Fan cuồng người Việt của 'sao' Hàn

Bạn trẻ tham dự tuần lễ JYJ tại Hà Nội Ảnh: BHD cung cấp
Bạn trẻ tham dự tuần lễ JYJ tại Hà Nội Ảnh: BHD cung cấp
TP - Tuần lễ JYJ vừa được tổ chức ở Hà Nội để đón chào sự kiện nhóm nhạc này sang Việt Nam, dù chỉ để hát có hai bài trong một trận bóng đá giao hữu tại TPHCM.

> Giao lưu văn hóa giá đắt
> Cầu thủ và nghệ sĩ cùng chơi bóng

Bạn trẻ tham dự tuần lễ JYJ tại Hà Nội Ảnh: BHD cung cấp
Bạn trẻ tham dự tuần lễ JYJ tại Hà Nội. Ảnh: BHD cung cấp.
 

Tuần lễ bao gồm các hoạt động hát, nhảy tập thể theo nhạc của nhóm, xem phim có thành viên của nhóm đóng, tuyển chọn hình ảnh đẹp gửi đến nhóm… Người hâm mộ làm tất cả những việc đó với mong mỏi nhóm sẽ trở lại Việt Nam trình diễn chính thức. Nhưng một sự cố ngoài mong muốn khiến họ lo rằng JYJ sẽ một đi không trở lại.

“Sự kiện trọng đại” được một trang thông tin mô tả: “Những fan cuồng của JYJ cho hay, dù bám theo chân thần tượng từ sân bay trở về sân vận động nên may mắn không bỏ lỡ phần trình diễn đặc biệt mà hầu hết khán giả bị lỡ, thì họ cũng không hoàn toàn thoải mái khi chứng kiến thái độ lạnh nhạt, nụ cười gượng ép mà ba chàng trai JYJ đáp trả sự hân hoan cuồng nhiệt của fan”.

Màn trình diễn thiếu lửa được lý giải là do phản ứng thái quá của người hâm mộ khiến một thành viên ban nhạc suýt ngã tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó dù “không phản ứng nửa lời, nhưng cái nhăn mặt, nhíu mày của ca sĩ cho thấy anh khó chịu đến thế nào trước hành động bấn loạn của fan” (theo xzone.com).

Một tinh thần tương tự có thể thấy trên gương mặt danh thủ Park Ji-sung khi anh khoanh tay thờ ơ trên ô tô, hậu cảnh là hàng đoàn người hâm mộ Việt cờ biển chạy theo tuyệt vọng. Trang bongdaplus.vn miêu tả cảnh ông bố tay đang bó bột cũng xông vào Trung tâm Thể thao Thành Long nơi Park giao lưu, để xin chữ ký cho con gái đứng ngoài.

Cánh phóng viên thể thao thì than phiền, họp báo chỉ dành cho phóng viên Hàn, vì không có lấy một phiên dịch. Phóng viên Việt Nam ngậm ngùi nhìn đồng nghiệp nước khách tung tăng tác nghiệp bên cạnh ngôi sao, còn mình đứng xem sau rào chắn vệ sĩ người Việt.

Tâm trạng của người hâm mộ Việt thế nào khi phải chịu sự thờ ơ thậm chí ghẻ lạnh của các thần tượng ngay trên đất nước mình? Phải chăng các “thần tượng” còn nghi ngờ, e sợ về lòng hiếu khách vô tư và… thái quá của người hâm mộ Việt?! Lấy lòng fan là một trong những việc cần làm của các sao, nhất là khi họ cần bán vé hay bán đĩa. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu lúc này của sao Hàn. Dường như họ sang với sứ mệnh khác…

Xu hướng cuồng mộ các đại diện văn hóa Hàn Quốc trong giới trẻ Việt Nam phần nào thể hiện tinh thần hướng ngoại. Dường như họ không tìm được hình mẫu trong nước để trút lòng hâm mộ. Việc tung hô sao Hàn còn mang sắc thái cạnh tranh với fan của một số nước khác, thi xem nước nào “cuồng” hơn. Dù sao, Việt Nam chỉ là một trong các nước chịu ảnh hưởng của cơn sóng Hàn Quốc.

“Hướng ngoại” ở đây chắc cũng đồng nghĩa với “hướng thượng”. Trên những bộ phim chiếu rả rích cả thập kỷ nay, hình ảnh đất nước Hàn hiện ra giàu đẹp. Từ cảm thụ văn hóa đến tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ xuất xứ Hàn Quốc là một bước rất gần. Hàn Quốc trở thành thương hiệu tại Việt Nam tự lúc nào.

Hàn Quốc luôn chú trọng xuất khẩu văn hóa đa dạng sao cho bên nhập khẩu có thể thấm nhuần càng đầy đủ các khía cạnh càng tốt. Phim tâm lý đương đại đi trước dọn đường cho lịch sử cổ trang. Ngôi sao ca nhạc đứng ra hút khách cho thể thao hay văn hóa truyền thống. Như trường hợp JYJ đi kèm danh thủ Park Ji-sung, hay 2A.M dắt theo màn trình diễn Taekwondo và đánh trống.

Từ việc hâm mộ vài ngôi sao, dẫn tới yêu thích văn hóa, chấp nhận để nét văn hóa đó trở thành một phần của con người mình. Đó chính là một lối đi êm thấm nhất có thể của quá trình tạm gọi là đồng hóa văn hóa.

Người ta không chỉ giao lưu văn hóa cho vui, mà kéo theo đó là các lợi ích kinh tế. Nói vui, giả sử có cuộc đấu thầu, khi các nhà thầu quốc tế đều ngang cơ, thì nhiều khả năng nhà thầu Hàn sẽ thắng. Đơn giản chỉ vì con gái của người mua thầu thích nghe nhạc Hàn, còn vợ ông ta thích xem phim Hàn.

Một ví dụ điển hình về việc văn hóa sóng đôi kinh tế là hình ảnh Jang Dong Gun đại diện cho một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng Hàn Quốc xuất hiện trên VTV hoặc các biển quảng cáo cỡ lớn trên đường phố Hà Nội. Rất hiệu quả! Vì ở Việt Nam, người ta đã có câu: “Đẹp trai như Jang Dong Gun”. Sự giỏi giang của người Hàn riêng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia đã đủ để nhiều người ngưỡng mộ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG