng cho y (Đó là Nguyễn Tiến Toàn – một trong những Mạnh Thường Quân của chúng tôi).

Nghe Vinh kể lại hình như chiếc nhẫn cũng được một chỉ. Vinh phóng xe ra tiệm vàng bán đi và “nhím” lại một nửa đi nhậu với anh em, còn một nửa về đưa cho vợ...

Đi chơi với Vinh chúng tôi thường hay nhường phần biểu diễn thơ cho y, vì tôi đọc dở ẹc chỉ có hắn đọc mới “phê”, giọng Nam Bộ của Vinh rất độc không lẫn vào đâu được với những bài thơ tình thông minh lém lỉnh kiểu “Ôi đêm lạ đời anh như giấy bạc/ em hãy xài cho anh chết mau đi!” nên y thường chinh phục được đám đông em út và bạn bè trên bàn nhậu.

Thời ấy đã mấy chục năm rồi, chúng tôi hồn nhiên trong đói nghèo. Để có được một bữa nhậu cho ra trò thì Vinh phải đọc thơ “rã họng” - từ của Vinh thường xài. Nhiều lần y than “Một mình tao đọc hoài mệt quá, hai đứa tụi bây đọc phụ tao với”.

Nghe y nói, tôi và Chánh cũng cám cảnh cố gắng tự mỗi thằng học thuộc lòng một vài bài thơ và mỗi khi có “độ” chúng tôi cũng xông xáo lên đọc nhưng hiệu qủa thì không thể bằng Vinh được. Thơ của Chánh thường là thơ thời cuộc nên mỗi lần Chánh đọc là người ta “sợ” và không ai hiểu hết, tôi thì cũng có mấy bài “bánh kẹo” lai rai thơ mộng như Vinh.

Đọc cũng được nhưng đọc đi đọc lại hoài tôi quá chán cho chính mình, nên cuối cùng thì Vinh vẫn là thằng độc diễn chịu trận. Chúng tôi luôn động viên tinh thần cho hắn đọc vì chỉ có Vinh mới kiếm được “nhuận bút” của nhân dân.

Chuyện lạ là nếu không có tôi hay Chánh đi cùng để cổ súy đọc thơ thì Vinh rất chán và buồn hiu bỏ cuộc. Nên mỗi lần ai gọi thì hắn lại hú chúng tôi. Và chúng tôi chơi thân với nhau như một băng tam tấu. Cho đến tận ngày hôm nay vẫn vậy dù ít gặp nhau - mỗi người đi mỗi con đường nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ quên nhau.

Có lần cả bọn cùng nhà thơ Thu Bồn rủ nhau lang thang chơi tận Phú Nhuận, đang nhậu ngon lành bỗng dưng một đám đầu gấu ở đâu xuất hiện đòi tiền mãi lộ nếu không có chúng sẽ xin tí huyết. Ba thằng đang hốt không biết làm sao thì Thu Bồn từ trong toilet đi ra.

Tướng Thu Bồn cao to như một con gấu và chỉ trong vài thế võ của đặc công, Bồn nhà ta đã cho bốn thằng du côn văng bốn phía đo ván. Trong cơn hỗn loạn không thấy Vinh đâu, khi ngước nhìn lên tôi thấy Vinh đang đi trên xà nhà như một con vượn. Khi Thu Bồn kêu “xong rồi, xuống đi mầy ở hoài trên đó làm gì”, Vinh trả lời tỉnh queo “Tui ở trên nầy bảo vệ anh” (?!?). Chuyến đó chúng tôi vừa sợ vừa cười không ra hơi...

Nhờ thơ mà chúng tôi thân thương nhau, đôi khi tôi và Vinh cũng có chuyện này chuyện kia nhưng y với tôi vẫn là người bạn tốt. Bên trong cái vẻ bặm trợn buồn thảm ấy, tôi vẫn thấy bạn mình đúng là một Thi Sĩ. Vinh dùng Thơ như một thứ vũ khí để giữ lòng tự trọng - để nhờ nó làm những việc khác mưu sinh nuôi vợ nuôi con.

Ba lần vào làm nhà nước rồi ba lần dứt áo ra đi, dù biết làm như vậy sẽ đói thê lương nhưng y vẫn chọn. Y nói “Bọn mình là những thằng chơi solo, chơi một mình không dính dáng gì hết”. Hắn cười hi hi, nói: “Một mình tao đủ làm thành một nhóm một hội rồi, cần quái gì”.

Bùi Chí Vinh và Xuân Sách. Ảnh: M.P.K
Bùi Chí Vinh và Xuân Sách. Ảnh: M.P.K.

