Tiếp tục đạo văn, tiếp tục ngụy biện

Tiếp tục đạo văn, tiếp tục ngụy biện
TP - Trong tạp chí Nâm Nung số tháng 4-2011 vừa phát hành, Lê Thủy lại tiếp tục cho in 2 “tác phẩm” đứng tên mình và vẫn là… tác phẩm của người khác.

> Văn sỹ cầm nhầm

Tạp chí Nâm Nung cũng là một nạn nhân
Tạp chí Nâm Nung cũng là một nạn nhân.

Trưa ngày 9-4-2011, Lê Thủy điện thoại cho phóng viên báo Tiền Phong, nói: “Do suy nghĩ ngốc nghếch, lại thích các truyện của các anh chị quá nên không kìm chế được bản thân mình nên… Mong các anh chị rộng lượng bỏ qua và tha thứ cho em”. Cô cũng hứa: “Em hứa là sẽ không bao giờ tái diễn những việc như vậy đâu ạ!” (trích băng ghi âm).

Vậy mà ở cuốn tạp chí Nâm Nung số 70 phát hành cuối tháng 4-2011, phần mục lục có Bình yên những khu rừng- Lê Thủy; Thung xưa ngày cũ- Nguyễn Thư Tuệ Anh.

Gõ vài chữ vào Google, kết quả lập tức hiện ra.

Truyện ngắn bị Lê Thủy chắp vá xào nấu ít nhiều biến dạng, chính là của…nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Còn truyện ngắn Thung xưa ngày cũ đăng dưới tên đứa con gái 3 tuổi của Lê Thủy, hầu như là bản sao nguyên gốc chỉ xén bớt phần đuôi truyện ngắn Thung xưa của Hồ Thị Ngọc Hoài, một cô giáo dạy Văn ở Nghệ An, từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ.

Trước hiện tượng này, tôi tiếp tục truy tìm nguồn gốc những bài ký tên Lê Thủy đăng trên tạp chí Nâm Nung. Quả nhiên, nạn nhân là các nhà văn, nhà chính trị, nhà nghiên cứu từ trong cho tới ngoài nước.

Truyện Năm mươi ba nốt nhạc vui đăng trên Nâm Nung số tháng 5 và tháng 6 - 2007 cóp từ Đứa trẻ thứ năm mươi ba của Giả Bình Ao; Tây Nguyên, chiến trường của Cách Mạng Việt Nam, số 58 tháng 3-2010 phần lớn chép từ bài giảng của TS Hà Minh Hồng; Ơi rừng Nâm Nung, tháng 7-2010 chính là Rừng ơi của Hoàng Kim Ngọc v.v…

Tiếp tục đạo văn, tiếp tục ngụy biện ảnh 2
 

Với truyện bối cảnh na ná hoặc thứ thiệt Tây Nguyên, Lê Thủy thường cóp nguyên si. Còn truyện xuất xứ xa lạ, thì gia công “cải trang” đôi chút. Ví dụ truyện ngắn Đi trong giấc mơ ký tên Lê Thủy đăng trên Nâm Nung số 23 tháng 11-2006 cóp gần nguyên văn truyện ngắn cùng tên của Trần Thị Kim Lan, post lên mạng từ tháng 11-2005.

Theo lời dẫn chuyện của Kim Lan, văn sĩ viết truyện này bởi cảm xúc mãnh liệt khi nghe tin quan tài của bà Rosa Parks, một phụ nữ Mỹ da đen mà nhiều người gọi là “Người Mẹ của Phong Trào Dân Quyền” từ trần ở tuổi 92, được đặt giữa điện Capitol - một danh dự thường chỉ dành riêng cho các tổng thống Hoa Kỳ. Vì bối cảnh câu chuyện là ở nước Mỹ, nên Lê Thủy xén ngắn bớt vài đoạn, xóa cảnh “tuyết phủ trắng xóa”, đổi tên Bob, Jeff thành Trường, Minh!

Tương tự, khi cóp truyện của những tác giả phía Bắc, cô chữa Việt Bắc thành Tây Nguyên, người mẹ áo chàm thành người mẹ M’Nông.

Trao đổi với Xí nghiệp in Đắk Lắk, tôi được biết bản thảo Nâm Nung số tháng 4-2011 mới đưa đến Xí nghiệp ngày 28-4, tạp chí giao về ngày 8-5. Ông Lê Tiến Dị, phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Nông, nói, ông bàng hoàng và không ngờ sự thể tệ hại đến như vậy, sau khi Hội đã kiểm điểm, nương nhẹ và mở lối cho Thủy sửa sai theo nguyện vọng của cô ta!

Ông Dị kể: Theo tinh thần văn bản của Ban Tuyên giáo T.Ư hướng dẫn xử lý vụ đạo văn, chiều 25-4 ông Khúc Ngọc Vĩnh - Chủ tịch Hội VHNT Đắk Nông - triệu tập họp toàn cơ quan Hội, có mặt đủ 10 người. Tất cả nhất trí yêu cầu Thủy phải trả lại 10 triệu đồng đã nhận 2 đợt vào năm 2008, 2011 cho Quỹ Hỗ trợ sáng tác.

Hội đồng kỷ luật 4 người của Hội bỏ phiếu đều 2/2, nửa Cảnh cáo, nửa Khiển trách nên sự việc lùng nhùng chưa xong. Lê Thủy chuẩn bị xong bản thảo Nâm Nung số tháng 4, dù chưa trả lại đồng nào trong 10 triệu đồng tiền Hỗ trợ sáng tác cho Quỹ, nhưng được Chủ tịch Hội đồng ý, liền lên đường dự trại sáng tác ở NhaTrang. Ai ngờ ngay trong số tạp chí này, cô vẫn tiếp tục đạo văn…

 

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam:

Câu chuyện một biên tập viên của tạp chí văn nghệ Đắc Nông “đạo văn”, lấy tác phẩm văn học của người khác làm của mình đã được phanh phui, phê phán không chỉ trên báo Tiền Phong mà còn có báo Văn nghệ của Hội Nhà văn và nhiều báo khác.

Một số tác giả có truyện ngắn bị người khác ăn cắp cũng đã lên tiếng phản bác…Theo tôi biết, gần đây, Ban Tuyên giáo T.Ư đã có ý kiến chính thức với các cấp có thẩm quyền quản lý báo chí của tỉnh Đắk Nông yêu cầu làm rõ vấn đề này, kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với cá nhân vi phạm bản quyền, làm rõ trách nhiệm với lãnh đạo Tạp chí Nâm Nung, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Đắk Nông, theo đúng qui định của Ban Bí thư T.Ư trong công tác quản lý báo chí…

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc tại Hà Nội, nhiều đại biểu cũng đề cập việc không thể chấp nhận những hành vi “đạo văn” vi phạm luật Báo chí, luật bản quyền, làm ảnh hưởng uy tín, tác phẩm của các nhà báo, văn nghệ sĩ chân chính.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam :

Tôi thực sự kinh ngạc về việc chị Lê Thủy đạo văn của nhiều nhà văn. Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy chị Lê Thủy vẫn cho in tiếp những tác phẩm đạo văn trong số mới nhất của tạp chí Nâm Nung...

Kinh ngạc hơn nữa khi được đọc bản kiểm điểm của chị. Và một sự kinh ngạc nữa khi mọi chuyện đã rõ ràng đến như thế mà những người có trách nhiệm ở địa phương chị Lê Thủy làm việc vẫn không có được một quyết định rõ ràng và đúng với hành vi của chị Lê Thủy.

Tất cả những điều đó cho thấy đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta đang trở nên tệ hại đến mức nào. Tại sao đến giờ, chị Lê Thủy vẫn tiếp tục đạo văn và ngụy biện? Thực tình tôi không muốn nặng lời với một người phụ nữ. Nhưng chính những gì chị đã và đang làm bắt chúng tôi phải lên tiếng.

 

Trích đoạn bản tự kiểm điểm Lê Thủy viết ngày 24-4

Kính gửi: Lãnh đạo Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông

Tôi tên là Võ Thị Lệ Thủy 

Bút danh : Lê Thủy

Chức vụ: Trưởng Ban Biên Tập

Hiện đang công tác tại Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông

Nay tôi viết bảng kiểm điểm này để kiểm điểm lại những việc vi phạm của bản thân trong thời gian qua như sau:

Lúc đầu tôi lên kế hoạch “đạo văn” chỉ là để bảo vệ cái “thánh đường” văn chương mà tôi hằng tôn thờ, ngưỡng mộ. Ham đọc nên tôi phát hiện ra sao lại quá nhiều những bài viết quá giông giống nhau như thế này, thật giả lẫn lộn. Tôi cũng đã “kêu gào”, báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng nhưng mọi việc đâu vẫn vào đấy. Tôi muốn “mình là vật hy sinh” để nói với ai đó còn nhăm nhe “đạo văn” rằng, khi dính vào “đạo văn” thì chỉ có mất chứ chẳng được lợi lộc gì đâu, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, “lưới trời lồng lộng”.

Tiếp tục đạo văn, tiếp tục ngụy biện ảnh 3

Tác phẩm nó hiển diện ra đó, lúc này không phát hiện được rồi cũng có lúc tình cờ rồi người ta cũng sẽ phát hiện ra thôi. Đừng dại dột. Tôi muốn nạn “đạo văn” không còn có đất sống. “Thánh đường” của tôi sẽ trở về vẹn nguyên những gì tốt đẹp nhất.

Thứ hai tôi cũng tò mò muốn biết những tính cách thật của các nhà văn đằng sau những tác phẩm hết sức nhân văn mà tôi đang đọc. Những tác phẩm họ viết hay đến thế, đẹp đến vậy, cao cả và đầy yêu thương con người thế thì ngoài đời họ sẽ đối xử với nhau như thế nào nhỉ?

Thứ ba tôi muốn Hội trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến Hội văn nghệ địa phương. Các hội Văn học – Nghệ thuật Trung ương cũng nên nhín chút thời gian ngó qua thử các Hội địa phương hoạt động như thế nào. Chứ cứ ai mải người nấy, các nhà văn chẳng bao giờ chịu đọc văn của nhau thì lấy đâu ra nhận xét khách quan nên lần nào đến kỳ xét kết nạp Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam cũng ì xèo chuyện nọ, chuyện kia.

Hội nhà văn cần quan nhiều tâm hơn nữa đến các hội địa phương và khi xét chọn kết nạp một Hội viên hay đánh giá một tác giả, tác phẩm hãy nhìn vào tác phẩm cùng những đóng góp của họ cho nền văn học nước nhà chứ đừng nhìn theo cảm tính yêu ghét mà bình xét….

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.