Vụ đạo văn ở tỉnh Đắk Nông: Sự ngụy biện của ông chủ tịch hội

Vụ đạo văn ở tỉnh Đắk Nông: Sự ngụy biện của ông chủ tịch hội
TP - Tạp chí Nâm Nung số tháng 6-2011 đăng lá thư “ thành thật xin lỗi các nhà văn và độc giả” vì để xảy ra hiện tượng đạo văn của Lê Thủy. Nhưng tiếp sau đó báo Tiền Phong lại nhận được công văn cho rằng báo đã thông tin sai lệch, một chiều trong việc phanh phui vụ đạo văn này. Sự thật ở đâu ?

> Nương nhẹ kẻ đạo văn

Vụ đạo văn ở tỉnh Đắk Nông: Sự ngụy biện của ông chủ tịch hội ảnh 1

Công văn được đánh số 66, do ông Khúc Ngọc Vĩnh Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông ký ngày 12-7-2011, nhằm “đề nghị đính chính thông tin báo nêu” đối với bài “Nương nhẹ kẻ đạo văn” đã đăng trên Tiền Phong Chủ Nhật số 184 ngày 3-7-2011. Tuy nhiên hầu như toàn bộ nội dung công văn không chứng minh được báo đã sai ở điểm nào để cần đính chính.

Công văn 66 phản đối bài báo ở các ý sau:

1. Viết “cất nhắc” là không đúng sự thật?

“Trong quá trình kiện toàn bộ máy Ban Biên tập tạp chí Nâm Nung, do chưa có nhân sự, Tổng biên tập tạp chí chỉ tạm thời phân công cô Võ Thị Lệ Thủy thực hiện các công việc của chức danh Trưởng ban Biên tập, không có quyết định bổ nhiệm, không hưởng phụ cấp trách nhiệm. Bài báo viết “cất nhắc lên vị trí trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung” là không đúng sự thật”.

Trước hết, cần hiểu “cất nhắc” nghĩa là gì? Nghĩa là, chẳng hạn như một người từng tự nhận không có bằng cấp chuyên môn nào, vẫn được Tổ chức quyết cho lên ghế Chủ tịch Hội không do Đại hội bầu, sau đó kiêm luôn vai Tổng Biên tập, như vậy là người được cấp trên cất nhắc.

Đang công tác ở Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông, Võ Thị Lệ Thủy ( bút danh Lê Thủy) được nhận về Hội chưa lâu, được kết nạp Đảng, được in chính danh Trưởng ban Biên tập trên các số tạp chí Nâm Nung, như thế là cất nhắc. Dùng từ cất nhắc có gì là không đúng sự thật?

2. Đạo văn trắng trợn hơn vì “không thể chạy theo dư luận” ?

Nhận được đơn thư phản ánh hiện tượng đạo văn của Lê Thủy do phóng viên Lê Thắng công tác tại Đài PTTH Đắk Lắk gửi đến từ ngày 17-1-2011, sau đó ông Tô Đình Tuấn giám đốc Sở VH-TT-DL chất vấn về hiện tượng này trong cuộc họp BCH đầu năm, nhưng ông Vĩnh không trả lời cũng chẳng hành động gì, cho tới khi báo Tiền Phong vào cuộc với bài “Văn sĩ cầm nhầm” đăng ngày 10-4-2011, sự việc võ lở, nhiều báo mạng báo in đăng bài phê phán gay gắt, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, đến chiều ngày 24-5 ông Vĩnh mới lần đầu tiên họp cơ quan kiểm điểm về vụ này.

Căn cứ theo Luật Khiếu nại Tố cáo, thì thời hạn Chủ tịch Hội Khúc Ngọc Vĩnh phải hồi âm cho anh Lê Thắng về hiện tượng đạo văn không quá 30 ngày nếu xem đây là sự việc đơn giản, thậm chí có thể kéo dài tối đa tới 55 ngày để xác minh, thỉnh thị nếu cho rằng sự việc quá phức tạp. Nhưng đến nay sau hơn nửa năm, anh Thắng vẫn chưa nhận được
hồi âm.