Có vẻ đầu gấu bạt mạng như vậy nhưng ít ai biết rằng lí lịch của Vinh đỏ rực thành tích đầy mình, y từng nằm trong ban sinh viên học sinh tranh đấu của Thành Đoàn, có tên trong “Tiếng hát những người đi tới”, đã từng đi bộ đội. Nhưng đôi khi y lại nổ là “biệt động quân” trong chế độ cũ - nên bạn bè thường hay nói yêu rằng “thằng Vinh sáng biệt động quân, chiều biệt động thành”. Cũng ít người biết y từng là sáng lập viên nằm trong ban biên tập của một tờ báo dành cho tuổi trẻ. Nhiều vị chức sắc Vinh cũng biết cũng thân, vậy mà Vinh đã bỏ hết, rồi từng đạp xích lô làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Có vẻ đến thời mà ai cũng muốn có một chỗ làm êm ấm để kiếm cơm kiếm danh, ai cũng “hình tướng” nhưng Vinh thì không - không hội không hè và cũng chẳng đoái hoài gì đến nó. Không làm ở báo nào, nhưng Vinh lại được nhiều báo chí săn đón, có thời y xuất hiện cấp tập từ nam chí bắc như một ngôi sao, lúc tắt lịm không thấy báo nào đăng bài vì những phát ngôn gây sốc đụng chạm trong thơ văn.

Nhưng mọi thứ đối với Vinh có vẻ đều vô nghĩa, vì không thể để vợ con đói được, Vinh đã phải viết cật lực, từ bóng đá, phim ảnh đến kịch bản, truyện ngắn, truyện dài, truyện người lớn, truyện thiếu nhi, cái gì bằng chữ có thể bán được thì bán tất. Vinh viết nhiều đến nỗi không biết gọi Vinh bằng tước danh gì cho xứng vì món nào bàn nào cũng có y trong đó.

Bây giờ anh em thấy Vinh đi xe máy xịn, chơi toàn đồ hiệu uống toàn rượu vang, nhà cửa đàng hoàng ăn ngủ làm việc điều độ, đi chơi đâu xa cũng phải về đúng giờ, hỏi sao ngoan ngoãn vậy Vinh bảo "tao thương Lan vợ tao, một phần cũng phải kiêng cữ để chống bệnh tiểu đường nữa”.

Anh em hiểu và thương mừng cho bạn mình khi bạn có một gia đình với một người vợ thủy chung - nhưng có một điều, ít ai biết là Vinh làm những việc ngoài thơ như vậy thì cũng chỉ để cho tâm hồn mình trong sạch, để Vinh vẫn sống chết với thơ vì hắn biết sẽ không bao giờ có thể thoát được thơ, dù bây giờ Vinh không còn sung sức mới lạ như ngày xưa nữa thì thơ vẫn rượt theo Vinh và với những bài thơ đã rất xưa kia Vinh cũng đã đủ làm nên một tên tuổi cho chính mình.

Bùi Chí Vinh vẫn là một con chim trong tốp đầu đàn của thế hệ văn chương TNXP Sài Gòn sau giải phóng cho đến tận bây giờ. Và dù cho y thường rất bận, nhưng mỗi khi có độ gì Vinh lại alo “mầy đang ở đâu, đến chổ nầy đi vui lắm, tao chờ mầy nhen. Ok!”.

Chống du côn bằng… răng giả

Tôi nhớ cái hàm răng sún khi Vinh cười, sau Vinh tậu được một hàm răng giả, lúc này trông y đẹp trai và ngầu hơn.

Nhìn Vinh như một tên đầu gấu nhiều hơn là một thi sĩ, tướng tá bặm trợn, quần jean lửng, áo pull, đầu trọc lóc, ngực phanh ra đeo Thánh giá lủng lẳng và lúc nào cũng đeo kính đen.

Trong quán xá và ngoài đường lúc nào Vinh cũng nổi bật với cách ăn mặc sặc màu diễn viên anh chị. Vinh nói không có hàm răng giả tao “tiêu” từ lâu rồi. Bởi có lần một nhóm khác nhìn chúng tôi nhậu vui quá chúng ghét và đến bàn sinh sự, chúng không gây Vinh mà gây với tôi.

Vinh nhìn tôi khều chân bảo đừng nói gì cố gắng nhịn cho qua, nhưng đám này dữ quá được thể làm tới, bỗng xoảng - trên tay Vinh một cái chai vỡ lởm chởm, Vinh chậm rãi nhìn vào mặt từng thằng một nói “Tụi bây đừng đụng tới những thằng thi sĩ như bọn tao, bọn tao đang rất buồn đang muốn ngồi yên và nhậu cho qua ngày làm ơn đừng đụng vào bạn tao.

Tao là Bùi Chí Vinh đây biết không?” - một thằng trong bọn kia cất tiếng: “Đ. biết, nếu không thì sao?” - “Thì nhìn đây, coi cái đầu mầy có cứng bằng không”, Vinh gầm lên, tôi tưởng y sẽ ra tay sát thủ như Thu Bồn nhưng không, Vinh đưa cái chai bể lởm chởm cho vào mồm cắn từng miếng một và nhai rôm rốp như nhai bánh tráng, hắn nhai và nuốt từng miếng một trước những đôi mắt kinh hãi của tôi và bọn gây hấn.

Kết quả bọn kia chạy dài không bao giờ dám gây với chúng tôi nữa. Vinh là vậy đó, khi đã quý ai chơi với ai là Vinh chơi hết mình. Bề ngoài thì Vinh cũng có rất nhiều bạn nhưng không phải. Với Vinh - bạn Thơ Vinh mới chơi - còn với người khác thì “chúng mày có nể thơ Bùi Chí Vinh hay không thôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.