> Đàm Vĩnh Hưng tự hào hai tiếng 'miền Trung'
Tiến Chỉnh (thứ hai từ phải qua) trong đêm “Vui” tại TPHCM. |
Nguyễn Tiến Chỉnh nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Ông kể: “Tôi sinh năm 1946 tại Lạng Sơn, sống ở Sài Gòn từ nhỏ. Tôi thích guitar bass nhưng ngày đó ở Việt Nam chưa có ai chơi và dạy nhạc cụ này nên phải tự học.
Cũng may tới điểm đó các loại nhạc như Pop, Rock của thế giới bắt đầu phát triển mạnh nên tôi cũng có nhiều nguồn tư liệu. Có thể nói tôi là một trong những nhạc công chơi guitar bass đầu tiên tại Sài Gòn”.
Tiến Chỉnh từng chơi cho nhiều ban nhạc nổi tiếng như The Teddy Bears (với ca sỹ ngoại quốc Paolo), The Rocking Star (với ca sỹ Evis Phương), The Spotlights (với Đức Huy, Hồng Hải, Tuấn Ngọc)… Các cao thủ guitar bass ở Sài Gòn sau này như Thanh Long Bass, Lý Được là thế hệ đàn em của Tiến Chỉnh.
Sau giải phóng, Tiến Chỉnh tiếp tục tham gia một số ban nhạc như nhóm Dây Leo Xanh của nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu, nhóm Du ca của nhạc sỹ Trần Tiến, rồi quán cà phê Hội âm nhạc TPHCM. Tới năm 1988, đột nhiên ông tuyên bố bỏ nghề.
Ông giải thích: “Tôi cũng lớn tuổi rồi, âm nhạc có nhiều thay đổi và đã xuất hiện nhiều tay đàn trẻ chơi rất hay, sáng tạo. Tôi nghĩ mình không còn đủ khả năng để đeo đuổi đam mê nữa nên dừng bước là phù hợp nhất”. Dừng bước nhưng máu âm nhạc vẫn còn nên Tiến Chỉnh mở một quán cà phê nho nhỏ, hàng đêm có những chương trình ca nhạc dành cho khách. Thỉnh thoảng chịu không nổi vì nhớ nghề chủ quán lại nhảy lên ôm đàn tham gia vài bài.
Về cơ duyên với đêm “Vui” của Lê Cát Trọng Lý, Tiến Chỉnh kể: “Lần đầu nghe Lý đàn và hát, tôi bị bất ngờ. Cô ấy còn quá trẻ nhưng các ca khúc đã có độ chín, có sự già dặn từng trải trong từng lời ca, còn kỹ thuật thì hoàn chỉnh. Khi xây dựng liveshow “Vui”, Lý năn nỉ tôi: Hay bố tham gia với tụi con đi, có bố chương trình thêm vui”.
Gần ¼ thế kỷ mới lại chơi trong một chương trình lớn, Tiến Chỉnh thừa nhận ban đầu hơi hồi hộp, nhưng sự tươi trẻ hồn nhiên của “Vui” làm ông thêm tự tin. “Đúng là phong cách của du ca- sân khấu đơn giản, không có nhóm múa hay ánh sáng phức tạp. Chỉ là âm nhạc. Tôi cảm giác được sống lại không khí của những ngày xưa. Đúng nghĩa là vui như tên chương trình”- Tiến Chỉnh cười.
Hai đêm mở đầu “Vui”, khán giả khá đông. Mọi người cùng chia sẻ, hòa mình trong những ca khúc đầy tính tự sự, mộc mạc nhưng sâu sắc của Lê Cát Trọng Lý. Và ai cũng ngạc nhiêu khi trong ban nhạc 8x lại có một ông già gần bảy chục xuân xanh chơi bass khá sung, bốc lửa.