> Phong cách của sao Việt ngày càng... quái
Trang phục của Minh Hằng tại LHP Cannes. |
Theo người viết bài này, thảm đỏ không là nơi diễu hành trang phục dân tộc. Có gốc gác phương Tây, thời trang thảm đỏ có những quy tắc cần tuân thủ, hoặc cải biên hợp lý. Các bộ trang phục thảm đỏ có thể lấy cảm hứng từ trang phục dân tộc, song vẫn phải thể hiện những nét tối thiểu của một đại lễ phục quốc tế.
Ví dụ, trang phục quý bà phải có nét đặc thù của một chiếc váy đầm dạ hội, thường dài và rủ, không lộ gót giày. Một số nhà tạo mẫu lớn cũng phá cách táo bạo, như làm đầm xòe dài ngang bắp chân, song kiểu thiết kế ngoại lệ đó rất hiếm khi mỹ mãn.
“Nàng mặc chiếc váy đầm chứ không phải chiếc váy đầm mặc nàng” - Elia Saab, nhà tạo mẫu thời trang thảm đỏ nổi tiếng người Li Băng. |
Phục sức thảm đỏ của quý bà thường bao gồm năm thứ: Váy đầm, ví đầm, tóc, đồ trang sức và cách trang điểm. Thiếu chăm chút thứ gì cũng không được. Váy đầm dạ hội thường hở vai, hở lưng hoặc đầu gối, tránh kiểu nửa kín nửa hở, lấp ló nội y. Chất liệu vải phong phú nhưng phải đủ sức nặng làm rủ tà váy. Phải có một chút ít nữ trang, chỉ không đeo nếu áo quá nhiều chi tiết.
Trên hết, trang phục và trang sức phải có phong cách nổi bật, mang dấu ấn sáng tạo của một nhà tạo mẫu đương đại hay cổ điển (trong trường hợp các sao mặc hàng cổ vintage). Đây không phải là lúc thể hiện cái tôi bản địa, với bộ váy đầm không tên tuổi hay cặp môi nhợt nhạt cho giản dị!
Trang phục cũng không được quá cầu kỳ, diêm dúa. Bộ váy của Minh Hằng tại Cannes vừa qua có vẻ khiến người ta liên tưởng bộ đồ hóa trang của công chúa đang vui chơi với các em nhỏ ở Suối Tiên.
Trang phục của Mỹ Duyên tại LHP Cannes. |
Cũng có thể mặc áo dài và áo dài cách điệu trên thảm đỏ, nếu chúng mang đầy đủ tính chất của một trang phục dạ hội. Nói chung, chưa phải lão luyện như Nicole Kidman có lần mặc đầm theo phong cách xường xám đi dự Oscar, thì khoan vội mặc áo dài hoặc áo dài cách điệu trên thảm đỏ.
Áo dài không phải là trang phục dành riêng cho dạ hội, thì có nên cải biên nó bước lên thảm đỏ khi chưa trải nghiệm nhiều?
Chiếc áo dài cách điệu của Thanh Hằng tại Cannes, người bảo đẹp người bảo không, nghe đều có vẻ có lý. Hàng ren mềm rũ trông xa hoa lắm, nhưng vẫn thiếu căn bản. Hở lưng là sự gợi cảm cho phép của những lễ hội mang tính chất động, nhưng váy đầm hở lưng nên đơn giản, và ít khi liều mạng có màu nhạt vì sẽ dễ giống một chiếc váy “nhật hội”- mặc giữa trưa hay của một vũ nữ.
Bộ tuxedo mặc trên thảm đỏ của quý ông cũng cần được cắt may khéo, vải vóc loại tốt, hợp vóc dáng và không lỗi thời. Phục trang của một số quý ông Việt Nam đôi khi để lộ những đường may ẩu, xốc xếch. Mặc những bộ như thế dễ gượng gạo, chìm nghỉm, kém phong độ.
Thảm đỏ còn là nơi thể hiện phong cách đi, đứng, giao lưu và tạo dáng chụp ảnh của nghệ sĩ. Các cặp nghệ sĩ nam nữ thì phong thái lịch lãm, ăn ý với nhau.
Bước lên thảm đỏ Cannes, có vẻ đoàn nghệ sĩ Việt Nam không có những khiếm khuyết quá lớn hoặc phong cách lập dị như một số nghệ sĩ nước ngoài, song ấn tượng sẽ tốt hơn với đồng nghiệp và công chúng quốc tế nếu nghệ sĩ và nhà thiết kế quan tâm học hỏi và chuẩn bị chu đáo. Đó là nói về hình thức, còn hành trang và tư cách của họ tại một Liên hoan phim quốc tế tầm cỡ như Cannes, chưa bàn tới.
Ăn mặc chơi từ món dân dã tới cao cấp, nông thôn tới thành thị, trong ngoài nước- biểu hiện một động thái văn hoá, cá tính, nhu cầu. Mục ĂN-MẶC-CHƠI ra thứ bảy, mong bạn đọc đóng góp qua địa chỉ: banvannghetp@gmail.com. |