Công văn 66 thể hiện rằng: “ Cô Thủy là một công chức, do vậy việc xem xét kỷ luật phải được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật. Mặt khác, đây là vấn đề “con người” và xử lý một “con người” nên không thể chạy theo dư luận trong việc xử lý, kỷ luật… Thực tế, cấp thẩm quyền đã kết luận Hội VHNT tỉnh Đắk Nông thực hiện việc xử lý, kỷ luật công chức đúng quy định, khách quan và nghiêm túc.”

Trên thực tế, nếu Hội sớm xử lý nghiêm túc ngay sau khi nhận đơn thư tố cáo, thì trong tạp chí Nâm Nung số tháng 4-2011 Lê Thủy có cơ hội đưa in tiếp 2 tác phẩm đạo văn trắng trợn của nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không?

3. Còn điều gì không đúng sự thật?

Công văn 66 nhiều lần quy kết bài báo viết “không đúng sự thật”. Sự quy kết này đi từ những suy diễn chủ quan, thiếu xác thực.

Ví dụ ở điều 3, điểm 1 CV viết “Cách thông tin của bài báo khiến bạn đọc hiểu rằng đây là cuộc họp để xử lý, kỷ luật cô Võ Thị Lệ Thủy. Thực chất đây là cuộc họp bất thường để kiểm điểm lãnh đạo Hội…” . Nhưng bất kỳ độc giả nào đọc kỹ cả bài báo, cũng sẽ thấy chẳng có câu chữ nào, dù hiển ngôn hay hàm ý, có thể dẫn đến cách hiểu sai lệch của bạn đọc như công văn nhận định.

Về tư cách Hội viên của Lệ Thủy, công văn giải thích không mấy thuyết phục vì sao ở trang 2 nhấn mạnh thẩm quyền xử lý thuộc cơ quan hội, mà mãi cho tới nay Hội vẫn chưa quyết nổi ? Trong bài báo cũng không có câu nào viết sai về thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng đối với Lệ Thủy.

Công văn 66 cho rằng hình ảnh bản tự kiểm điểm của Lê Thủy mà báo đăng lên là “ cắt ghép có chủ ý”, “không đúng sự thật”. Xin nói rõ không có gì “ cắt ghép” ở đây cả. Các trang kiểm điểm đó đều do Lê Thủy đánh máy, in ra, đọc trước cuộc họp cơ quan hội.

Sau khi báo TP ra bài đầu tiên, lãnh đạo Hội yêu cầu Thủy làm kiểm điểm. Thủy làm xong đưa ra đọc trước cuộc họp cơ quan, có đại diện Ban Tuyên giáo là ông Hoàng Mạnh Thắng trưởng phòng VHVN cùng dự. Nghe Thủy đọc xong, ông Dị và ông Thắng nhận xét đây không phải là kiểm điểm mà giống… tùy bút, không thấy nhận khuyết điểm đâu cả, yêu cầu làm lại. Sau đó Thủy viết lại kiểm điểm lần thứ hai, trình bày trong cuộc họp sau đó.

Trích thư của ban biên tập tạp chí Nâm Nung

(Trang 80 tạp chí Nâm Nung số tháng 6-2011)

Trong thời gian qua, do điều kiện và hạn chế nhất định trong khâu kiểm duyệt tác phẩm trước khi sử dụng trên Tạp chí nên đã để xảy ra việc tác giả Võ Thị Lệ Thủy (bút danh Lê Thủy) vi phạm bản quyền của các nhà văn như báo chí đã nêu.

Sau khi xảy ra sự việc, Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm liên quan trước lãnh đạo tỉnh và Ban chấp hành; và có những biện pháp xử lý kỷ luật kịp thời đối với tác giả Võ Thị Lệ Thủy, cụ thể như sau:

1. Hình thức kỷ luật: Cảnh cáo

2. Không phân công nhiệm vụ trong Ban biên tập Tạp chí.

3. Không sử dụng tác phẩm của tác giả Lê Thủy trên tạp chí trong thời gian thi hành kỷ luật.

4. Thu hồi toàn bộ số tiền trong quỹ hỗ trợ sáng tạo của 02 năm (2008 và 2010) đối với những tác phẩm đã vi phạm.

Ban biên tập Tạp chí Nâm Nung thành thật xin lỗi các nhà văn và độc giả.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG