Một phiến đá được đánh dấu thuộc công trường chế tác đá cổ. Ảnh: Hoàng Lam. |
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu thám sát, khai quật và biến nơi đây thành địa điểm tham quan ngoài trời. Công trường có số khối đá lớn đã phát hiện, nhiều phiến khác kỳ vọng phát hiện thêm sớm trở thành điểm du lịch lí thú trong tuyến tham quan di sản thế giới thành nhà Hồ. Nhiều di sản cho đến nay chưa biết được nguồn gốc, phương pháp, kỹ thuật xây dựng. Chính vì thế sự phát hiện công trường này, rất hữu ích cho giới nghiên cứu lịch sử và di sản thành nhà Hồ”, ông Đỗ Quang Trọng nói tại trưng bày khai mạc sáng 18-8 tại Hà Nội.
Đây là trưng bày chuyên đề về di sản thế giới thành nhà Hồ, bên lề Đại hội thế giới lần thứ 8 Liên hiệp các Hội UNESCO diễn ra từ 19 đến 21-8 tại Hà Nội, quy tụ khoảng 300 đại biểu quốc tế.
Phát hiện di chỉ công xưởng chế tác đá cổ mở ra hướng nghiên cứu xưa nay còn nhiều dấu hỏi: Đá được lấy từ đâu, chế tác ra sao và vận chuyển như thế nào. Đại diện Trung tâm BTDS thành nhà Hồ khẳng định, phát hiện này đồng thời là căn cứ khoa học tin cậy, bổ sung vào hồ sơ khoa học di sản Thành Nhà Hồ, báo cáo mở rộng vùng đề cử như cam kết của Việt Nam đối với UNESCO.
Trong hướng nghiên cứu tới, trung tâm phối hợp Viện khảo cổ lập đề án chính thức trình UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành thám sát, khai quật. Tuy vậy, không thể tiến hành sớm, do chờ xin giấy phép của Bộ VHTTDL, tuân theo quy trình chặt chẽ của luật Di sản văn hóa, quy chế khai quật và thăm dò khảo cổ.
Dù thế giới tôn vinh tòa thành độc đáo, kết tinh trí tuệ tạo ra kỹ thuật xây dựng đá lớn, song thành nhà Hồ chưa thực là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước: Khoảng 40.000 lượt khách thăm thành nhà Hồ năm 2010. Vì lẽ đó, đại diện Trung tâm BTDS thành nhà Hồ kỳ vọng, phát hiện ý nghĩa này mở ra cơ hội phát triển du lịch di sản, nhất là sau khi thế giới vinh danh tòa thành độc đáo này.
“Khai quật chỉ là phương pháp đầu tiên, quan trọng là hướng đi tiếp theo với công trường khai thác đá. Từ nghiên cứu phương pháp chế tác, giới chuyên môn đưa ra nhận định khoa học chắc chắn hơn, có thể giả thiết cách vận chuyển đá xây dựng thành nhà Hồ”, ông Trọng nói.
Công trường đá cổ này được cho là nơi chế tác đá xây thành nhà Hồ, thuộc thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. 21 phiến đá được xác định có dấu tích chế tác để xây thành thuộc khu vực núi An Tôn, cách thành nhà Hồ gần 2km, hiện nay được đánh dấu từ 01TNH đến 21TNH.
Số phiến đá này được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, nhưng quanh khu vực này không cần hàng rào bảo vệ, theo lời đại diện tỉnh Thanh Hóa: Từ trước tới nay người dân tự hào về di sản này, bây giờ được thế giới tôn vinh, ý thức cộng đồng còn tốt hơn.
Lý giải băn khoăn vì sao sau thời điểm UNESCO công nhận thành nhà Hồ là di sản thế giới, địa phương mới phát hiện, công bố địa điểm chế tác đá xây thành, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước kia nhiều chuyên gia Pháp, Nhật Bản từng đưa ra một số nhận định về khu vực núi An Tôn, các núi đá vôi trong vùng. Nhưng cần có quá trình tìm hiểu dấu tích bộc lộ một cách cụ thể, do không thể nhận ra bằng mắt thường.
Gần nhất là nhờ cuộc khai quật năm 2008, các chuyên gia tìm hiểu dấu vết bóc tách và chế tác thủ công còn lại trên các phiến đá, đem đối sánh với phiến đá thành nhà Hồ.
Nơi phát hiện các phiến đá là núi đá vôi, diện tích khoảng 25,292ha. Đá được chia thành những vỉa, theo kiểu đoạn tầng từng lớp, từng lớp rất thuận lợi cho việc bóc tách. Phòng chuyên môn của Trung tâm BTDS thành nhà Hồ phát hiện, những phiến đá này có lỗi kỹ thuật: vỡ cạnh, vỡ góc nên có thể bị bỏ lại. Ngoài các phiến đá được ghè đẽo định hình, các chuyên gia phát hiện một số phiến đá được bóc tách, đưa xuống chân núi. |