Nhiều gương mặt lạ

Học sinh đọc thơ tại Ngày Thơ Việt Nam - Đêm Nguyên tiêu 2011
Học sinh đọc thơ tại Ngày Thơ Việt Nam - Đêm Nguyên tiêu 2011
TP - Trách nhiệm xã hội của nhà văn trẻ, thảo luận về văn xuôi trẻ và thơ trẻ, giao lưu văn học với biển đảo Tổ quốc là những nội dung chính ở Hội nghị dành cho người viết trẻ diễn ra từ 8 đến 11-9 tại Tuyên Quang.

> Thưa vắng

Học sinh đọc thơ tại Ngày Thơ Việt Nam - Đêm Nguyên tiêu 2011
Học sinh đọc thơ tại Ngày Thơ Việt Nam - Đêm Nguyên tiêu 2011.
 

Nhiều tháng trước thềm hội nghị 5 năm một lần này, không ít dư luận ì xèo chuyện nhân sự. Có trường hợp đâm đơn khiếu nại đòi có tên nhưng bất thành. Đến nay danh sách công bố 113 đại biểu toàn quốc đều dưới 35 tuổi, trẻ nhất là Phạm Nguyễn Ca Dao 17 tuổi, từng 2 lần giải nhất trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng về thơ.

Sẽ không còn có tiếng than đến hội nghị gặp toàn người cũ, bởi chỉ 6 người dự hội nghị 7 ở Hội An lên đường đến Tuyên Quang dịp này. Nhưng không ít người lại than, nhiều cái tên lạ lẫm với công chúng, nhất là đại biểu theo giới thiệu của khối địa phương.

Có người còn đặt vấn đề, liệu nhất thiết tỉnh nào cũng phải có đại biểu? Nhà văn Nguyễn Đình Tú tản mạn về hội nghị: “Hội nghị 8 sẽ là hội nghị của một lứa đại biểu mới, lạ và ít nổi tiếng hơn nhưng lại là lực lượng có thể làm nên điều bất ngờ cho văn học ở giai đoạn hậu hội nghị. Còn nhớ ở hội nghị 5, những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn đều chưa nổi tiếng như bây giờ”.

Năm năm mới có dịp hội ngộ, 113 đại biểu chỉ tập trung hai ngày 9 và 10-9, trước đó dâng hương ở đền Hùng, sau bế mạc là cơ hội thăm thú quê hương cách mạng. Sáng khai mạc mùng 9, hội nghị tập trung chủ đề Trách nhiệm xã hội của nhà văn trẻ. Chiều cùng ngày đến khi bế mạc, chia hai nhóm hội thảo: Văn trẻ nhận dạng và phát triển, Thơ trẻ nhận dạng và phát triển.

Từng dự hội nghị cho người viết trẻ lần 4, 5 nay phụ trách Ban nhà văn trẻ, thành viên BTC hội nghị 8, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Tôi nghĩ các bạn chẳng cần xác định gì lớn quá đâu, chỉ cần coi đây là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyện trò. Gặp nhau để kích thích sáng tạo đã là tốt lắm rồi”.

Nguyễn Xuân Thủy, tác giả Biển xanh màu lá, Sát thủ online nói: “Tôi nghĩ người viết trẻ không kỳ vọng đi hội nghị về sẽ sáng tác hay hơn. Họ chọn tâm thế gặp gỡ, giao lưu là chính. Về mặt phong trào, rất nên có những hội nghị như thế này, quan trọng là cách thức tổ chức để nó tiệm cận, kích thích đời sống, đưa ra các chủ đề mổ xẻ: Tại sao những người viết trẻ ít khi đọc nhau, bạn đọc cần gì ở người viết trẻ… Hội nghị không thể can thiệp vào hành trình sáng tạo của người viết. Đó là hành trình tự thân, miệt mài, cô đơn và độc lập”.

Đêm giao lưu Văn học với biển đảo Tổ quốc bên lề hội nghị cũng nóng lên từng ngày. Dự kiến, một số chiến sĩ Trường Sa vượt biển về Tuyên Quang theo lời mời BTC.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG